Trước nguy cơ cháy vẫn hiện hữu trong các khu công nghiệp, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các biện pháp ngăn ngừa...
Trước thực tế nguy cơ cháy vẫn hiện hữu trong các khu công nghiệp (KCN), lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã chủ động đưa ra các biện pháp ngăn ngừa cháy, nổ từ trong các cơ sở, cũng như nguy cơ cháy, nổ từ bên ngoài lan vào các KCN.
Việc phối hợp chữa cháy tốt giữa các lực lượng cũng góp phần hạn chế cháy lan, cháy lớn trong khu công nghiệp. Trong ảnh: Diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp tỉnh với sự tham gia của nhiều lực lượng tại tòa nhà Sonadezi (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) vào tháng 9-2020. Ảnh: Đăng Tùng |
[links()]* Chủ động phòng cháy
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình đối với các cơ sở trong các KCN về tính chất nguy hiểm cháy, nổ; tính chất hoạt động; quy mô hoạt động của từng cơ sở… Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC; tuyệt đối không nghiệm thu đối với các công trình không đảm bảo an toàn PCCC theo quy định. Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết xử lý đối với các cơ sở tự ý hoạt động mà chưa được nghiệm thu về PCCC hoặc tự ý cải tạo, mở rộng sản xuất, thay đổi công năng, mục đích sử dụng khi chưa xin phép theo quy định.
Thiếu tá Phạm Đức Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết: “Sắp tới, đơn vị sẽ nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền PCCC với từng nhóm người phù hợp. Qua đó, kịp thời kiến nghị, hướng dẫn người đứng đầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm hoặc chây ì trong thực hiện các kiến nghị của đoàn kiểm tra, kể cả việc tạm đình chỉ hoạt động”.
Để làm tốt công tác PCCC tại các KCN, xác định cần phải có sự chung tay của các đơn vị quản lý, lực lượng chữa cháy, các doanh nghiệp nên từ lâu nay, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã có sự phối hợp với các đơn vị quân đội, các đội PCCC chuyên ngành cùng tham gia chữa cháy trong các KCN khi có cháy, nổ xảy ra. Đồng thời, đơn vị cũng đang nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị (Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, các công ty hạ tầng KCN…), phân công cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị để triển khai thực hiện nhiệm vụ PCCC.
Đại diện Công ty CP Ô tô Trường Hải chi nhánh Biên Hòa (KCN Biên Hòa 2) cho rằng, lực lượng chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt, cần chú trọng các phương án có sự tham gia phối hợp của nhiều lực lượng tại chỗ với cơ sở trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao trong KCN; hướng tới việc các doanh nghiệp sẽ biết cần làm gì để phối hợp với nhau, với lực lượng chuyên nghiệp khi gặp sự cố cháy, nổ.
* Xây dựng vành đai PCCC
Các KCN trên toàn tỉnh hiện có hơn 1 triệu công nhân lao động làm việc, kéo theo đó là các khu nhà trọ, khu dân cư, chợ tự phát… “mọc” lên xung quanh KCN. Đây cũng là một trong những mối nguy hiểm có thể dẫn tới cháy lan vào KCN nếu sự cố cháy ban đầu quá lớn, thời gian cháy tự do kéo dài. Vì vậy, từ lâu, chính quyền các cấp luôn chú ý đến việc ngăn tình trạng cháy từ các khu dân cư sát với KCN.
Lãnh đạo UBND P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) nhận định, nay trên địa bàn hiện có nhiều khu dân cư tiếp giáp với KCN Tam Phước. Để ngăn nguy cơ cháy từ bên ngoài ảnh hưởng đến các công ty bên trong KCN, chính quyền địa phương cùng Công an phường thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Trong đó, chú ý đến việc không đốt cỏ, rác vào mùa khô, tránh gây cháy lan. UBND phường cũng nhắc nhở các trưởng khu phố cần có nguồn tin báo cháy tại một số khu dân cư, bãi cỏ tiếp giáp với KCN để sớm nhận được thông tin khi có sự cố xảy ra.
Bên cạnh chính quyền địa phương, khi xảy ra cháy, lực lượng quân đội luôn có mặt, sát cánh cùng các lực lượng chữa cháy để dập lửa, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn PCCC. Trong đó, có nhiều đơn vị thường xuyên xuất xe hỗ trợ chữa cháy, tiếp nước như Trung tâm Bảo đảm kỹ thuật Vùng 2 (H.Nhơn Trạch) thường xuyên dập các đám cháy cỏ, vườn tràm tại các xã Phước Khánh, Đại Phước… ngăn đám cháy lan đến gần KCN Ông Kèo; hay ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố thường xuyên cắt cử lực lượng hỗ trợ chữa các đám cháy phức tạp, ngăn cháy lan, cháy lớn lan vào các KCN.
Theo Ban Chỉ huy Quân sự H.Nhơn Trạch, hiện nay, tại các KCN của huyện có những trung đội dân quân thường trực, các xã có lực lượng dân quân thường trực, đây là lực lượng bám sát địa bàn, nhanh chóng phát hiện các đối tượng xấu, sự cố xảy ra trên đường tuần tra. Đồng thời, khi có sự cố cháy, nổ trong các KCN, lực lượng dân quân sẽ hỗ trợ chữa cháy, cứu nạn, cùng công an địa phương chốt chặn các đường, đảm bảo không gian cho xe chữa cháy hoạt động hiệu quả, góp phần ngăn cháy lan, cháy lớn.
Trong 6 tháng cuối năm 2021, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng công an các địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tổ chức xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công an các địa phương sẽ chủ động tham mưu chính quyền địa phương rà soát, củng cố và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở… theo đúng quy định của pháp luật, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo công tác phòng ngừa và xử lý có hiệu quả các sự cố cháy, nổ, tai nạn. |
Minh Thành