Báo Đồng Nai điện tử
En

Cho thuê dịch vụ môi trường rừng: Tiềm năng chưa được khai phá

03:04, 06/04/2021

Đồng Nai có hơn 171 ngàn ha đất lâm nghiệp có rừng. Trước những năm 2000, tỉnh đã đóng cửa rừng tự nhiên nên rừng và hệ đa dạng sinh học gần như được bảo toàn và không ngừng gia tăng.

Đồng Nai có hơn 171 ngàn ha diện tích đất lâm nghiệp có rừng. Từ trước những năm 2000, tỉnh đã thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên nên diện tích đất rừng và hệ đa dạng sinh học gần như được bảo toàn và không ngừng gia tăng.

Đồ họa thể hiện diện tích đất lâm nghiệp và phân bố rừng tại một số địa phương trong tỉnh. Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường Đồng Nai năm 2020 của UBND tỉnh. (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện diện tích đất lâm nghiệp và phân bố rừng tại một số địa phương trong tỉnh. Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường Đồng Nai năm 2020 của UBND tỉnh. (Thông tin: Hoàng Lộc - Đồ họa: Hải Quân)

Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, tạo việc làm cho người dân địa phương và tăng nguồn thu tái phục vụ cho bảo vệ rừng, tỉnh có chủ trương cho thuê môi trường rừng (MTR) để phát triển dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, đến nay, chưa có dự án cho thuê MTR nào được phê duyệt, việc phát triển dịch vụ này vẫn do các đơn vị chủ rừng khai thác nhưng hiệu quả chưa cao.

* Nhiều lợi thế cho thuê đất rừng

Theo báo cáo hiện trạng môi trường năm 2020, rừng ở Đồng Nai có đặc điểm là hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, được kiểm soát và bảo tồn theo cơ chế chung của quốc gia về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái.

Rừng có hệ sinh thái đa dạng nhất, có lợi thế khai thác dịch vụ MTR lớn nhất của tỉnh là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa (TN-VH) Đồng Nai. Khu vực này có hơn 100 ngàn ha, trong đó diện tích đất rừng 68 ngàn ha. Để phát huy hiệu quả du lịch rừng, tỉnh đã đầu tư nhiều công trình và giao cho Trung tâm Văn hóa sinh thái lịch sử Chiến khu Đ (thuộc Khu Bảo tồn TN-VH Đồng Nai).

Du khách trải nghiệm leo núi ở rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú.  Ảnh: HOÀNG LỘ
Du khách trải nghiệm leo núi ở rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú. Ảnh: HOÀNG LỘ

Bà Đinh Thị Lan Hương, Phó giám đốc Khu Bảo tồn TN-VH Đồng Nai, Giám đốc Trung tâm Văn hóa sinh thái lịch sử Chiến khu Đ cho biết, rừng thuộc Khu Bảo tồn TN-VH Đồng Nai có nhiều lợi thế khai thác dịch vụ. Về cảnh quan tự nhiên có công viên đá, thác Ràng; các hồ nước lớn, đảo trên hồ, đặc biệt là hồ Trị An; các loài động vật hoang dã và thực vật rừng. Ngoài ra, rừng còn có 3 khu di tích lịch sử cấp quốc gia gồm: căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và địa đạo Suối Linh.

Hiện nay, nhiều tuyến du lịch đã được hình thành, cơ sở vật chất cũng có nhưng mới chỉ khai thác được du lịch dạng về nguồn, nghiên cứu động, thực vật. “Hiện nay chưa có đơn vị tư nhân nào khai thác MTR thuộc phạm vi Khu Bảo tồn TN-VH Đồng Nai. Việc khai thác MTR do Trung tâm Văn hóa sinh thái lịch sử Chiến khu Đ thực hiện trên cơ sở bảo vệ và phát huy lợi thế MTR” - bà Hương chia sẻ.

Khu vực Thác Mai, bàu Nước Sôi (H.Định Quán) vừa có thác nước, hồ tắm nước ấm tự nhiên, vừa có tán cây rừng thuận lợi khai thác du lịch. Từ nhiều năm trước, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú đã đầu tư, khai thác du lịch tại Thác Mai và bàu Nước Sôi. Tuy nhiên, do dịch vụ đi kèm (ẩm thực, đặc sản địa phương, quà tặng) chưa có, không có nhà nghỉ trong rừng nên chỉ cho thuê mặt bằng đóng phim, thuê tài sản kinh doanh ăn uống, bán vé tắm. Doanh thu từ các hoạt động trong trên chỉ đạt khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm.

Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú Nguyễn Lê Anh Tuấn cho biết, trong 5 năm (2014-2019) có khoảng 198 ngàn khách đến tham quan và mang lại doanh thu khoảng 5,6 tỷ đồng. Năm 2018, tỉnh đầu tư đường nhựa kết nối 2 điểm du lịch trong rừng, UBND H.Định Quán và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú cũng thực hiện nhiều công trình hạ tầng phục vụ khai thác du lịch như: địa điểm cắm trại qua đêm, hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, điểm dừng chân ăn uống, khu vực ngâm cát, tắm bùn. Năm 2019, tỉnh phê duyệt đề án Phát triển du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực. Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú sau đó đã thông báo rộng rãi chủ chương cho thuê MTR và đã có một đơn vị đề xuất đầu tư. “Bàu Nước Sôi, Thác Mai nằm trong rừng phòng hộ, do đó quá trình khai thác du lịch đơn vị đề cao phòng hộ hơn là phát triển dịch vụ rừng” - ông Tuấn cho hay.

Du lịch trải nghiệm ở rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú. Ảnh: Hoàng Lộc
Du lịch trải nghiệm ở rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú. Ảnh: Hoàng Lộc

Ngoài những khu vực trên, rừng ngập mặn (H.Long Thành, H.Nhơn Trạch), rừng trên núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc) cũng có nhiều lợi thế phát triển dịch vụ MTR nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Riêng Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn tỉnh có phát triển dịch vụ MTR nhưng lại không thuộc phạm vi quản lý, khai thác của tỉnh mà thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT).

* Chưa có dự án cho thuê đất rừng được duyệt

Đồng Nai có nhiều lợi thế cho thuê MTR làm dịch vụ và phát triển du lịch rừng. Để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nhiên nhiên, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương và tăng nguồn thu tái phục vụ cho phát triển rừng, tỉnh đã quy hoạch các khu vực phát triển du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đường kết nối, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch rừng. Nhiều dự án cho thuê MTR quy mô lớn đã được lên ý tưởng, đăng ký thực hiện nhưng đến nay chưa có dự án nào được phê duyệt.

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNN cho biết, hầu hết các khu đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có tiềm năng cho thuê MTR. Việc kinh doanh và khai thác dịch vụ MTR hiện nay do các chủ rừng thực hiện theo hình thức du lịch sinh thái, cho thuê mặt bằng, thuê tài sản, hiệu quả chưa cao. Thời gian qua, có một số đơn vị đã đăng ký thuê đất rừng để khai thác du lịch. Tuy nhiên, do đây là nội dung mới đối với tỉnh nên Sở phải lấy ý kiến các đơn vị liên quan về hợp đồng cho thuê, tính khả thi của các dự án, diện tích và vị trí thuê, đề án phát triển dịch vụ MTR của chủ đầu tư. “Hiện nay, tỉnh giao cho Sở NN-PTNT tham mưu đề cương đề án cho thuê MTR phát triển du lịch để làm cơ sở mời gọi các nhà đầu tư” - ông Lê Văn Gọi cho hay.

Du khách tham quan Khu du lịch núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc). Ảnh: Hoàng Lộc
Du khách tham quan Khu du lịch núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc). Ảnh: Hoàng Lộc

Ông Lê Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP The Coi cho biết, doanh nghiệp đã đăng ký dự án thuê MTR làm du lịch với diện tích 100ha đất rừng trên địa bàn H.Định Quán do Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú quản lý từ năm 2017. Từ đó đến nay, dù đã trải qua nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt. “Tỉnh đã đồng ý chủ trương. Chúng tôi đã lập hồ sơ dự án, hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo yêu cầu của tỉnh, huyện và chủ rừng nhưng mỗi lần họp lại phát sinh yêu cầu mới. Đến thời điểm hiện tại, hai bên vẫn chưa thống nhất được hợp đồng” - ông Tuấn nói.

Dự án du lịch The Coi được xem là dự án đăng ký thuê MTR đầu tiên của tỉnh. Chủ đầu tư đăng ký thuê MTR để phát triển du lịch dưới tán lá rừng, kinh doanh dịch vụ tắm hồ nước sôi và dịch vụ giải trí. Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 1,9 ngàn tỷ đồng được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư 400 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 1,5 ngàn tỷ đồng. Chủ đầu tư cho biết, nếu hoàn thiện các thủ tục pháp lý, dự án có thể triển khai trong năm nay.

Một dự án thuê đất rừng để phát triển du lịch cũng được tỉnh thống nhất chủ trương là Khu du lịch sinh thái và safari Vườn Xoài 2 của Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài. Dự án có quy mô gần 413ha, thuộc khu vực quy hoạch rừng sản xuất của Khu Bảo tồn
TN-VH Đồng Nai. Hiện chủ đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án, chủ rừng đang chờ tỉnh phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững của Khu Bảo tồn TN-VH Đồng Nai để hai bên ký hợp đồng.

Liên quan đến phương án quản lý rừng bền vững, hiện nay UBND tỉnh đã phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành.

Theo ông Lê Thuần Thành, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành, mỗi năm rừng ngập mặn đón hơn chục ngàn du khách, nhưng chủ yếu đi tự do, chưa có đơn vị nào thực hiện thành tour. Năm 2019, đơn vị đã phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện đề án phát triển du lịch sinh thái rừng phòng hộ ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều hạng mục vừa du lịch trên sông vừa tham quan rừng. Việc UBND tỉnh phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 là điều kiện để Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành mời gọi nhà đầu tư phát triển du lịch một cách bài bản.

Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng lớn và đa dạng (đặc dụng, nguyên sinh, rừng trồng; rừng trên núi, trên đảo, rừng ngập mặn). Đa phần rừng trên địa bàn tỉnh đều có lợi thế khai thác dịch vụ, du lịch, nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Hiện có nhiều dự án thuê môi trường rừng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang tìm hiểu như: The Coi (H.Định Quán), Safari (H.Vĩnh Cửu), hồ Đa Tôn… nhưng chưa có dự án nào được phê duyệt. Sở NN-PTNT đang cùng với các sở, ban, ngành của tỉnh, huyện và các chủ rừng xây dựng đề cương dự án cho thuê MTR trên cơ sở bảo vệ đa dạng sinh học, khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, bảo vệ đất lâm nghiệp.

Hoàng Lộc

 

Tin xem nhiều