Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đều đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là mô hình phát triển kinh tế hướng đến phát triển bền vững.
Xây dựng kinh tế tuần hoàn (KTTH) được Việt Nam xác định là một trong những định hướng phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2030. Đồng Nai là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về phát triển kinh tế nên đã từng bước tham gia vào KTTH để cùng cả nước hướng đến chuỗi giá trị mới: “xanh hóa” sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.
Đồ họa thể hiện các yếu tố đóng vai trò quan trọng trong xây dựng kinh tế tuần hoàn tại Đồng Nai (Thông tin: Uyển Nhi - Đồ họa: Hải Quân) |
KTTH là mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đều đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ những tác động tiêu cực đến môi trường. Nền KTTH là chu trình khép kín, tận dụng tất cả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất thông qua phân loại, tái sử dụng, tái chế... Đây là mô hình phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường hướng đến phát triển bền vững.
* Lợi ích của KTTH
Từ thập niên trước, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã rất quan tâm và có chính sách thúc đẩy phát triển KTTH vì cho rằng, đây là một hệ thống có tính khôi phục và tái tạo thông qua các kế hoạch, thiết kế, từ đó giúp cho sản xuất dịch chuyển theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu chất thải, thay thế sản xuất truyền thống có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, mô hình KTTH đã được nhiều doanh nghiệp (DN) ứng dụng thông qua các hoạt động giảm thiểu ô nhiễm, tái sử dụng, tái chế phế thải trong sản xuất. Theo đó, KTTH có thể bao trùm lên nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Các DN thực hiện KTTH có thể đem lại 2 lợi ích lớn là lợi nhuận cho chính DN và các lợi ích khác cho cộng đồng.
Giữ rừng tự nhiên tốt là một trong những yếu tố kinh tế tuần hoàn khuyến khích. Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng (thứ 3 từ trái) đi kiểm tra rừng tự nhiên ở H.Vĩnh Cửu. Ảnh: K.MINH |
Vào cuối tháng 5-2021, trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, kinh tế xanh, KTTH cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Đây được coi là một trong những giải pháp phục hồi, xây dựng nền kinh tế trong kỷ nguyên hậu dịch Covid-19. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các nước, tổ chức quốc tế, DN để phát triển kinh tế xanh, KTTH, kinh tế số để thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng đô thị thông minh và hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Khoảng 3 năm trở lại đây, KTTH mới được nhắc đến nhiều ở Việt Nam, nhưng thực chất các ngành, lĩnh vực đã tham gia vào từ nhiều năm trước đó thông qua những việc làm thiết thực như: đưa máy móc thiết bị hiện đại vào trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để giảm hao hụt nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, tái sử dụng rác thải, nước thải, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai... Nhiều DN đã thành công và thu được lợi nhuận từ việc thực hiện theo mô hình KTTH.
Ông Nguyễn Viết Toàn, Phó chủ tịch Hội Tự động hóa TP.HCM chia sẻ: “Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế bền vững là các DN phải ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào trong sản xuất. Với giá nguyên liệu liên tục tăng, đặc biệt từ cuối năm 2020 đến nay, đồng thời giá thuê đất công nghiệp, lương lao động cũng leo thang, DN buộc phải tính toán tìm ra mô hình sản xuất tiết kiệm nguyên liệu, chi phí, qua đó hạ giá thành sản phẩm để tồn tại và phát triển”. Vì thế, mô hình KTTH đang được nhiều DN có vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chú ý đến.
Gần đây, nhiều DN, tập đoàn ở Việt Nam rất chú ý đầu tư máy móc thiết bị sản xuất theo chuỗi khép kín, tái chế sử dụng toàn bộ chất thải, không xả thải ra môi trường. Đơn cử là rác thải sinh hoạt, công nghiệp, hiện các tỉnh, thành phố trên cả nước không còn đem đi chôn lấp hoặc đốt mà coi đây là nguồn tài nguyên để phân loại, tái chế, xử lý thành các vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, điện. Đây là một phần trong lộ trình tham gia vào KTTH.
* Công nghiệp vẫn ở vị trí dẫn đầu
Với Đồng Nai, KTTH là cụm từ chưa quen thuộc, nhưng thực tế từ nhiều năm trước ngành Công nghiệp của tỉnh đã tiên phong tham gia. Từ hơn 10 năm trước, tỉnh đã có chính sách thu hút đầu tư FDI có chọn lọc, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, yêu cầu các DN ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm nguyên liệu, tạo ra những sản phẩm xanh. Bên cạnh đó, tỉnh còn khuyến khích các DN tái sử dụng chất thải, nước thải. Nhiều tập đoàn có công ty sản xuất tại Đồng Nai đã thực hiện khá tốt mô hình KTTH như: Ajinomoto, Nestlé, Fujitsu, Bosch, Schaeffler...
Công ty TNHH Bosch Việt Nam ở Khu công nghiệp Long Thành (H.Long Thành) ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất phù hợp để tham gia kinh tế tuần hoàn |
Ông Will Mackereth, Giám đốc Chuỗi cung ứng Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2) cho biết: “Nestlé Việt Nam nhiều năm liền nằm trong nhóm DN phát triển bền vững hàng đầu, vì thực hiện tốt việc kinh doanh, tạo việc làm, đóng góp cho ngân sách nhà nước, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội. Nestlé Việt Nam tạo chuỗi liên kết sản xuất cà phê từ người nông dân đến người tiêu dùng, nâng cao giá trị cho hạt cà phê Việt Nam”.
Hiện nay, Nestlé Việt Nam là DN chuỗi sản xuất khép kín, tất cả các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất đều được tái chế trở thành các sản phẩm sử dụng trong xây dựng. Theo đó, Nestlé Việt Nam là một trong những tập đoàn đi đầu trong phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Do đó, sản phẩm của Nestlé Việt Nam được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận nhiều hơn, kim ngạch xuất khẩu của công ty tăng 20%/năm.
Đồng Nai là một trong những nơi dẫn đầu trong thực hiện mô hình KCN sinh thái, hướng đến KCN xanh, một trong những yêu cầu trong KTTH. Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho hay: “KCN Amata (TP.Biên Hòa) được chọn xây dựng thí điểm thành KCN sinh thái. Sau khi mô hình này thành công sẽ được nhân rộng ra các tỉnh, thành khác trên cả nước. Bên cạnh đó, nhiều DN trong các KCN của tỉnh đã tái sử dụng nước thải, chất thải để không xả thải ra môi trường”.
Hiện nay, nhiều DN trong các KCN của Đồng Nai cũng đã đầu tư sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, hạn chế nguyên liệu hóa thạch... Các DN cũng có sự liên kết với nhau để tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, vì chất thải của DN này có thể là nguyên liệu đầu vào của DN khác.
Đơn cử như trong sản xuất sản phẩm gỗ, các DN sản xuất bàn ghế, giường tủ sẽ bán lại mảnh vụn gỗ cho những cơ sở sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ hoặc DN sản xuất viên nén gỗ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước làm chất đốt. Sau khi đốt than, viên nén gỗ được bán lại cho các DN sản xuất các loại phân bón hữu cơ để sử dụng làm nguyên liệu trong sản xuất.
Những năm gần đây, các DN ở Đồng Nai cũng chú trọng đầu tư các loại máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm áp lực về lao động, hạn chế thấp nhất việc hao hụt nguyên liệu, tiết kiệm điện...
Tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định, KTTH đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt. Xây dựng KTTH đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. |
Khánh Minh