Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ vững vị thế địa phương trong nhóm dẫn đầu về phát triển kinh tế

04:04, 30/04/2021

Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đồng Nai từ một tỉnh nông nghiệp đã từng bước chuyển thành tỉnh công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, Đồng Nai đã trở thành tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước về phát triển kinh tế. Đời sống của người dân trên địa bàn được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Ngày 30-4-1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Đồng Nai từ một tỉnh nông nghiệp đã từng bước chuyển thành tỉnh công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Trải qua 46 năm xây dựng và phát triển, Đồng Nai đã trở thành tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước về phát triển kinh tế. Đời sống của người dân trên địa bàn được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đồ họa thể hiện một số kết quả về cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp và thu nhập bình quân đầu người của tỉnh  (Thông tin: Hương Giang  Đồ họa: Hải Quân) Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2. Ảnh: H.Giang
Đồ họa thể hiện một số kết quả về cơ cấu kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp và thu nhập bình quân đầu người của tỉnh (Thông tin: Hương Giang Đồ họa: Hải Quân)

Hiện nay, Đồng Nai đang nằm trong tốp 5 các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, thu ngân sách nhà nước, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)... Đích đến của tỉnh trong tương lai sẽ trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại; năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 8 ngàn USD.

* Chọn công nghiệp làm đòn bẩy

Đồng Nai là nơi có diện tích đất tự nhiên khoảng 586.362ha, chiếm khoảng 1,9% diện tích đất của cả nước. Từ hơn 40 năm trước, tỉnh đã xác định muốn trở thành một trong những nơi phát triển kinh tế hàng đầu của Việt Nam thì phải phát triển công nghiệp. Vì công nghiệp phát triển sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất đai trên cùng một diện tích, tạo thêm nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho người dân trong và ngoài tỉnh, thu ngân sách tăng cao.

Kiên định với mục tiêu đã chọn, trong những năm qua, Đồng Nai đã xây dựng nhiều khu công nghiệp, thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài. Đến nay, tỉnh đã có 32 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 31 khu công nghiệp đang hoạt động.

Ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết: “Các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư trong nước, FDI. Trong đó gồm 1.363 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 27 tỷ USD, 522 dự án trong nước có tổng nguồn vốn 2,91 tỷ USD. Từ hơn 10 năm trước, tỉnh đã thu hút đầu tư có chọn lọc nên các dự án được cấp phép đầu tư đều có công nghệ hiện đại. Nhiều công ty đầu tư từ những giai đoạn trước cũng từng bước chuyển đổi công nghệ để tăng năng suất, chất lượng”.

Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2. Ảnh: H.Giang
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, giai đoạn 2. Ảnh: H.Giang

Những năm qua, tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt trên 8%/năm (riêng năm 2020 do dịch bệnh Covid-19, chỉ tăng 6,2%). Tuy nhiên, cả giai đoạn 2016-2020, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn giữ mức tăng 8,2%. Giá trị ngành công nghiệp của tỉnh đến cuối năm 2020 đạt 709 ngàn tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh dịch chuyển đúng hướng, tăng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm nông lâm nghiệp - thủy sản. Hiện công nghiệp - xây dựng của tỉnh chiếm 61,72%, dịch vụ 29,98% và nông lâm - thủy sản 8,3%. Công nghiệp phát triển góp phần đảm bảo GRDP của tỉnh luôn giữ mức tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đến cuối năm 2020 đạt gần 5 ngàn USD.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh: “Đồng Nai là địa bàn có quá trình hội nhập, phát triển công nghiệp sớm và mạnh ở khu vực Đông Nam bộ và luôn là địa phương nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trong nước và FDI, chủ yếu là thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho hơn 600 ngàn lao động của Đồng Nai và các tỉnh, thành trong cả nước với thu nhập ổn định”.

Đồng Nai được xem là một trong những cái nôi về phát triển công nghiệp của cả nước, trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm công nghiệp lớn tại Việt Nam. Đồng Nai còn là một trong 5 tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước và nhiều năm nay tỉnh luôn xuất siêu, góp phần rất lớn cho phát triển công nghiệp, xuất khẩu của Việt Nam.

* Góp sức cho sự phát triển đất nước

Hòa bình được lập lại, Đồng Nai vượt qua những đau thương, mất mát của chiến tranh tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy Đồng Nai xác định sẽ trở thành tỉnh công nghiệp, nhưng lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng được chú trọng. Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành đi đầu cả nước về chương trình “tam nông” làm tiền đề cho phát triển nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiến đến nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu tiên về vốn, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu vào cho cây trồng, vật nuôi; trong 10 năm qua thu nhập người dân vùng nông thôn tăng hơn 3 lần.

Nhiều nông dân H.Xuân Lộc ứng dụng khoa học  công nghệ tăng năng suất, chất lượng cho vườn sầu riêng thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm
Nhiều nông dân H.Xuân Lộc ứng dụng khoa học công nghệ tăng năng suất, chất lượng cho vườn sầu riêng thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm

Công nghiệp, nông nghiệp phát triển, Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước (NSNN). Ông Đỗ Khôi Nguyên, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Trong giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt trên 253, 2 ngàn tỷ đồng, đạt 100,5% so với dự toán. Trong đó, thu nội địa gần 175,5 ngàn tỷ đồng và thu xuất nhập khẩu là 77,8 ngàn tỷ đồng, đóng góp lớn cho ngân sách của cả nước”. Đánh giá về tình hình thu NSNN thời gian qua, ông Nguyên nhận định, mặc dù thu ngân sách đạt kết quả khả quan nhưng các khoản thu có tính chất bền vững từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Kang Myongil, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM cho hay: “Doanh nghiệp Hàn Quốc chọn tỉnh Đồng Nai là điểm đến đầu tư ngày một nhiều vì có các khu công nghiệp hạ tầng hoàn chỉnh, kết nối giao thông thuận lợi. Trong tương lai, Đồng Nai sẽ là trung tâm giao thông vùng, rất thuận lợi cho các DN FDI đầu tư vào. Hàn Quốc đang dẫn đầu các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với hơn 6,9 tỷ USD và trong thời gian tới sẽ còn nhiều DN đến Đồng Nai đầu tư hơn nữa”.

Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do chịu sự ảnh hưởng bởi những yếu tố bất lợi về thời tiết, tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu tính ổn định, song nhìn chung vẫn duy trì được sự phát triển tương đối ổn định. Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp luôn đạt mức hơn 3% mỗi năm. Việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu được ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện có hiệu quả tốt. Đến nay, Đồng Nai đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, diện tích sản xuất đạt các chuẩn VietGAP, hữu cơ… ngày càng tăng, diện tích nuôi trồng thủy sản tiếp tục được mở rộng và chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tập trung nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với các loài có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Đồng Nai là một trong hai địa phương của cả nước hoàn thành về đích nông thôn mới trước thời hạn. Việc huy động nguồn lực thực hiện NTM chủ yếu từ sự đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp, cùng với sự tham gia một phần nhỏ của nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Mục tiêu cuối cùng là làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân. Người dân phải thực sự làm chủ nông thôn, chủ động trong phát triển cộng đồng nơi mình sinh sống để tạo ra những chuỗi giá trị cả về đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nông dân.

Hương Giang - Ngọc Liên

Tin xem nhiều