Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề cao ý thức sử dụng thực phẩm an toàn

09:05, 07/05/2021

Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn hiện hữu hằng ngày, hằng giờ trong đời sống xã hội bởi bên cạnh những cơ sở chấp hành nghiêm túc những quy định trên lĩnh vực này, vẫn còn không ít cơ sở bất chấp an toàn sức khỏe người tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm kém chất lượng.

Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vẫn hiện hữu hằng ngày, hằng giờ trong đời sống xã hội bởi bên cạnh những cơ sở chấp hành nghiêm túc những quy định trên lĩnh vực này, vẫn còn không ít cơ sở bất chấp an toàn sức khỏe người tiêu dùng, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thực phẩm kém chất lượng. Trong khi đó, người tiêu dùng vì nhiều lý do cũng chưa chú trọng lắm đến yếu tố an toàn thực phẩm, còn dễ dãi, tạo “đất sống” cho nhiều loại thực phẩm kém chất lượng tồn tại.

Không khó để người tiêu dùng mua và sử dụng những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng ở các chợ truyền thống hay những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, trên mạng xã hội. Người bán thì thường lấy hàng ở chỗ quen về bán lại, không mấy quan tâm đến nguồn hàng ấy từ đâu ra, có đảm bảo những quy định về ATVSTP hay không. Người mua cũng vì tiết kiệm thời gian hay giá rẻ, ít khi để ý đến mặt hàng mình mua phải đảm bảo những yếu tố nào mới thực sự an toàn. Nhiều người tiêu dùng mua theo thói quen, nghe theo quảng cáo, thậm chí là từ lời giới thiệu của bạn bè, đồng nghiệp. Vụ ngộ độc pate chay gần đây cho thấy, vì tin theo quảng cáo, bạn bè giới thiệu cho nhau cùng sử dụng nên đã xảy ra những vụ ngộ độc tập thể ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước, trong đó có Đồng Nai.

Theo lãnh đạo ngành Y tế, thực tế qua công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho thấy, không ít cơ sở vì lợi nhuận đã bất chấp các quy định về ATVSTP. Nhiều lỗi được nhắc đi nhắc lại như thiếu hóa đơn, chứng từ mua bán thực phẩm, giấy khám sức khỏe cho lao động… nhưng cơ sở vẫn cố tình không thực hiện. Trong khi đó, do số lượng các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ nhiều, lực lượng kiểm tra lại mỏng nên không thể tổ chức kiểm tra thường xuyên được. Ngành cùng chính quyền các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở này chấp hành đúng các quy định có liên quan đến việc bảo đảm ATVSTP nhưng hiệu quả đem lại chưa thực sự như mong muốn. Ngay cả ở những bếp ăn tập thể có quy mô lớn vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn mà nguyên nhân chính xuất phát từ sự chủ quan, không tuân thủ các nguyên tắc cần thiết trong chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Chủ đề của Tháng Hành động vì ATVSTP năm 2021 là Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới với mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe con người nhằm phát triển kinh tế - xã hội trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, hơn lúc nào hết phải nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và các sự cố mất an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đề cao ý thức sử dụng thực phẩm an toàn đối với người tiêu dùng trong bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều