Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Gỗ trên "đường đua" xuất khẩu

04:04, 21/04/2021

Hơn 1 năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Gỗ đã có những bứt phá vươn lên đạt mức tăng trưởng khá cao.

Hơn 1 năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành Gỗ đã có những bứt phá vươn lên đạt mức tăng trưởng khá cao. Ngành Gỗ Việt Nam đang tham gia vào đường đua xuất khẩu với sản phẩm gỗ thế giới và chiếm được nhiều ưu thế, thu hút được nhiều khách hàng nước ngoài đến Việt Nam tìm nguồn cung.

Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Đồng Nai và cả nước trong năm 2020 và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Đồng Nai trong quý I-2021(Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Đồng Nai và cả nước trong năm 2020 và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Đồng Nai trong quý I-2021(Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước đạt hơn 12,37 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2019. Dự tính năm 2021, ngành Gỗ tiếp tục đạt mức tăng trưởng 15% so với năm 2020.

Tại Đồng Nai, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt hơn 1,68 tỷ USD, tăng trên 11% so với năm 2019. Sản phẩm gỗ là một trong 6 ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

* Tìm thấy cơ hội trong khó khăn

Suốt năm 2020 và quý I-2021, nhiều mặt hàng vẫn gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu thì ngành Gỗ lại khá thuận lợi với việc tìm đơn hàng mới. Do dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy sản xuất gỗ ở Trung Quốc và các nước khác phải đóng cửa nên các đơn hàng đã dịch chuyển về Việt Nam nhiều hơn.

Ngành Gỗ xuất khẩu khoảng 8 mặt hàng chính gồm: viên nén, ván sợi, ván bóc, ván dăm, gỗ dán, dăm gỗ, ghế ngồi, đồ gỗ. Riêng mặt hàng ghế và đồ gỗ có kim ngạch xuất khẩu 8,54 tỷ USD. Các DN Đồng Nai chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm gỗ như: bàn ghế, giường, tủ, kệ...

Theo nhiều khách hàng, đối tác nước ngoài thì Việt Nam có 3 ưu điểm lớn để họ lựa chọn ký hợp đồng hợp tác và dịch chuyển đơn hàng sang đó là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tốt; các doanh nghiệp (DN) ngành Gỗ đầu tư công nghệ hiện đại, trình độ tay nghề cao, có thể hoàn thành các đơn hàng lớn, mẫu mã phức tạp nhanh; Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do nên hàng hóa sản xuất tại đây, xuất khẩu vào các nước có ký kết hiệp định thương mại tự do sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT cho biết: “Năm 2020 và 3 tháng đầu năm nay, ngành công nghiệp Gỗ đã vượt qua khó khăn đạt mức tăng trưởng khá cao. Kết quả trên là do các DN tái cơ cấu thành công, trong kim ngạch xuất khẩu của ngành Gỗ có 70% là sản phẩm gỗ hoàn thiện dùng cho nội thất. Điều này cho thấy, các DN đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm gỗ đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trên thế giới, vững bước trên đường đua thế giới với sản phẩm cùng loại, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô”.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, các DN ngành Gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Dù dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các DN ngành Gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại nước ta ngày một tăng.

Bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (TP.Biên Hòa) cho hay: “Công ty chuyên sản xuất bàn ghế, tủ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng ổn định, đầu ra thuận lợi và công ty đã nhận đơn đặt hàng đến đầu quý III-2021. Thị trường xuất khẩu gỗ năm nay sáng sủa hơn so với năm trước, vì nhiều DN nước ngoài đã dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Đồng Nai”.

Những năm gần đây, các DN ngành Gỗ đã giảm dần xuất khẩu nguyên liệu gỗ, chuyển sang chế biến sâu, hoàn thiện sản phẩm mới xuất khẩu. Nhiều DN ngành Gỗ mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng được những đơn hàng đòi hỏi cao về mẫu mã và chất lượng. Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu gỗ lớn nhất cả nước và đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Chuyển dịch trên của DN ngành Gỗ ở Đồng Nai cũng như cả nước phù hợp với yêu cầu của Chính phủ là tăng chế biến sâu, giảm xuất khẩu nguyên liệu thô, nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.

* Tìm nguồn cung từ Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, nhiều tập đoàn nước ngoài đã thông qua trao đổi trực tuyến, các thương vụ Việt Nam ở các nước để tìm nguồn cung sản phẩm gỗ tại Việt Nam. Qua đó, nhiều DN gỗ trong nước đã ký kết được hợp đồng mua bán với khách hàng tại Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì thế quý I-2021, ngành Gỗ Việt Nam tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao và trở thành một trong 6 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Các doanh nghiệp tham gia Tuần lễ Giao thương quốc tế ngành chế biến Gỗ và thủ công mỹ nghệ tại TP.HCM từ ngày 12 đến 19-4-2021
Các doanh nghiệp tham gia Tuần lễ Giao thương quốc tế ngành chế biến Gỗ và thủ công mỹ nghệ tại TP.HCM từ ngày 12 đến 19-4-2021

Đặc biệt từ ngày 12 đến 19-4-2021, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, thương vụ Việt Nam tại các nước tổ chức Tuần lễ Giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ tại TP.HCM. Hơn 400 đại diện của các DN mua hàng quốc tế, nhà sản xuất trong ngành chế biến Gỗ đã tham gia sự kiện với hy vọng sẽ gỡ được nút thắt trong giao thương với các nước. Trên nền tảng công nghệ, Hawa đã hỗ trợ cho các DN trong ngành mô hình và cách thức tổ chức kết nối giao thương, ứng phó những thách thức mà dịch Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó, mở ra cơ hội để DN gỗ thúc đẩy doanh thu trong năm 2021, kết nối lâu dài với những thị trường tiềm năng và chủ lực.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hawa cho biết: “Trong khu vực châu Á, Việt Nam đã trở thành điểm đến lý tưởng của những nhà mua hàng quốc tế. Năm 2021, xu hướng tiêu dùng nội thất toàn cầu sẽ gia tăng cao nên quảng bá, kết nối với thị trường thế giới, DN sẽ có thêm cơ hội mở rộng xuất khẩu, cải thiện vị thế trên thị trường quốc tế”.

Cũng trong Tuần lễ Giao thương quốc tế ngành chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: Kingfisher, Ikea, Ashley, Rowico, Target, Test Rite, Modus, Amazon... đã tham gia để tìm DN cung ứng sản phẩm gỗ tại Việt Nam.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm nặng nề, nhưng ngành Gỗ trong nước vẫn phát triển ổn định và giữ được mức tăng trưởng khá là do DN đã có những nỗ lực, sáng tạo đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Bộ Công thương, các hiệp hội đã có những hỗ trợ kịp thời giúp các DN kết nối giao thương trực tuyến, không để bị đứt đoạn với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở Đồng Nai các DN ngành Gỗ cũng kịp thời liên kết với các DN trong ngành tại các tỉnh, thành khác để mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Trong quý I-2021, các DN ngành Gỗ trên địa bàn tỉnh đã xuất khẩu được 446 triệu USD, tăng hơn 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Quốc gia nhập khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất của Đồng Nai là Hoa Kỳ, chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. Các DN ở Đồng Nai sử dụng tương đối hiệu quả giao thương trực tuyến để trao đổi, ký kết hợp tác với khách hàng nước ngoài nên đã nhận được nhiều đơn hàng lớn đến quý III, IV-2021.

Theo Bộ NN-PTNT, quý I-2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu xuất khẩu, riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 3,7 tỷ USD, tăng 41,5%.

Hương Giang

Tin xem nhiều