Báo Đồng Nai điện tử
En

Không để dịch Covid-19 lọt vào bệnh viện

03:06, 17/06/2021

Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM vừa phải tạm ngừng hoạt động để dập dịch Covid-19 vì có nhân viên y tế nhiễm Covid-19. Như vậy, chỉ riêng tại TP.HCM, dịch Covid-19 đã xâm nhập 5 bệnh viện/hơn 20 bệnh viện, phòng khám cả nước.

Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM vừa phải tạm ngừng hoạt động để dập dịch Covid-19 vì có nhân viên y tế nhiễm Covid-19. Như vậy, chỉ riêng tại TP.HCM, dịch Covid-19 đã xâm nhập 5 bệnh viện/hơn 20 bệnh viện, phòng khám cả nước. Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM ghi nhận tới 60 ca nhiễm là nhân viên của bệnh viện, nhiều nhất trong số các bệnh viện.

Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho tất cả người vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung
Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho tất cả người vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

[links()]Điều này đặt ra yêu cầu cho các bệnh viện, cơ sở y tế ở Đồng Nai phải rất thận trọng, sàng lọc kỹ và kiểm soát tốt dịch bệnh trong bệnh viện. Bởi, nếu để 1 ca bệnh Covid-19 “lọt” vào sâu trong các khoa, phòng của bệnh viện, hậu quả sẽ rất khó lường.

* Thực hiện nghiêm việc khai báo y tế

Ý thức được tầm quan trọng của việc khai báo y tế, từ ngày 21-5, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã triển khai việc khai báo y tế điện tử đối với tất cả người ra, vào bệnh viện thay vì khai báo y tế bằng bản giấy như trước kia.

Theo đó, trước khi vào khu vực khám, chữa bệnh của bệnh viện, người dân được hướng dẫn tải và cài đặt ứng dụng Vietnam Health Declaration -VHD trên điện thoại thông minh. Sau khi nhận và nhập mã OTP, người dùng chọn chức năng Khai báo y tế rồi khai các thông tin cơ bản. Đối với những người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) thì chỉ cần nhập số thẻ BHYT, hệ thống sẽ tự động cập nhật các thông tin cá nhân. Sau khi hoàn thiện gửi thông tin, hệ thống sẽ gửi lại mã QR để người dân đăng ký vào hoặc ra khỏi bệnh viện. Tất cả dữ liệu của những người từng đến bệnh viện đều được cập nhật trên hệ thống chung của Bộ Y tế.

Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, các bệnh viện trong tỉnh khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm 3 không. Đó là, không nói thiếu kinh phí, phương tiện, vật tư y tế, sinh phẩm; không nói thiếu nhân lực và không nói thiếu quy định và cơ chế, chính sách, nỗ lực cao nhất để bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021.

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho hay, giải pháp này giúp bệnh viện cập nhật được cụ thể những người ra, vào bệnh viện theo từng khung giờ cụ thể. Từ đó, nếu xuất hiện ca bệnh Covid-19, bệnh viện sẽ phối hợp với cơ quan chức năng truy vết, sàng lọc những người liên quan một cách nhanh chóng, hạn chế mức thấp nhất lây lan dịch bệnh trong bệnh viện cũng như trong cộng đồng.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, ThS-BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc bệnh viện chia sẻ, bệnh viện có 4 cổng ra vào. Cổng 1 dành cho nhân viên y tế và khách đến liên hệ công tác. Khi vào cổng, nhân viên y tế và khách thực hiện khai báo y tế bằng mã QR hoặc bản giấy. Cổng 2 dành riêng cho xe cấp cứu, bắt buộc tài xế, bệnh nhân, nhân viên y tế cũng phải khai báo y tế. Cổng 3 dành cho khách đi bộ. Tại cổng này, bảo vệ sẽ yêu cầu khai báo y tế. Nếu bệnh nhân và người nhà có yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca bệnh Covid-19 hoặc các ổ dịch sẽ được bảo vệ hướng dẫn đi lối riêng đến khu vực khám sàng lọc. Cổng 4 dành cho người đi xe máy. Khi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đi cổng này sẽ được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, yêu cầu khai báo y tế đầy đủ.

Người đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất bắt buộc phải khai báo y tế trước khi vào bệnh viện. Ảnh: HẠNH DUNG
Người đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất bắt buộc phải khai báo y tế trước khi vào bệnh viện. Ảnh: HẠNH DUNG

Bệnh viện tiếp tục thông báo ngừng việc thăm bệnh. Mỗi bệnh nhân chỉ được 1 người nuôi bệnh. Những trường hợp đặc biệt sẽ giao cho khoa phụ trách xem xét và quyết định số lượng người nuôi bệnh. Những người nuôi bệnh tại bệnh viện được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K. Đặc biệt, từ ngày 5-6, bệnh viện tạm ngưng tiếp nhận khách từ TP.HCM đến liên hệ công tác thường kỳ, trừ những trường hợp thật sự cần thiết liên quan đến bảo trì, bảo hành máy móc, thiết bị y tế.

* Tăng cường khám sàng lọc

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở TP.HCM và nhiều cơ sở y tế trong cả nước, Sở Y tế vừa có văn bản gửi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường sàng lọc, rà soát, xét nghiệm nhanh những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ.

Lãnh đạo Sở Y tế đề nghị tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập tăng cường rà soát, sàng lọc kỹ tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có dấu hiệu ho, sốt, cảm cúm, đau họng… đến khám bệnh. Yêu cầu người đến khám phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, khai thác thông tin dịch tễ. Đồng thời, thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hoặc xét nghiệm Realtime RT-PCR (nếu cơ sở được cho phép thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp này) đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Theo báo cáo của Sở Y tế, trong đợt tiêm vaccine phòng Covid-19 đầu tiên, toàn tỉnh có hơn 18,7 ngàn cán bộ, nhân viên y tế/tổng số hơn 20,3 ngàn người thuộc đối tượng tuyến đầu chống dịch được tiêm mũi 1. Những người này sẽ tiếp tục được tiêm mũi 2 trong thời gian tới. Ngoài ra, trong đợt 2 tiêm vaccine phòng Covid-19, sẽ có thêm khoảng 4 ngàn cán bộ, nhân viên y tế của các bệnh viện, trạm y tế, trung tâm y tế được tiêm mũi 1 vaccine phòng Covid-19.

Đối với các cơ sở bán lẻ thuốc cần khai thác, ghi nhận đầy đủ thông tin dịch tễ của người đến mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc khi có dấu hiệu ho, sốt, cảm cúm, đau họng… Cung cấp thông tin ngay cho trạm y tế cấp xã hoặc trung tâm y tế địa phương để kịp thời xử lý khi cần thiết.

Sở Y tế yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thành phố tổng hợp thông tin khai báo y tế, các báo cáo số lượng người đến khám tại các cơ sở khám, chữa bệnh có các dấu hiệu nghi ngờ, người đến mua các loại thuốc ho, hạ sốt, cảm cúm, đau họng từ các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc để kịp thời phát hiện, sàng lọc, truy vết. Phòng y tế các huyện, thành phố nắm thông tin người đến các cơ sở bán lẻ thuốc mua các loại thuốc ho, hạ sốt, cảm cúm, đau họng trên phần mềm kê đơn thuốc quốc gia https://donthuocquocgia.vn/ và chuyển thông tin thu thập được cho trung tâm y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ghi nhận tại nhiều bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark, công tác khám sàng lọc được thực hiện khá tốt. Qua đó, góp phần kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và đến nay, những bệnh viện này vẫn an toàn.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên chia sẻ, bệnh viện hiện đã nâng các phương án phòng dịch toàn diện lên mức cao nhất để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong môi trường bệnh viện, trở thành điểm đến an toàn cho bệnh nhân khi đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Bệnh viện yêu cầu 100% khách hàng, bệnh nhân khi đến bệnh viện phải làm thủ tục khai báo y tế ở khu vực cổng bệnh viện, kiểm tra thân nhiệt, phải đeo khẩu trang, thực hiện 5K, lưu ý giữ khoảng cách an toàn với người bên cạnh. Mỗi bệnh nhân điều trị nội trú chỉ được 1 người nhà ở lại chăm nuôi. Người nhà phải đăng ký với khoa phòng có thẻ nuôi bệnh do bệnh viện cấp. Trong suốt thời gian ở bệnh viện, yêu cầu người nhà bệnh nhân hạn chế đi lại, giao tiếp với nhiều người trong bệnh viện, hạn chế đi ra khỏi khuôn viên bệnh viện.

TS-BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, bệnh viện, phòng khám là nơi đầu tiên phát hiện các ca nhiễm Covid-19 nếu có thông qua việc bệnh nhân đến khám bệnh hoặc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh. Do đó, an toàn bệnh viện được đặt lên hàng đầu để tránh bị “lọt” bệnh nhân Covid-19 vào sâu trong bệnh viện, đặc biệt là các khoa, phòng trọng yếu đang điều trị cho các bệnh nhân bị các bệnh nặng khác. Nếu để xảy ra sơ suất, có ca nhiễm Covid-19 trong bệnh viện bắt buộc cơ sở phải tạm ngưng hoạt động để khoanh vùng, dập dịch. Khi đó sẽ ảnh hưởng chung đến hoạt động khám, chữa bệnh thường quy tại bệnh viện.

Giám đốc Sở Y tế cho biết thêm, ngành Y tế Đồng Nai xem việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Do đó, khi chưa có dịch, các cơ sở y tế tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Trường hợp có dịch bệnh thì cần bình tĩnh, không lo lắng quá mức để sáng suốt đưa ra phương án xử lý phù hợp, hiệu quả. Các cơ sở y tế phải thực hiện nghiêm việc tự đánh giá trên bản đồ an toàn Covid-19. Các đoàn kiểm tra của Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra, cơ sở nào không đảm bảo an toàn sẽ buộc phải tạm ngưng hoạt động cho đến khi đáp ứng các yêu cầu cần thiết. Đồng thời, phải chỉ đạo cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch, không tập trung đông người; bố trí lực lượng luôn trong trạng thái “trực chiến” để ra quân nhanh nhất, khoanh vùng, cách ly ngay lập tức khi phát hiện ca bệnh, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm và cho kết quả xét nghiệm nhanh nhất có thể.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều