Để đáp ứng nhu cầu phát triển, các địa phương đã đề xuất điều chỉnh quy mô, mở mới hàng trăm tuyến đường huyện trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên,...
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, các địa phương cũng đã đề xuất điều chỉnh quy mô, mở mới hàng trăm tuyến đường huyện quản lý trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực đầu tư có hạn, việc xác định thứ tự ưu tiên để đầu tư nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn, tránh các dự án quy hoạch “treo” là vấn đề cấp thiết.
Đường tỉnh 768 được nâng cấp, cải tạo đã góp phần tạo kết nối giao thông giữa H.Vĩnh Cửu với TP.Biên Hòa. Ảnh: QUỲNH NHI |
* Đề xuất mở mới, nâng cấp hàng trăm tuyến đường huyện
Huyện Thống Nhất là đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất của tỉnh cũng như của cả nước. Chính vì vậy, H.Thống Nhất vẫn được xem là khu vực “tâm điểm vàng” trong kết nối giao thông.
Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền cho hay, trên địa bàn huyện hiện có tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua, đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sắp được triển khai xây dựng. Cùng với đó, theo quy hoạch giao thông của tỉnh, sẽ có 3 tuyến đường tỉnh mở mới đi qua địa bàn huyện gồm: 772, 770B và 780B. Do đó, việc quy hoạch các tuyến đường huyện để đón đầu và phát huy lợi thế từ các dự án giao thông này là hết sức quan trọng.
Chính vì vậy, trong đề án Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 40 về quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, H.Thống Nhất đã đề xuất điều chỉnh quy mô, bổ sung quy hoạch 73 tuyến đường huyện.
Theo ông Mai Văn Hiền, các tuyến đường được đề xuất mở rộng và bổ sung quy hoạch phần lớn đi qua các khu vực đất công nên địa phương cũng đã quy hoạch quỹ đất lợi thế để khai thác, tạo vốn. Đồng thời, các tuyến đường này khi hoàn thành xây dựng cũng sẽ tạo ra liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. “Địa phương đã quy hoạch 245ha đất thương mại dịch vụ dọc theo khu vực hồ Trị An. Do đó, huyện cũng đề xuất mở tuyến đường dọc theo hồ Trị An với quy mô rộng 28m để thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch khu vực này” - ông Mai Văn Hiền cho biết.
Trong sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 40 về quy hoạch giao thông vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030, H.Cẩm Mỹ cũng đề xuất điều chỉnh quy mô và bổ sung quy hoạch đối với 28 tuyến đường huyện.
Theo UBND H.Cẩm Mỹ, thời gian tới, địa phương có lợi thế phát triển nhiều mặt do có vị trí gần sân bay Long Thành, cảng biển nước sâu, gần các đầu mối giao thông trọng điểm. Địa phương cũng có nhiều quỹ đất nằm trong vùng phụ cận với sân bay Long Thành có thể khai thác phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao… Do đó, để đón đầu cơ hội phát triển, H.Cẩm Mỹ đã đề xuất mở rộng quy mô, bổ sung quy hoạch các tuyến đường huyện. Tổng vốn đầu tư cho hệ thống giao thông trên địa bàn huyện dự kiến đề xuất giai đoạn 2021-2025 khoảng trên 4,1 ngàn tỷ đồng, giai đoạn 2025-2030 khoảng 348 tỷ đồng, phân kỳ theo từng năm.
Theo Sở GT-VT, từ đề xuất của các địa phương, hiện nay đơn vị đã cập nhật vào đề án đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đối với 120 tuyến đường huyện trên địa bàn các huyện: Xuân Lộc, Định Quán, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ và Thống Nhất.
* Tránh quy hoạch "treo"
Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bộ tại các địa phương là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực có hạn, việc quy hoạch cũng phải được tính toán để sát với thực tế và quan trọng nhất là đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho rằng, trong quy hoạch cần phải tính toán được thời gian thực hiện, tránh tình trạng quy hoạch "treo" gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Phải trả lời được câu hỏi khi nào thực hiện dự án, nguồn lực đầu tư từ đâu” - ông Đặng Minh Đức bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, theo ông Đặng Minh Đức, quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ, dù là đường huyện cũng phải tính toán đến tính kết nối vùng.
Tại cuộc họp nghe Sở GT-VT báo cáo đề án Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 40/2016/NQ-HĐND ngày 9-12-2016 về quy hoạch giao thông - vận tải đường bộ tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030 ngày 2-6, đánh giá về đề xuất của các địa phương, nhất là H.Thống Nhất và H.Cẩm Mỹ, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, việc quy hoạch quá nhiều đường song hành dọc các tuyến đường tỉnh là chưa hợp lý. “Đường tỉnh không có lan can tách biệt nên quy hoạch nhiều đường song hành là không hợp lý. Quy hoạch cần phải tính toán khi một tuyến đường tỉnh mở ra thì hệ thống đường “xương cá” kết nối như thế nào” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng cho rằng, các địa phương đề xuất nâng quy mô, bổ sung quy hoạch các tuyến đường huyện quá nhiều và sẽ khó “kham” nổi khi thực hiện. Do đó, các địa phương cần phải rà soát, xác định được thứ tự ưu tiên để đầu tư một cách hợp lý. “Phải xác định được trục nào là trục chính. Từ đó, xác định thứ tự ưu tiên để quy hoạch và phân bổ nguồn lực. Quy hoạch mạng lưới giao thông phải nghiên cứu lâu dài nhưng đưa vào quy hoạch để thực hiện thì phải tính toán giai đoạn phù hợp” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng lưu ý.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đề nghị Sở GT-VT phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê, cập nhật các tuyến đường gom dọc các tuyến cao tốc sẽ được xây dựng trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân.
Quỳnh Nhi