Gần 7 năm qua, tại Đồng Nai có nhiều dự án gặp những "điểm nghẽn" về đất đai, cản trở tiến độ, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời gây ra nhiều tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai khó tháo gỡ.
Gần 7 năm qua, tại Đồng Nai có nhiều dự án gặp những "điểm nghẽn” về đất đai, cản trở tiến độ, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời gây ra nhiều tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai khó tháo gỡ.
Số dự án Đồng Nai đã đưa vào quy hoạch sử dụng đất và phải thu hồi đất từ năm 2015-2020 (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân) |
Theo UBND tỉnh, trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015 đến nay, Đồng Nai có gần 2 ngàn dự án phải thu hồi đất với diện tích thu hồi gần 14,6 ngàn ha. Đến nay, tỉnh hoàn thành thu hồi đất cho hơn 800 dự án có diện tích hơn 3,4 ngàn ha. Số dự án chưa triển khai có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính do liên quan đến các quy định về đất đai còn những bất cập.
* Dự án “ách” lại vì đất đai
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có hàng loạt dự án, công trình lớn nhỏ bị “ách” lại do gặp vướng mắc về đất đai. Trong đó có nhiều vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chuyển nhượng đất đai, dự án, nguồn gốc đất... Có những dự án do thiếu các quy định về đất đai đã phải kéo dài thêm 4-6 năm chưa hoàn thành như: dự án Đường ven sông Cái; dự án Đường ven sông Đồng Nai; dự án Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa; dự án Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1; dự án Chống ngập suối Chùa (TP.Biên Hòa); dự án Khu công nghiệp Cẩm Mỹ (H.Cẩm Mỹ); dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành; Khu đô thị Amata; Khu đô thị Tam An (H.Long Thành); Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom)...
Theo Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh đang triển khai công tác thu hồi đất của 440 dự án với diện tích khoảng 5.627ha. Hiện Đồng Nai vẫn còn 738 dự án có diện tích 5.535ha chưa được triển khai thực hiện. Những công trình, dự án chưa được triển khai chủ yếu là hạ tầng giao thông, thủy lợi, chỉnh trang nông thôn. |
Nguyên nhân chính dẫn đến các "điểm nghẽn” về đất đai là do Luật Đất đai năm 2013, sau nhiều năm thực hiện đã không theo kịp xu hướng phát triển của thực tế. Điều này dẫn đến các rào cản trong tiến độ thực hiện các công trình, dự án, gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN), người dân và cơ quan quản lý.
Đồng Nai là nơi đang thực hiện nhiều dự án của quốc gia, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh, huyện, thành phố, các xã, phường. Những vướng mắc trên nếu được tháo gỡ kịp thời sẽ giúp các dự án đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào khai thác sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời tăng đóng góp cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn tới.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá: “Nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh bị chậm tiến độ do vướng về đất đai. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013, sau gần 7 năm triển khai có những điểm hạn chế gây khó cho các chủ đầu tư dự án và người dân. Do đó, các sở, ngành, địa phương phải rà soát tổng hợp tất cả những vướng mắc về đất đai để tỉnh gửi Bộ TN-MT xem xét, cập nhật bổ sung trình Chính phủ đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế hiện nay. Có như vậy mới không ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, dự án đang và sắp triển khai trên địa bàn tỉnh”.
Dự an Đường ven sông Cai (TP.Biên Hòa) triển khai châm do vương vê đất đai |
Trong thời gian qua, những vướng mắc về đất đai tỉnh hay gặp phải là: chưa có khái niệm về đất khai hoang, đất có mặt nước, dẫn đến các địa phương khó giải quyết những trường hợp liên quan đến các loại đất trên cho người dân, DN. Việc phân loại đất chưa cụ thể, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chồng chéo, thiếu thống nhất với các loại quy hoạch chuyên ngành khác dẫn đến dự án không thể thực hiện. Thiếu quy định về thu hồi đất đối với dự án gây ô nhiễm môi trường, các trường hợp phải đấu giá đất quy định chưa rõ ràng...
Bên cạnh đó, quá trình triển khai các dự án cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới mà Luật Đất đai chưa quy định khiến các cơ quan quản lý lúng túng trong giải quyết vụ việc, như: xử lý những trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng để kinh doanh bất động sản (không phải dự án đầu tư), chưa có quy định điều kiện tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải thực hiện dự án nông nghiệp hay không...
* Tìm cách gỡ bỏ rào cản
Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh, toàn tỉnh có hơn 1,9 ngàn dự án trên các lĩnh vực đang được triển khai. Những dự án trên hầu hết phải sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân nên các địa phương phải tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, có những vướng mắc về đất đai liên quan trực tiếp tới Trung ương, muốn gỡ được UBND tỉnh buộc phải đề xuất với Bộ TN-MT.
Huyện Cẩm Mỹ là nơi còn nhiều đất trồng cây hằng năm chưa chuyển đổi do dự án quy hoạch chưa được triển khai. Ảnh: H.GIANG |
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho hay: “Các dự án triển khai đều liên quan đến đất đai, có nhiều trường hợp vì vướng quy định đất đai dẫn đến tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài. Các dự án chậm triển khai, tổng vốn đầu tư bị đẩy lên khá cao, gây khó cho chủ dự án. Đồng thời, dự án, công trình lâu hoàn thành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Cũng theo ông Hà, nhiều "điểm nghẽn” về đất đai ở các dự án, công trình là do Luật Đất đai, nghị định, thông tư chưa đề cập hoặc chỉ nêu chung chung dẫn đến các địa phương không thể áp dụng để xử lý. Do đó, các địa phương cần sớm tổng hợp những vướng mắc liên quan đến đất đai gửi tỉnh tổng hợp kiến nghị Bộ TN-MT sửa đổi bổ sung vào Luật Đất đai.
Vừa qua, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp với các sở, ngành, thành phố để lấy ý kiến góp ý cho Luật Đất đai năm 2013. Trong đó, các sở, ngành, địa phương đã chỉ ra hàng loạt những hạn chế cần bổ sung trong Luật Đất đai gồm: quy định về thuê đất không gian ngầm và trên không tại các đô thị; thuê đất mặt nước để làm bến cảng dịch vụ du lịch, khai thác cát trên sông; hướng dẫn thủ tục cho DN quốc phòng - an ninh thuê đất; quy định thêm về chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang các loại đất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản, từ đất sản xuất kinh doanh sang đất thương mại dịch vụ và ngược lại; trong chuyển đổi đất rừng sang đất khác còn mâu thuẫn với Luật Lâm nghiệp cần điều chỉnh để không ảnh hưởng đến các công trình, dự án phải sử dụng đất rừng; hướng dẫn rõ tiêu chí, quy mô, cách xác định dự án khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, chỉnh trang đô thị; bổ sung quy định về thu hồi đất tạo quỹ đất theo quy hoạch.
Theo Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức, Đồng Nai kiến nghị Bộ TN-MT bổ sung trường hợp gây ô nhiễm môi trường mà bị đình chỉ hoạt động từ 3 lần trở lên hoặc ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì thu hồi đất không cho tiếp tục triển khai dự án, công trình. Đồng thời, quy định cho DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được phép đầu tư dự án thì có thể nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp. Hiện các dự án thuê môi trường rừng làm du lịch sinh thái đang gặp trở ngại là chưa có quy định cụ thể về việc chuyển mục đích xây dựng đối với diện tích được phép 5-20%...
Khi những vướng mắc về đất đai được khơi thông, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh có thể đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào khai thác, giúp cho GRDP của tỉnh có bước tăng trưởng cao, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh cũng được nâng lên, sớm đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn tỉnh là 8 ngàn USD/người/năm trong giai đoạn 2021-2025.
Hương Giang