Theo quy hoạch khai thác khoáng sản (KTKS) giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai có 47 dự án KTKS tại các huyện, thành phố, trong đó có 36 dự án đang hoạt động, 5 dự án đang xây dựng cơ bản...
Theo quy hoạch khai thác khoáng sản (KTKS) giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai có 47 dự án KTKS tại các huyện, thành phố. Hiện có 36 dự án đang hoạt động, 5 dự án đang trong quá trình xây dựng cơ bản, 2 dự án chưa hoạt động, 4 dự án ngưng hoạt động và hết hiệu lực.
Đồ họa thể hiện quy hoạch khai thác, thăm dò, cấp phép mỏ khai thác khoáng sản giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. (Thông tin: Lê An - Đồ họa: Hải Quân) |
[links()]Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương rà soát lại các dự án KTKS, đặc biệt là những dự án chưa triển khai, hết hiệu lực. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất khu vực KTKS để đưa vào quy hoạch giai đoạn tới. Khu vực quy hoạch KTKS phải thống nhất, đồng bộ với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và do địa phương đề xuất.
* Đề xuất bỏ các dự án không phù hợp
Tháng 4-2021, UBND H.Xuân Lộc có báo cáo số 128/BC-UBND gửi UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan dự án Khai thác, chế biến mỏ đá ốp lát Đồi Mai của Công ty TNHH đá Hóa An I tại TT.Gia Ray. Văn bản có nội dung: “Sau khi xem xét từng nội dung và các hồ sơ liên quan đến nội dung đề nghị cấp phép KTKS của Công ty TNHH đá Hóa An I, tập thể Ban thường vụ Huyện ủy Xuân Lộc không thống nhất tiếp tục dự án này”.
Lý giải về văn bản này, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết, dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2011, nhưng sau đó, chủ đầu tư không khai thác đá, hợp đồng đã hết hiệu lực năm 2014; năm 2016, tỉnh có quyết định thanh lý hợp đồng thuê đất. Tháng 3-2021, doanh nghiệp có văn bản gửi UBND huyện đề nghị tiếp tục triển khai dự án khai thác đá nguyên khối với công suất 10 ngàn m3/năm nhưng huyện không thống nhất. “Thời điểm dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, khu vực này chưa có các công trình hiện hữu. Nhưng hiện tại, khu vực dự kiến khai thác đá của doanh nghiệp đã có nhiều công trình như: trường học, trụ sở một số cơ quan nhà nước và đặc biệt là Đền thờ liệt sĩ huyện mới khánh thành. Ngoài ra, khu vực này cũng không có tuyến đường phù hợp cho vận chuyển đá” - ông Linh chia sẻ.
Mỏ khai thác đá xây dựng tại P.Phước Tân, TP.Biên Hòa |
Cũng theo lãnh đạo H.Xuân Lộc, khu vực Đồi Mai đang được quy hoạch xây dựng thao trường huấn luyện, trường học bán trú, nhà ở công vụ. Hồ Núi Le gần đó đã được tỉnh công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh nên dự án khai thác đá không còn phù hợp. Việc khai thác và vận chuyển đá sẽ ảnh hưởng đến các công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường và mất
an toàn giao thông.
Trước H.Xuân Lộc, TP.Long Khánh cũng có văn bản kiến nghị tỉnh và các ngành chức năng xem xét vấn đề liên quan đến mỏ đá Núi Nứa 3 (P.Xuân Lập). Theo TP.Long Khánh, hiện địa phương đã là đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Quy hoạch phát triển đến năm 2035, định hướng đến năm 2050, Long Khánh trở thành đô thị loại II và là thành phố xanh của tỉnh. Việc tiếp tục quy hoạch các mỏ KTKS trên địa bàn thành phố không còn phù hợp.
Không có văn bản kiến nghị chính thức nhưng TP.Biên Hòa cũng có ý kiến về việc khó triển khai các công trình, khó thu hút nhà đầu tư làm dự án ở các mỏ KTKS đã đóng cửa.
Ông Phạm Hữu Nghĩa, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) cho rằng, thời gian qua, một số địa phương có văn bản kiến nghị bỏ, hạn chế quy hoạch dự án KTKS trên địa bàn. Nguyên nhân là chủ đầu tư “treo” dự án nhiều năm dẫn đến hết hạn hoặc khu vực dự án đã xuất hiện nhiều dự án, công trình khác không còn phù hợp. Thực tế, một số chủ đầu tư chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản, chưa tuân thủ phương án bảo vệ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nên địa phương và nhân dân không muốn có dự án KTKS trên địa bàn.
* Cấp phép theo quy hoạch
Đồng Nai là tỉnh có trữ lượng khoáng sản lớn ở Đông Nam bộ, với khoảng 2,946 tỷ m3 đá xây dựng, khoảng 543 triệu m3 đất sét. Để quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, từ năm 1998, UBND tỉnh đã xây dựng quy hoạch KTKS. Từng giai đoạn cụ thể, tỉnh đều có quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản. Quy hoạch đặt ra các vấn đề: cắm mốc khu vực quy hoạch khoáng sản; khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấp phép hoạt động KTKS, khu vực không đấu giá quyền KTKS; quản lý và thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh; giải pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác và vận chuyển khoáng sản.
Đối với các dự án mỏ khai thác vật liệu san lấp, do diện tích nhỏ, khối lượng ít và thời gian thực hiện ngắn nên ít đầu tư, dẫn đến tình trạng khai thác đất trái phép, lợi dụng cải tạo đất nông nghiệp để KTKS làm vật liệu san lấp xảy ra ở nhiều địa phương. Việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp hoạt động khai thác cát xây dựng trên sông, bến bãi ngày càng được siết chặt nhưng vẫn còn tình trạng khai thác trộm.
Đường vận chuyển vật liệu xây dựng ở P.Phước Tân, TP.Biên Hòa luôn trong tình trạng bụi mù mịt. Ảnh: L.An |
Sở TN-MT đánh giá, các mỏ khai thác đá trên địa bàn tỉnh đa phần vẫn đang áp dụng các công nghệ khai thác truyền thống, khai thác mỏ lộ thiên, khai thác hở, nổ mìn khai thác đá. Hoạt động khai thác và vận chuyển đá xây dựng làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, tác động môi trường nước, không khí.
Một trong những những vấn đề trong công tác quản lý KTKS hiện nay là dự án đăng ký trước ngày 1-7-2011 không phải đấu giá quyền KTKS, quyền sử dụng đất, nhưng nếu doanh nghiệp xin gia hạn, xin tăng quy mô thì bắt buộc phải đấu giá quyền khai thác. Nhiều dự án xin gia hạn vì trữ lượng đá còn nhiều; một số dự án đã đóng tiền cấp quyền thăm dò nhưng hết hạn hợp đồng; dự án chuyển nhượng.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho rằng, việc cấp phép các dự án KTKS phải căn cứ vào Luật Khoáng sản và quy hoạch KTKS của tỉnh. Các dự án KTKS xin chuyển nhượng, gia hạn cũng phải căn cứ vào quy hoạch KTKS để xem xét, tránh tình trạng lách luật, không phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương.
Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, các dự án khai thác đất, đá, cát xây dựng trên địa bàn tỉnh đều được cấp phép, quản lý theo quy hoạch. Tuy nhiên, do có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Khoáng sản năm 2010 trong việc đấu giá quyền KTKS nên có dự án mỏ khai thác đá phải đấu giá quyền KTKS, có dự án không phải đấu giá quyền KTKS. |
Lê An