TP.HCM vừa triển khai sử dụng camera cầm tay để ghi hình, phạt nguội các phương tiện dừng, đậu sai quy định nhằm ngăn ngừa tình trạng vi phạm này tái diễn. Đây được xem là cách làm hay trong việc triển khai chủ trương xử phạt các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát; góp phần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.
TP.HCM vừa triển khai sử dụng camera cầm tay để ghi hình, phạt nguội các phương tiện dừng, đậu sai quy định nhằm ngăn ngừa tình trạng vi phạm này tái diễn. Đây được xem là cách làm hay trong việc triển khai chủ trương xử phạt các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông qua hệ thống camera giám sát; góp phần nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.
Rõ ràng, việc phạt “nguội” đối với chủ các phương tiện vi phạm giao thông qua hệ thống camera đã hỗ trợ tích cực cho lực lượng chức năng (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông) trong việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông; hạn chế các tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc lắp camera giám sát giao thông chưa được thực hiện đồng bộ ở các tuyến đường mà phần lớn chỉ tập trung ở những tuyến đường trung tâm của đô thị, các tuyến cao tốc, quốc lộ. Do đó, việc trang bị hệ thống camera cầm tay để ghi hình nhằm phạt “nguội” các phương tiện vi phạm giao thông như ở TP.HCM là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc triển khai phạt “nguội” các trường hợp vi phạm giao thông một cách rộng rãi hơn, phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc phủ kín camera giám sát giao thông trên các tuyến đường trong tương lai.
Thời gian qua, quá trình thực hiện phạt “nguội” của công an các đơn vị, địa phương cũng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Nổi bật nhất vẫn là khó khăn trong việc truy tìm chủ các phương tiện vi phạm giao thông để phạt “nguội” do tình trạng mua bán xe không sang tên, chuyển chủ còn nhiều; chủ phương tiện thay đổi nơi cư trú nhưng không đăng ký lại thông tin khá phổ biến; tình trạng sử dụng biển số giả, làm mờ biển số gây khó khăn trong xác minh chủ xe vi phạm. Ngoài ra, hành lang pháp lý để xử phạt nguội chưa đầy đủ, một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về chuyển quyết định xử phạt, xử phạt qua tài khoản chưa cụ thể, rõ ràng…
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, ngành chức năng cần thực hiện nghiêm quy định pháp luật về giao thông đường bộ; xử phạt nặng các trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục; nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý; đặc biệt cần sớm xây dựng quy trình phạt “nguội” tự động thống nhất trong toàn quốc... để việc phạt “nguội” được thực hiện thuận lợi hơn.
Nếu việc triển khai phạt “nguội” các trường hợp vi phạm giao thông bằng camera được thực hiện rộng rãi và thường xuyên hơn sẽ có tác động rất lớn trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, vì bất cứ ai, bất cứ lúc nào, nếu có hành vi vi phạm giao thông đều có thể bị xử phạt.
Đặng Ngọc