Thời gian qua, các ca ngộ độc thường được ghi nhận ở các bếp ăn tập thể, sử dụng thực phẩm đóng hộp, đồ chay, thức ăn đường phố, thức ăn trước cổng trường học...
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài. Ảnh: A.YÊN |
[links()]Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài cho biết, thời gian qua, tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Các ca ngộ độc thường ghi nhận ở các bếp ăn tập thể, sử dụng thực phẩm đóng hộp, đồ chay, thức ăn đường phố, thức ăn trước cổng trường học không đảm bảo.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
* Xin ông cho biết những nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm?
- Nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm đến từ việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng mặc dù đã giảm so với trước nhưng vẫn còn; tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm vi sinh vật vẫn còn tồn tại. Theo thống kê của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao. Năm 2020, tình hình ngộ độc thực phẩm do độc tố, nhất là ngộ độc rượu methanol diễn biến phức tạp, làm tăng số ca tử vong. Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội khiến cơ quan chức năng khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và gây bức xúc dư luận.
* Chủ đề của Tháng Hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm nay có ý nghĩa gì, thưa ông?
- Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là việc làm lâu dài, thường xuyên, liên tục. Năm nay tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam có những diễn biến phức tạp nên Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm Trung ương lựa chọn chủ đề của Tháng hành động là Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới. Qua đó, nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong trạng thái bình thường mới.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên Ban Chỉ đạo an toàn thực phẩm tỉnh không tổ chức các đợt ra quân như những năm trước mà đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tuyên truyền trực tiếp thông qua các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của tỉnh.
Tập trung kiểm tra những thực phẩm được sử dụng nhiều
* Cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra những nội dung gì trong Tháng Hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm?
- Các lực lượng chức năng sẽ tập trung thanh, kiểm tra những mặt hàng được người dân sử dụng nhiều như: các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hết hạn sử dụng.
* Việc xử phạt các cá nhân, cơ sở vi phạm như thế nào, thưa ông?
- Các đoàn thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm khi phát hiện vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, vi phạm về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác về an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường. Mặt khác, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chức năng sẽ ngăn chặn các hành vi quảng cáo thực phẩm vi phạm, không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.
Tỉnh đã thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế, Sở NN-PTNT, Cục Quản lý thị trường tỉnh và Sở Công thương làm trưởng đoàn để tiến hành kiểm tra tại 11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Theo quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ, mức xử phạt tiền cao nhất đối với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
* Xin cảm ơn ông!
Những nội dung mà các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ tập trung xem xét gồm: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; việc thực hiện các quy định về tự công bố sản phẩm/đăng lý bản công bố sản phẩm, trình tự công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm và các hồ sơ, tài liệu liên quan; nhãn sản phẩm thực phẩm đối với những sản phẩm thuộc diện phải ghi nhãn; việc quảng cáo đối với các nhóm thực phẩm phải đăng ký nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm, điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người theo quy định; truy xuất nguồn gốc thực phẩm và lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm khi cần thiết. |
An Yên (thực hiện)