Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 4, 22/01/2025, 17:44 En

Hàng Việt từng bước chiếm lĩnh kệ hàng

03:04, 10/04/2021

Hiện nay, nhiều mặt hàng, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc quảng bá thương hiệu…

Hiện nay, nhiều mặt hàng, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc quảng bá thương hiệu so với các sản phẩm của các công ty đa quốc gia, sản phẩm ngoại nhập cùng loại, trong đó có khâu giới thiệu, trưng bày sản phẩm ở các vị trí đẹp, dễ nhìn trên kệ hàng…

Biểu đồ thể hiện mức độ chọn mua sản phẩm dựa vào yếu tố “dễ tìm mua sản phẩm” đối với một số nhóm mặt hàng theo kết quả cuộc khảo sát Hành vi người tiêu dùng dưới tác động của đại dịch Covid-19 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện vào giữa năm 2020. (Nguồn: Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - Đồ họa: Hải Quân)
Biểu đồ thể hiện mức độ chọn mua sản phẩm dựa vào yếu tố “dễ tìm mua sản phẩm” đối với một số nhóm mặt hàng theo kết quả cuộc khảo sát Hành vi người tiêu dùng dưới tác động của đại dịch Covid-19 của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện vào giữa năm 2020. (Nguồn: Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - Đồ họa: Hải Quân)

[links()]* Gian nan lên “mặt tiền” kệ hàng các sạp bán lẻ

Quan sát nhiều gian hàng ở những chợ truyền thống, các đại lý, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, hệ thống phân phối sữa, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có thể dễ dàng bắt gặp các sản phẩm của các tập đoàn, các công ty đa quốc gia như: Unilever, P&G, Abbott, Nestlé... hoặc một số thương hiệu Việt lớn, nổi tiếng như: Vinamilk, TH True Milk, Bibica, Kinh Đô, Masan... Trong khi đó, hàng hóa của các nhà sản xuất quy mô trung bình và nhỏ thường ít xuất hiện ở các vị trí đẹp, vừa tầm mắt người mua…

Chị Ngọc Anh, nhân viên văn phòng ở P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa - khách hàng thường xuyên mua sắm tại chợ Biên Hòa cho hay: “Việc trưng bày hàng hóa có ảnh hưởng lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng, đặc biệt là trong ngành hàng tiêu dùng nhanh như nước giải khát hay bánh kẹo, thực phẩm, gia vị đóng gói... Khi đi chợ hay đến cửa hàng bán lẻ lúc tan tầm, thay vì chen chúc tìm kiếm, nếu thấy những gian hàng trưng bày ngay tầm mắt còn kèm theo khuyến mãi chắc chắn sẽ khiến tôi chú ý và muốn được trải nghiệm sản phẩm hơn”.

Theo nhiều chủ cửa hàng, tiệm tạp hóa, thông thường muốn được trưng bày ở những nơi “đắc địa”, dễ chú ý thì nhà sản xuất phải chi thêm các chi phí hỗ trợ, tài trợ riêng bên cạnh tiền lãi, chiết khấu bán hàng. Mức hỗ trợ từ các nhà sản xuất để người bán trưng bày sản phẩm ở những vị trí đẹp, dễ nhìn vào khoảng từ 200 ngàn đồng đến vài triệu đồng/tháng tùy số lượng, chủng loại, diện tích trưng bày, quy mô của cửa hàng...

Một gian hàng các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai tại BigC Tân Hiệp. Gian hàng này có vị trí khá dễ nhìn, thuận lợi cho người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Ảnh: Hải Quân
Một gian hàng các sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của Đồng Nai tại BigC Tân Hiệp. Gian hàng này có vị trí khá dễ nhìn, thuận lợi cho người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm. Ảnh: Hải Quân

Bà Phùng Thuận, chủ một cửa hàng tạp hóa ở P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho hay, muốn trưng bày các gian hàng sữa, nước giải khát, bánh kẹo ở vị trí đẹp, thậm chí có quầy riêng cho sản phẩm, các nhà sản xuất vừa phải hỗ trợ thiết kế gian hàng, quầy kệ vừa phải mất thêm một số chi phí. Chi phí đó được xem như tiền “thuê mặt bằng” hoặc quy đổi bằng tăng thêm tỷ lệ chiết khấu, khuyến mãi sản phẩm. “Với những ưu thế về vốn, công nghệ cho đến mẫu mã, bao bì…, sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên có mặt ở những vị trí bắt mắt, dễ gây chú ý với người tiêu dùng nhất trong cửa hàng. Trong khi đó với quy mô nhỏ, kinh phí cho thị trường không cao nên các sản phẩm thuần Việt thường nằm khuất phía sau” - bà Thuận chia sẻ.

Tương tự, bà Lan Phương, chủ một sạp tạp hóa ở chợ Long Thành (H.Long Thành) chia sẻ, các vị trí trưng bày đẹp của sạp hiện phần lớn là do các nhãn hàng như: Unilever, P&G… “đặt chỗ” với những khoản hỗ trợ cho tiểu thương từ vài trăm ngàn đến khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng. Những năm gần đây, một số nhãn hàng Việt cũng đã chú trọng hơn tới việc quảng bá các sản phẩm ở những vị trí “mặt tiền” này.

* Nâng cao sức cạnh tranh ở các kênh bán lẻ hiện đại

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại, đối với những vị trí đẹp, “đầu line hàng” (đầu kệ hàng), các sản phẩm của các tập đoàn, công ty đa quốc gia vẫn thường chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã “mạnh dạn” chi tiền hơn trong hoạt động quảng cáo, trưng bày hàng hóa ở những khu vực này.

Ông Lê Thanh Nhàn, Giám đốc điều hành của Siêu thị Hoàng Đức (TP.Long Khánh) cho biết, hàng Việt ngày càng chiếm tỉ trọng cao trên các kệ hàng của siêu thị. Đặc biệt, nếu như trước đây các vị trí đầu kệ thường dành cho các hàng hóa bán chạy hoặc được các tập đoàn, công ty đa quốc gia thuê nhiều thì trong thời gian qua, nhiều công ty, doanh nghiệp Việt đã ngày càng đăng ký thuê các kệ hàng này nhiều hơn để trưng bày sản phẩm, nhất vào các dịp khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng.

Người dân chọn mua các sản phẩm hàng Việt tại một sạp hàng ở chợ Bảo Hòa (H.Xuân Lộc)
Người dân chọn mua các sản phẩm hàng Việt tại một sạp hàng ở chợ Bảo Hòa (H.Xuân Lộc)

Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty CP Bibica (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) chia sẻ, công ty dành khoản chi phí riêng hằng năm để thuê các kệ hàng “đầu line”, khu vực đắc địa tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước, nhất là đối với những siêu thị có lượng khách lớn, những khu vực người tiêu dùng dễ tiếp cận với sản phẩm nhất. Ngoài ra, công ty còn đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh, nâng cao độ nhận diện thương hiệu thông qua các hình ảnh trực quan trên bảng hiệu cửa hàng, quảng cáo trên taxi,
pa-nô di động... Hoạt động này được tiến hành xuyên suốt trong năm.

Đại diện một số siêu thị cho biết, trên thực tế, nhiều sản phẩm Việt, nhất là các mặt hàng về nông sản, thực phẩm thường chọn quảng bá vào những mùa cao điểm vì số lượng mặt hàng chưa nhiều, chi phí quảng bá còn ít nên chỉ chú trọng tập trung vào những dịp lễ, tết... khi sức mua của người tiêu dùng tăng cao.

Ngoài ra, theo nhiều doanh nghiệp địa phương, việc đưa được hàng hóa vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi luôn là cơ hội lớn để quảng bá, phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, việc đảm bảo nguồn hàng để đáp ứng lâu dài, cũng như các chi phí quảng cáo, thuê kệ hàng vị trí đẹp vẫn là một vấn đề khó khăn, chưa dễ thực hiện “trong ngày một ngày hai” mà cần có thêm thời gian và kế hoạch triển khai.

Đối với các kênh quảng bá, bán hàng trực tuyến, các sàn giao dịch điện tử, các vị trí đẹp để quảng bá sản phẩm thường nằm ở vị trí đầu website. Theo đó, để sản phẩm “lên sàn” ở các vị trí này thì phụ thuộc vào các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của các trang, sàn thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc phát triển thị trường miền Nam của Công ty CP Công nghệ Sapo - một công ty chuyên cung cấp các giải pháp phần mềm quản lý bán hàng, kinh doanh trực tuyến chia sẻ, để sản phẩm được quảng bá, trưng bày ở các vị trí đẹp của các trang, sàn thương mại điện tử, thông thường tùy thuộc vào các tiêu chí như: sản phẩm có chất lượng, phản hồi tốt từ phía khách hàng; sản phẩm có hình ảnh, nội dung quảng bá phù hợp với từng chủ đề kinh doanh, khuyến mãi trong tháng của các trang, sàn thương mại điện tử; các sản phẩm nhận được nhiều lượt tương tác, đánh giá tốt từ khách hàng… Hiện nay, nhiều sản phẩm Việt, nhất là các loại đặc sản vùng miền ngày càng xuất hiện nhiều ở các vị trí đẹp trên một số sàn thương mại điện tử.

Với tiềm lực tài chính và chiến lược kinh doanh dài hạn, các tập đoàn đa quốc gia, công ty lớn thường chịu chi đậm cho những chiến lược marketing để đẩy mạnh phân phối hàng hóa nhằm chiếm lĩnh vị trí mặt tiền các chợ trung tâm hay điểm bán lẻ lớn tại đô thị. Trong khi đó, với nguồn kinh phí cho hoạt động quảng bá, phân phối sản phẩm chưa cao, nhiều nhà sản xuất hàng hóa thuần Việt thường có quy mô nhỏ và vừa nên không dễ cạnh tranh để trưng bày hàng hóa ở những vị trí đắc địa này.

Hải Quân

Tin xem nhiều