Báo Đồng Nai điện tử
En

''Cú hích'' chuyển đổi số

08:05, 03/05/2021

Khái niệm chuyển đổi số bắt đầu phổ biến trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng kể từ khi cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành xu hướng được nhiều quốc gia quan tâm, theo dõi và áp dụng cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Khái niệm chuyển đổi số bắt đầu phổ biến trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng kể từ khi cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành xu hướng được nhiều quốc gia quan tâm, theo dõi và áp dụng cho nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Các bước quan trọng của quá trình chuyển đổi số như “số hóa” và “ứng dụng số hóa” cũng dần được nhiều người dân, doanh nghiệp, địa phương quan tâm và ứng dụng ở nhiều mức độ khác nhau, tùy theo nguồn lực và mục tiêu.

Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam cũng đã sớm nhìn nhận chuyển đổi số là một xu hướng khó có quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc, nhất là một quốc gia có nền kinh tế được đánh giá là “độ mở lớn” như Việt Nam.

Chính vì vậy, tháng 6-2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục đích đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu (nguồn: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030). Riêng với doanh nghiệp ở Đồng Nai, chuyển đổi số cũng đang là mục tiêu được nhiều doanh nghiệp quan tâm nhất, bởi Đồng Nai là một trong số các địa phương có nền kinh tế phát triển năng động, đa dạng ngành nghề nhất nước và có số lượng doanh nghiệp lớn.

Đại dịch Covid-19 được ví như là một “cú hích” lớn cho các chương trình chuyển đổi số, từ quy mô doanh nghiệp đến quy mô quốc gia, dù không ai mong muốn. Những làn sóng dịch “trồi lên, sụt xuống” trong thời gian vừa qua đã đặt nhiều doanh nghiệp, quốc gia vào “thế” phải tập trung cho quá trình chuyển đổi số càng nhanh càng tốt để thích nghi với thực tiễn.

Theo đó, có nhiều lĩnh vực được dự báo sẽ “thay đổi mãi mãi” sau đại dịch Covid-19. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng đặt ra các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, dựa trên những nghiên cứu thực tiễn bao gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông - vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên - môi trường và sản xuất công nghiệp. Chính phủ cũng đưa ra 3 trụ cột chính của chương trình chuyển đổi số quốc gia là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số và trong số đó, qua những gì đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng, thì những ngành diễn ra chuyển đổi số sớm nhất có thể kể đến là: tài chính, giao thông và du lịch.

Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số cũng có những rào cản nhất định, ví dụ: thiếu kỹ năng số và nhân lực; thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số; thiếu tư duy kỹ thuật số… Và nếu không nhanh chóng thay đổi, củng cố nội lực, đầu tư cho chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại và phát triển trong bối cảnh khó khăn này, nhất là những ngành mang tính đặc thù.

Vi Lâm

Tin xem nhiều