Trên nền tảng đã đạt được, Đồng Nai đưa ra các giải pháp nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế cho giai đoạn 2021-2025. Chỉ tiêu của tỉnh là GRDP tăng trưởng 8,5%/năm, tiếp tục đầu tư cho công nghiệp, nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt dự toán giao hằng năm.
Trên nền tảng đã đạt được, Đồng Nai đưa ra các giải pháp nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế cho giai đoạn 2021-2025. Chỉ tiêu của tỉnh là GRDP tăng trưởng 8,5%/năm, tiếp tục đầu tư cho công nghiệp, nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt dự toán giao hằng năm.
Đồng Nai mời gọi doanh nghiệp tham gia vào chế biến sâu nông sản Trong ảnh: Sản xuất mít sấy ở Công ty TNHH Thuận Hương (H.Định Quán). Ảnh: Ngọc Liên |
Theo UBND tỉnh, Đồng Nai tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút những dự án công nghệ cao, dự án có giá trị gia tăng cao. Trên lĩnh vực nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp chế biến sâu nâng giá trị cho nông sản.
* Nhiều giải pháp phát triển kinh tế
Trong những năm tới, tình hình thế giới sẽ biến đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, song chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, xung đột thương mại, cạnh tranh đan xen giữa các cường quốc và xu thế phân tán quyền lực quốc tế ngày càng rõ hơn. Giữa bối cảnh trên, Đồng Nai đã đưa ra 9 giải pháp nhằm ổn định phát triển kinh tế cho giai đoạn tới gồm: Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển công nghiệp - xây dựng có hàm lượng khoa học công nghệ cao; tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại, phát triển đô thị; phát triển mô hình kinh doanh mới; mở rộng đồng bộ các thị trường; đẩy mạnh liên kết vùng và quốc tế.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đánh giá, những năm qua, kinh tế của Đồng Nai tiếp tục phát triển toàn diện, quy mô và sức cạnh tranh được nâng lên rõ rệt. Kinh tế tăng trưởng đạt mức cao so với bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng và tích cực, công trình trọng điểm được tập trung đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tăng niềm tin của nhà đầu tư. “Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nguồn vốn trong nước, nước ngoài vào phát triển công nghiệp công nghệ cao để tạo ra giá trị gia tăng lớn. Tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư vào chế biến sâu nông sản, thực phẩm để đảm bảo đầu ra và nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn”.
Kế hoạch của tỉnh sẽ huy động nguồn vốn toàn xã hội khoảng 450 ngàn tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025, nhằm phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, dịch vụ đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.
* Dẫn đầu về đầu tư cho "tam nông"
Đối với ngành Nông nghiệp, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho biết, mục tiêu chung của tỉnh Đồng Nai đối với nông nghiệp trong 5 năm tới (2021-2025) là tiếp tục hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa. Tốc độ tăng trưởng GRDP về nông - lâm - thủy sản đạt từ
2,8-3,2%/năm. 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để đạt được những mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hàng hóa lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất tập trung; khai thác hiệu quả chợ đầu mối nông sản gắn với chuỗi tiêu thụ trong và ngoài nước. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao và tăng cường kết nối nông thôn với đô thị. Tập trung đầu tư các công trình thủy lợi để thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đẩy mạnh phát triển cánh đồng lớn với các loại cây trồng giá trị thương phẩm cao, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng từng vùng. Phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, quảng canh cải tiến, sinh thái. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đánh giá: “Giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai là một trong hai tỉnh dẫn đầu cả nước trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy là tỉnh công nghiệp, nhưng hơn 60% người dân trên địa bàn tỉnh vẫn sống ở khu vực nông thôn nên trong giai đoạn tới, tỉnh cũng sẽ ưu tiên nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn”.
Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, thu NSNN sẽ tăng cao và đạt dự toán trung ương giao hàng năm. Giám đốc Sở Tài chính Đỗ Khôi Nguyên cho rằng, trong những năm tới, Đồng Nai sẽ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu - chi ngân sách, đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ chính sách và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trên các lĩnh vực. Kế hoạch của tỉnh sẽ đạt thu nội địa tăng bình quân tối thiểu 10-12%/năm, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng bình quân 5-7%/năm. Để đạt được mục tiêu đề ra, theo ông Nguyên, cần một số giải pháp cụ thể như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh...; triển khai quyết liệt công tác thu NSNN, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán HĐND tỉnh giao. Đồng thời, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, chống lãng phí.
Khánh Minh - Thủy Mộc