Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần sử dụng "của để dành" đúng mục đích

08:07, 04/07/2021

Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp như hiện nay, việc người lao động đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần ngày càng tăng là điều khó tránh khỏi.

Việc số lượng người lao động (NLĐ) đề nghị hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ngày càng tăng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp như hiện nay là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần có giải pháp căn cơ để người lao động hiểu rõ chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến BHXH. Qua đó, để NLĐ an tâm tham gia BHXH, sử dụng số tiền đã đóng BHXH đúng mục đích.

Nhiều thách thức

 Tình trạng người lao động hưởng trợ cấp BHXH một lần có xu hướng ngày càng tăng gây khó khăn gì trong việc thực hiện mục tiêu bao phủ tỷ lệ người tham gia BHXH, thưa ông?

- Thống kê của BHXH Việt Nam đến cuối tháng 5-2021, cả nước có hơn 16,1 triệu người tham gia BHXH, đạt 32,4% lực lượng lao động, đạt 91,3% kế hoạch đặt ra. Riêng số người tham gia BHXH bắt buộc là trên 15 triệu người, giảm 25,8 ngàn người so với cuối năm 2020. Số người tham gia BHXH tự nguyện là trên 1,1 triệu người, giảm hơn 13 ngàn người; tham gia bảo hiểm thất nghiệp là trên 13,3 triệu người, giảm 20,7 ngàn người.

Để đạt được mục tiêu đặt ra, trong những tháng cuối năm, cả nước phải có thêm hơn 1,5 triệu người tham gia BHXH. Mục tiêu này rất khó bởi hiện nay số lượng người hưởng trợ cấp BHXH ngày càng tăng do nhiều nguyên nhân cả về chủ quan lẫn khách quan.

 Vậy cơ quan chức năng cần phải làm gì để hạn chế tình trạng NLĐ đổ xô đi nhận BHXH một lần?

- Các cơ quan chức năng phải cố gắng tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu được những được - mất của việc nhận BHXH một lần. BHXH được xem như “của để dành”, NLĐ khi tham gia đóng BHXH là được Nhà nước bảo hộ để đến khi NLĐ hết tuổi lao động có lương hưu nhằm không phải phụ thuộc vào con cháu, không phụ thuộc vào nhà nước. Từ nguồn lương hưu của mình, khi không còn khả năng lao động, người dân có thể đảm bảo cuộc sống hằng ngày, được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hằng năm để đi khám, chữa bệnh. Ngoài ra, khi chết đi, người có lương hưu còn được hưởng chế độ tử tuất theo quy định.

Mục tiêu của Đảng và Nhà nước coi BHXH, BHYT là 2 trụ cột quan trọng, chủ yếu của hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo cho người dân có sức khỏe, có cuộc sống ổn định. Nhiều NLĐ chưa hiểu rõ ý nghĩa của điều này nên mới nhận BHXH một lần dẫn đến phải chịu nhiều thiệt thòi về sau.

Đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân

 Theo ông, công tác tuyên truyền cần nhấn mạnh vào nội dung gì để NLĐ hiểu được lợi ích khi tham gia BHXH?

- Để nâng cao kiến thức, chuyển biến nhận thức của NLĐ, các ngành chức năng, các cấp Công đoàn phải tuyên truyền cho người dân để người dân không có suy nghĩ gửi BHXH không có lời như gửi tiết kiệm.

Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại Bưu cục Khu công nghiệp, TP. Biên Hòa (ảnh do bảo hiểm xã hội tỉnh cung cấp)
Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng tại Bưu cục Khu công nghiệp, TP. Biên Hòa (ảnh TL do bảo hiểm xã hội tỉnh cung cấp)

Trong Luật BHXH quy định Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH. Chính vì lẽ đó, NLĐ khi đã về hưu rồi vẫn được điều chỉnh lương hưu cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Bộ LĐ-TBXH đang trình Chính phủ 2 phương án tăng lương hưu 10% vào năm 2021 và 15% vào năm 2022, ưu tiên những người về hưu trước năm 1995 và đặc biệt là người về hưu trước năm 1993. Ngoài ra, trong chính sách BHXH có kèm theo chính sách về bảo hiểm thất nghiệp để bảo hộ cho NLĐ khi mất việc làm vẫn có trợ cấp, được hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm.

Thời gian qua, trên mạng xã hội và nhiều kênh thông tin không chính thống khác đăng tải những thông tin so sánh giữa việc tham gia BHXH và gửi tiền tiết kiệm ngân hàng tác động không tốt đến nhận thức của người dân. Nhiều người dân sợ vỡ quỹ BHXH dẫn đến việc làm hồ sơ để hưởng BHXH một lần hoặc rút khỏi hệ thống BHXH. Tôi phải khẳng định rằng hiện nay quỹ BHXH đang được bảo tồn rất căn bản. Giả sử khi kinh tế - xã hội phát triển, chỉ số giá sinh hoạt tăng lên, đời sống người về hưu bị giảm xuống thì Nhà nước sẽ có tính toán để điều chỉnh lương hưu nhằm đảm bảo đời sống thực tế cho người dân.

 Còn những giải pháp nào nữa không, thưa ông?

- Giải pháp nữa là làm sao cho cơ chế đóng - hưởng BHXH thật sự linh hoạt, dễ dàng. Vừa qua, BHXH Việt Nam đã đưa vào vận hành hệ thống VssID. Đây là hình thức quản lý sáng tạo để NLĐ có thể giám sát được thời gian tham gia BHXH, giám sát được quá trình thanh quyết toán chế độ BHXH của mình.

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền phải thường xuyên cập nhật, điều chỉnh các chính sách về BHXH khi có những vấn đề chưa hợp lý. Từ đó để chính sách BHXH thật sự công khai, công bằng, bình đẳng, giúp người dân tin tưởng và an tâm tham gia.

 Ông đánh giá ra sao về hiệu quả của chuyển đổi số trong quản lý BHXH hiện nay?

- Chuyển đổi số trong quản lý BHXH được quy định trong Luật BHXH năm 2014. Công nghệ thông tin phải đi trước đón đầu, cải cách thủ tục hành chính để giảm công việc, giảm công sức cho người dân, cán bộ, nhân viên BHXH, giúp thông tin được công khai, minh bạch, rõ ràng. Chẳng hạn hiện nay, khi truy cập vào hệ thống VssID, tôi biết được ngay toàn bộ thời gian đóng BHXH của tôi là bao nhiêu năm. Từ đó tôi có thể nhẩm tính được khi về hưu tôi sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng là bao nhiêu, không cần phải chờ đợi cơ quan BHXH ra quyết định tôi mới biết được mình sẽ được hưởng lương hưu là bao nhiêu như trước kia khi chưa có VssID.

Chuyển đổi công nghệ là xu thể tất yếu nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân, đảm bảo thực hiện tốt chính sách về an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

 Ông có lời khuyên nào cho NLĐ về việc tham gia BHXH và hưởng BHXH một lần?

- Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới là điều không ai mong muốn và rất khó để lường trước. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới, khiến nhiều quốc gia lao đao. Hàng triệu lao động mất việc làm do chuỗi sản xuất bị đứt gãy vì dịch bệnh. Một số địa phương của Việt Nam, đặc biệt là một số tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp đã và đang phải đối mặt với những hậu quả mà dịch bệnh Covid-19 gây ra. Nhiều NLĐ cũng bị mất việc làm do doanh nghiệp cắt giảm lao động vì đơn hàng không dồi dào như trước. Điều này ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của chính bản thân NLĐ và gia đình NLĐ.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn trước mắt, NLĐ nên cân nhắc kỹ, không nên rút BHXH một lần mà có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc, hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo học các khóa đào tạo nghề do cơ quan chức năng hỗ trợ. Sau đó, có thể tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc khi có việc làm trở lại hoặc đóng BHXH tự nguyện để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe bản thân khi hết tuổi lao động. NLĐ chỉ nên hưởng BHXH một lần trong những trường hợp bất khả kháng, khi không còn lựa chọn nào tốt hơn.

 Xin cảm ơn ông!

An Yên (thực hiện)

 

Tin xem nhiều