Báo Đồng Nai điện tử
En

Ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện

04:04, 09/04/2021

Lãnh đạo các bệnh viện cho biết, các bệnh viện mong muốn Sở Y tế và BHXH tỉnh có sự thống nhất, phân bổ thẻ BHYT hợp lý để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh và phát triển bệnh viện.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, các bệnh viện có nhận được công văn thông báo về việc rà soát lại nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu BHYT tại các bệnh viện tuyến tỉnh theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam.

Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: A.YÊN

Các bệnh viện mong muốn Sở Y tế và BHXH tỉnh có sự thống nhất, phân bổ thẻ BHYT hợp lý để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh và phát triển bệnh viện.

* Người dân liên tục gọi vào đường dây nóng

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho hay, khi nhận được văn bản về việc rà soát nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu của BHXH tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã xem xét, rà soát và xác nhận cho nhiều trường hợp bị bệnh mạn tính đang điều trị tại bệnh viện để người dân hoàn chỉnh hồ sơ nộp cho BHXH tỉnh. Bệnh viện cũng đã dán danh mục 53 bệnh mạn tính cần điều trị dài ngày tại bệnh viện tuyến tỉnh theo Văn bản số 1456 của Sở Y tế tại phòng thu hộ BHYT trong bệnh viện để bệnh nhân đối chiếu và xin giấy xác nhận của bệnh viện.

Đến ngày 2-4, khi bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện, nhân viên của bệnh viện kiểm tra thẻ BHYT của bệnh nhân trên hệ thống thì thấy có rất nhiều trường hợp thẻ không còn đăng ký tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Bệnh nhân không biết về sự thay đổi này nên phản ứng rất dữ dội. Họ là những người sử dụng thẻ BHYT hộ gia đình nhưng bị một số bệnh mạn tính, đã và đang điều trị lâu năm tại bệnh viện, đến bệnh viện để khám, điều trị định kỳ. Các nhân viên y tế trong bệnh viện cũng không nắm hết được địa chỉ của các phòng khám, cơ sở y tế mà người dân bị điều chuyển, không thể chỉ chính xác cho bệnh nhân nên họ càng bức xúc. Người dân liên tục gọi vào đường dây nóng của Sở Y tế, của bệnh viện, các khu tiếp nhận trong bệnh viện để phản ảnh vấn đề này.

Theo BS CKII Lê Phương Trâm, việc thay đổi nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu có ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của bệnh viện. Cả nhân viên y tế và người bệnh đều khá mệt mỏi. Những bệnh nhân trước đây có thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai nếu muốn khám bệnh ngoại trú yêu cầu phải đến một phòng khám nào đó để xin giấy chuyển tuyến mới tiếp tục được khám hưởng BHYT. Đối với bệnh nhân điều trị nội trú nhập viện trước ngày 1-4-2021 được xem là đúng tuyến nhưng đến khi ra viện vài ngày sau đó, thẻ BHYT của họ đã chuyển nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu đến một cơ sở y tế khác nên lúc ra viện, họ được xem là trái tuyến. Hiện nay, bệnh viện đã thực hiện thông tuyến tỉnh BHYT điều trị nội trú, người bệnh được hưởng BHYT với 100% mức hưởng nhưng họ sẽ mất đi phần đồng chi trả nếu không có thẻ BHYT đăng ký tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ngoài ra, có những bệnh nhân đang chạy thận tại bệnh viện cũng bị chuyển BHYT đi nơi khác khiến bệnh nhân rất bị động. Bệnh viện đã có văn bản gửi Sở Y tế và BHXH về những trường hợp này.

* Việc phân bổ thẻ nên có sự tham gia của các bệnh viện

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, số thẻ BHYT thuộc diện hộ gia đình tại bệnh viện chiếm khoảng 70% tổng số thẻ BHYT đăng ký ban đầu. Việc người dân đăng ký nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh chưa phù hợp không phải lỗi của các bệnh viện mà do các đại lý thu BHXH.

“Chúng tôi đồng ý với việc điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu theo đúng quy định tại Thông tư 40 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi thay đổi, phía cơ quan BHXH phải thông báo rộng rãi  để tránh bị động cho người dân. Những đại lý bán thẻ BHYT cũng cần phải được tập huấn kỹ về Thông tư 40, nắm rõ những đối tượng nào được mua BHYT ở bệnh viện tuyến tỉnh để thực hiện cho chính xác ngay từ đầu” - BS Dũng nói.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, là bệnh viện công lập hạng 1 tuyến tỉnh, bệnh viện có đầy đủ các chuyên khoa, cơ sở vật chất, máy móc, nhân lực để phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Nếu số thẻ BHYT được phân bổ chưa đủ, bệnh viện sẽ kiến nghị để lãnh đạo Sở Y tế và BHXH tỉnh điều chỉnh. Bởi số lượng thẻ BHYT thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện. Đó là không sử dụng hết công suất của cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, nhân lực, gây lãng phí. Ngoài ra, bệnh viện hiện đang là đơn vị tự chủ chi thường xuyên, lương của cán bộ, nhân viên bệnh viện không còn phụ thuộc vào Nhà nước mà phụ thuộc vào nguồn thu của bệnh viện. Số thẻ BHYT thấp dẫn đến lượng bệnh nhân giảm, nguồn thu viện phí thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của nhân viên.

“Chúng tôi cho rằng, cần thiết phải tổ chức một cuộc họp giữa BHXH tỉnh, Sở Y tế để thống nhất việc phân bổ thẻ BHYT sao cho hợp lý. Cuộc họp này cần có sự tham gia của 2 bệnh viện tuyến tỉnh để đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân, cho các bệnh viện, không để xảy ra việc lạm dụng hoặc phân bổ đối tượng sai” - TS-BS Phạm Văn Dũng đề xuất.

Theo Thông tư 40/2015 ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT, căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, những trường hợp được đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ở 2 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất) gồm: những đối tượng thuộc quản lý của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; người có công với cách mạng; người từ 80 tuổi trở lên. Ngoài ra, theo Công văn số 1456 ngày 21-4-2017 của Sở Y tế, những trường hợp mắc một trong số 53 bệnh cần điều trị dài ngày ở tuyến tỉnh trở lên cũng được đăng ký thẻ BHYT tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh.

An Yên

Tin xem nhiều