Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp khó khăn trong "cơn sốt" giá đầu vào

04:06, 30/06/2021

Từ cuối năm 2020 đến nay, do tác động từ dịch bệnh Covid-19, nhiều nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp sản xuất, xây dựng, lẫn giá cả vận chuyển hàng hóa bằng container tăng cao, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn...

Từ cuối năm 2020 đến nay, nhiều nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp sản xuất, xây dựng tăng giá cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Tác động từ dịch bệnh Covid-19, giá thành nguyên liệu đầu vào lẫn giá vận chuyển hàng hóa bằng container gia tăng đã kéo giảm lợi nhuận của nhiều DN.

Sắt thép xây dựng tăng giá phi mã khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành lao đao. Ảnh: Đ.LÊ
Sắt thép xây dựng tăng giá phi mã khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành lao đao. Ảnh: Đ.LÊ

Cùng với các biện pháp hỗ trợ từ thuế, chính sách tài chính, tiêm vaccine ngừa Covid-19…, cộng đồng DN rất cần có sự điều tiết, quản lý thị trường từ các cơ quan nhà nước để có thể “dễ thở” hơn trong giai đoạn này.

* Giá vật liệu xây dựng tăng cao

Trên thị trường, từ đầu năm 2021 đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng do các nhà sản xuất đưa ra đã nhiều lần thay đổi, tăng giá khiến cho lượng bán ra của các cửa hàng vật liệu xây dựng thô bị giảm mạnh. Giá vật liệu tăng, nhiều chủ thầu và chủ đầu tư đã quyết định giãn, thậm chí tạm ngưng thi công để chờ giá “hạ nhiệt”. Đối với DN ngành xây dựng dân dụng, giá vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng vọt ảnh hưởng mạnh đến các công ty, nhà thầu xây dựng bởi chi phí xây dựng tăng mạnh sẽ làm giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.

Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Xu Hướng Việt Nguyễn Ngọc Hà cho hay, các công trình của công ty là hợp đồng với phía chủ đầu tư theo dạng khoán trọn gói nên khi giá thép tăng, phía nhà thầu phải chịu. Bên cạnh đó, lượng khách hàng của đơn vị cũng có nguy cơ giảm vì khách đã có kế hoạch xây nhà nhưng thấy giá tăng cao nên xem xét dời kế hoạch lại. Cũng có khách hàng vẫn tiếp tục hợp đồng làm nhưng phải cắt giảm bớt về diện tích xây dựng, hoặc giảm bớt chất lượng nguyên vật liệu ở những hạng mục khác để bù lại phần phát sinh giá sắt nên chất lượng công trình chắc chắn sẽ giảm đi.

Tương tự, anh Nguyễn Hữu Khoa, đại diện một đơn vị kinh doanh thép phục vụ nhu cầu xây dựng nhà xưởng khu vực các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cho hay, không chỉ nhà kinh doanh gặp khó mà nhiều chủ thầu đã ký hợp đồng từ trước cũng lao đao không kém. Theo anh Khoa, đã có tình trạng chủ thầu “bỏ của chạy lấy người”, chấp nhận bỏ ngang công trình để cắt lỗ vì không trụ được trước tình hình giá tăng phi mã.

Trước tình hình giá cả vật liệu xây dựng tăng nhanh, cuối tháng 4-2021, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ có những biện pháp bảo vệ các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì tình hình giá thép tăng đột biến.

Giá thép tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến ngành xây dựng mà các ngành khác, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, cơ khí cũng bị ảnh hưởng theo.

Là DN công nghiệp hỗ trợ chuyên sản phẩm thiết bị ngũ kim phục vụ cho chế biến gỗ xuất khẩu, Công ty TNHH Dương Đăng Phát (TP.Biên Hòa) đang “vật lộn” với chi phí nguyên liệu. Anh Dương Hải Đăng, Giám đốc công ty cho hay, do thị trường xuất khẩu gỗ thuận lợi nên đơn hàng về công ty cũng dồi dào, phải gia tăng sản xuất. Vấn đề là do giá thành nguyên liệu đầu vào tăng quá cao nên DN rất dè dặt. “Giá thành đầu vào thì cao trong khi giá xuất ra không được phép tăng nhiều vì còn phụ thuộc vào các hợp đồng đã ký kết, thành ra dù sản xuất nhiều thì lợi nhuận không cao, thậm chí cầm chừng” - anh Dương Hải Đăng chia sẻ.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều DN ngành cơ khí. Ông Nguyễn Văn Huynh, Giám đốc Công ty TNHH Tam Long Hưng Phát (chuyên cung ứng các loại máy móc, động cơ, thiết bị) cho hay, giá các sản phẩm máy móc hiện nay cũng tăng theo giá thành sản xuất. Máy móc nhập về bán rất chậm so với thời gian trước, một phần vì nhu cầu của các DN ít hơn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phần khác do giá cao nên các đơn vị, đối tác chưa mạnh tay mua sắm.

* Doanh nghiệp chịu nhiều thách thức, khó khăn

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình tăng trưởng kinh tế trong gần nửa đầu năm 2021 vẫn đạt khá dù bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều đó thể hiện qua việc Việt Nam đang nhập khẩu nhiều hàng hóa phục vụ cho sản xuất.

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 123,15 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 58,8 tỷ USD, tăng 33%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 64,35 tỷ USD, tăng 40,5%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 8,16 tỷ USD, tăng 29,5%.

Tuy nhiên, việc giá trị nhập khẩu tăng cao cũng có nguyên nhân đến từ nguyên, phụ liệu trên thị trường thế giới có nhiều biến động. Giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất làm cho giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng; giá xăng dầu tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng.

Cùng với vật liệu xây dựng, các nguồn nguyên liệu khác cho sản xuất gặp khó, do vậy bản thân mỗi DN phải tìm cách để tháo gỡ cho riêng mình. Đại diện một DN sản xuất bao bì nhựa ở khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom) cho hay, để đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh, công ty thường mua nguyên liệu dự trữ trong 5-6 tháng. Từ đó mới có thể yên tâm ký hợp đồng với khách hàng trong và ngoài nước với số sản phẩm tương ứng. Nếu không có vốn mua dự trữ nguyên liệu, khi giá cả biến động tăng cao DN sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, với hầu hết các DN nhỏ, siêu nhỏ rất khó có đủ vốn để dự trữ nguyên liệu trong thời gian dài. Phần lớn DN khi có được đơn đặt hàng mới mua nguyên liệu và chỉ dự trữ từ 1-2 tháng.

Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) Lê Bạch Long nhận định, giá cao su, hóa chất, hạt nhựa, giấy... có loại đã tăng từ 30-50% so với cùng kỳ năm 2020 đã đẩy giá thành sản phẩm phải sử dụng các nguyên liệu trên để sản xuất tăng thêm rất lớn. Đồng thời, lương cho lao động cũng tăng 10%/năm, trong khi nhiều đối tác mua hàng chỉ chấp nhận tăng giá sản phẩm thêm 7-10%. Do đó, DN buộc phải tính toán lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp mới tồn tại và phát triển được.

Không chỉ chịu áp lực từ giá cả nguyên liệu đầu vào mà nhiều DN cho hay, họ còn phải chịu tác động kép từ sự đứt gãy nguồn cung trên thị trường, nhất là nguồn cung ứng container đóng hàng xuất khẩu. Điều này cũng góp phần làm cho giá cả hàng hóa bị đội lên.

Theo cộng đồng DN, vừa chịu tác động từ giá nguyên phụ liệu tăng, vừa chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lại thiếu hụt nguồn cung container vận chuyển hàng hóa, DN cùng lúc đứng trước nhiều thử thách. Nguy cơ “tác động kép” tiêu cực lên bức tranh sản xuất, kinh doanh đang hiện hữu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát Nguyễn Trí Minh cho hay, DN của ông mới đưa vào hoạt động nhà máy ở Khu công nghiệp Amata. Sau 17 năm hoạt động, công ty đã đứng vào hàng ngũ 10 nhà cung ứng giấy và bột giấy lớn trên thị trường Việt Nam. Nguồn hàng của công ty được nhập khẩu từ các nước: Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Chi Lê, Mỹ… Tuy nhiên, nguồn hàng này từ đầu năm đến nay có nhiều thời điểm bị đứt, phải chờ hàng tháng trời mới về được đến nhà máy. Đó là chưa kể giá thuê vận chuyển bằng container cũng tăng phi mã khiến cho DN “tiến thoái lưỡng nan”. “Giá thuê container tăng cao nhưng không phải muốn thuê là có được. Vận chuyển hàng hóa của các DN trong nước lại phụ thuộc nhiều vào các hãng tàu nước ngoài nên khó lại càng chồng thêm khó” - ông Minh cho hay.

Đào Lê

Tin xem nhiều