Báo Đồng Nai điện tử
En

Không thể trì hoãn

11:04, 21/04/2021

Sau hơn 4 năm nữa sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ đi vào khai thác, việc đầu tư hệ thống giao thông kết nối sân bay này với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã ở thời điểm "không thể trì hoãn".

Trong bối cảnh sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ đi vào khai thác sau hơn 4 năm nữa, việc đầu tư hệ thống giao thông kết nối giữa sân bay này với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã ở thời điểm “không thể trì hoãn”.

Quốc lộ 51, tuyến giao thông hiện đóng vai trò kết nối chính giữa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã trở nên quá tải và xuống cấp. Ảnh: Q.NHI
Quốc lộ 51, tuyến giao thông hiện đóng vai trò kết nối chính giữa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã trở nên quá tải và xuống cấp. Ảnh: Q.NHI

* Cấp bách đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Trong quy hoạch hệ thống giao thông, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được xem là trục chính thực hiện vai trò kết nối giữa sân bay Long Thành với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là dự án quan trọng tạo sự thông thoáng trong kết nối giữa 2 địa phương Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi có sự kết nối này, hiệu quả của sân bay và cảng biển mới được phát huy và chắc chắn sẽ tạo ra động lực để cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.

Theo Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể, trong hai tuyến đường vành đai 3 và vành đai 4, Bộ GT-VT xác định phải đặt ưu tiên số 1 cho tuyến đường vành đai 3 vì đây là tuyến đường nằm sát với trung tâm TP.HCM và liên quan đến nhiều tỉnh, thành trong vùng.

Theo Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể, đối với quy hoạch giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thời gian tới cần có sự lựa chọn đầu tư những dự án trọng điểm, mang tính chất đột phá. Trong đó, cần ưu tiên đặc biệt cho các dự án hỗ trợ sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Đối với dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, thời gian qua đã được nghiên cứu để triển khai thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Vừa qua, khi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực, Bộ GT-VT đã trình Chính phủ chủ trương đầu tư dự án. “Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ trưởng KH-ĐT thành lập hội đồng để thẩm định và báo cáo cho Thủ tướng” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Theo phương án mà Bộ GT-VT trình Chính phủ, tổng vốn đầu dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 18 ngàn tỷ đồng, trong đó chi phí đầu tư xây dựng giai đoạn 1 là 12 ngàn tỷ đồng và 6 ngàn tỷ đồng dành cho công tác giải phóng mặt bằng. Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ được đầu tư với quy mô 8 làn xe và thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ với quy mô này. Tuy nhiên, trước mắt, một số đoạn sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe. Riêng đối với các đoạn đi ngang sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ được đầu tư với quy mô 8 làn xe.

Về phương án vốn, trong tổng vốn đầu tư nhà nước sẽ đầu tư khoảng 6 ngàn tỷ đồng và 12 ngàn tỷ đồng còn lại là thu hút nguồn vốn bên ngoài. “Dự án này mang tính khả thi tốt hơn cả dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông vì Nhà nước chỉ đầu tư kinh phí giải phóng mặt bằng, còn vốn đầu tư xây dựng sẽ do nhà đầu tư cân đối trong phương án tài chính. Bộ GT-VT cũng sẽ nỗ lực để có thể hoàn thành dự án vào năm 2025 nhằm thực hiện kết nối sân bay Long Thành với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải” - Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

* Cân đối nguồn vốn đầu tư

Ngoài dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Chính phủ cũng đã ủng hộ các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu dự án đoạn đường sắt Biên Hòa - Cái Mép như một phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng miền, trong đó có sân bay Long Thành đến Cái Mép - Thị Vải.

Cùng với đó, hệ thống đường vành đai bao gồm đường vành đai 3, vành đai 4 cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Do đó, nhu cầu đầu tư để sớm khép kín các tuyến đường vành đai này rất cấp bách.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, tuyến đường vành đai 4 là tuyến đường mà hiện nay 3 địa phương Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương rất “khao khát”. Bởi đây sẽ là tuyến đường phục vụ cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương về sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, việc đầu tư đồng loạt tất cả các dự án là điều rất khó khăn. Do đó, theo lãnh đạo Bộ GT-VT, để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách “eo hẹp”, việc đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, phải lựa chọn những dự án mang tính đột phá để đầu tư trước. Ngoài ra, để có nguồn vốn đầu tư cho các dự án cũng cần phải tính toán, kết hợp giữa nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn ngân sách các địa phương.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều