Số ca nhiễm Covid-19 trong tỉnh những ngày qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đến nay, đã có hơn 2,6 ngàn bệnh nhân Covid-19 và hàng chục ngàn trường hợp đang cách ly tập trung, cách ly tại nhà.
Số ca nhiễm Covid-19 trong tỉnh những ngày qua vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đến nay, đã có hơn 2,6 ngàn bệnh nhân Covid-19 và hàng chục ngàn trường hợp đang cách ly tập trung, cách ly tại nhà.
Theo dõi diễn biến sức khỏe của bệnh nhân Covid-19 qua hệ thống camera tại Bệnh viện Dã chiến số 2. Ảnh: An Yên |
[links()]Trong khi đó, tổng số nhân viên y tế không thay đổi, chỉ có khoảng 8 ngàn người khiến áp lực công việc rất lớn. Ngành Y tế đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.
* Nguy cơ lây nhiễm chéo khi số bệnh nhân nặng tăng
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, dịch bệnh đang lây lan rất nhanh. Trong số hơn 2,6 ngàn bệnh nhân, hiện có khoảng 20 bệnh nhân nặng đang phải thở máy. Tuy nhiên, trong số 8 ngàn nhân viên y tế, số lượng bác sĩ hồi sức, bác sĩ biết vận hành máy thở mới rất khiêm tốn. Mặc dù các bác sĩ, điều dưỡng làm nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 được bảo hộ rất cẩn thận nhưng việc số lượng bệnh nhân nặng tăng, quá trình tiếp xúc liên tục khiến nguy cơ lây nhiễm chéo là điều không thể tránh khỏi. Đến nay, đã có hơn 30 nhân viên y tế, lực lượng tham gia phòng, chống dịch bị nhiễm bệnh.
Để hỗ trợ Đồng Nai trong công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, Bộ Y tế đã cử đoàn bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai gồm 15 người vào hỗ trợ. Các bác sĩ này đang tích cực vừa điều trị, vừa tập huấn cho các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để tăng cường nhân lực có thể sử dụng các loại máy móc điều trị bệnh nhân nặng.
Trong buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị Sở Y tế lập danh sách nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực để Bộ Y tế xem xét hỗ trợ, huy động lực lượng từ các địa phương khác trong cả nước.
Số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng khiến ngành Y tế phải gấp rút mở rộng thêm các khu điều trị. Điều này cũng khiến nhân lực của ngành Y tế bị dàn mỏng. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, theo lãnh đạo Sở Y tế, chưa có giải pháp nào khả thi hơn.
Để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế, theo Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà, các nhân viên y tế cần thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; thực hiện đúng quy trình cởi bỏ đồ bảo hộ, xử lý rác thải. “Chúng tôi hiểu các y, bác sĩ tuổi đời còn quá trẻ, nhu cầu chia sẻ thông tin rất lớn nhưng khi làm nhiệm vụ trong khu cách ly, các y, bác sĩ cần tuân thủ quy định 5K, tác chiến độc lập, hạn chế tối đa tiếp xúc gần, tập trung đông người, nhất là lúc ăn uống, sinh hoạt. Các y, bác sĩ cần tận dụng tối đa mạng xã hội để trao đổi thông tin khi cần thiết, cẩn trọng khi tiếp xúc với bệnh nhân để tránh lây nhiễm đáng tiếc. Chỉ khi các y, bác sĩ khỏe mạnh mới có thể chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân và ngược lại” - BS Đa Hà nói.
* Dốc sức vì bệnh nhân
Đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 1 (Trung tâm Y tế H.Thống Nhất), BS Trần Quang Tuấn cho biết, chỉ sau 10 ngày đi vào hoạt động, đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân.
Bệnh viện Dã chiến số 1 có quy mô 300 giường bệnh, trong đó có 10 giường cấp cứu hồi sức nguy kịch, vừa được Sở Y tế gấp rút thành lập nhằm hạn chế bệnh nhân nặng chuyển lên tuyến trên. Tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 đợt này gồm 26 y, bác sĩ, nhân viên y tế. Nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân, thực hiện nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo.
“Khu cấp cứu bệnh nhân nặng không ngớt tiếng máy thở kêu bíp bíp. Bao quanh các bệnh nhân là những máy móc theo dõi dấu hiệu sinh tồn. Ở bệnh viện dã chiến, mọi người không còn phân biệt nhiệm vụ nào là của ai, chỉ biết chung tay cùng cố gắng tối đa để cứu chữa người bệnh. Bác sĩ khi rảnh tay có thể làm những công việc của điều dưỡng, còn điều dưỡng choàng công việc của hộ lý. Vào ca trực, các điều dưỡng quay cuồng giữa các công việc theo dõi monitor, tiêm truyền thuốc, vệ sinh, phát đồ ăn, cho bệnh nhân ăn khi trở nặng, thay drap giường... Họ phải liên tục di chuyển giữa các phòng bệnh để theo dõi tình hình bệnh nhân. Áp lực công việc rất lớn” - BS Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, nhân lực của bệnh viện hiện tại vừa thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh thông thường, vừa phụ trách công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 3, vừa phải chuẩn bị để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng tại khu điều trị bệnh nhân nặng đặt ở bệnh viện. “Với khối lượng công việc rất lớn, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ nhân lực từ Bộ Y tế cũng như các địa phương khác. Đó là chưa kể đến tình huống có nhiều nhân viên y tế bị nhiễm bệnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân” - TS-BS Dũng nhấn mạnh.
An Yên