Giao thông là "điểm nghẽn" nghiêm trọng của vùng Đông Nam bộ là nhận xét chung của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các địa phương trong vùng... tại các diễn đàn, hội thảo trong nhiều năm vừa qua. "Điểm nghẽn" này được xác định trên cả 3 tuyến: đường bộ, hàng không và đường biển. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới có 91km, chỉ chiếm khoảng 11% đường cao tốc cả nước.
Giao thông là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của vùng Đông Nam bộ là nhận xét chung của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các địa phương trong vùng... tại các diễn đàn, hội thảo trong nhiều năm vừa qua. “Điểm nghẽn” này được xác định trên cả 3 tuyến: đường bộ, hàng không và đường biển. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới có 91km, chỉ chiếm khoảng 11% đường cao tốc cả nước. Đi sâu vào “điểm nghẽn” này, có thể nhìn nhận rõ những vấn đề khác về giao thông như: vai trò là trung chuyển quốc tế nhưng sân bay Tân Sơn Nhất quá tải; hệ thống cảng biển thiếu đồng bộ, manh mún, thiếu kết nối với đường bộ, đường sắt; hệ thống đường quốc lộ trong vùng chưa đáp ứng nhu cầu, thường xuyên quá tải, xuống cấp… dẫn đến vùng Đông Nam bộ luôn được nhắc đến trên các diễn đàn “gỡ khó” về kết nối giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội xứng với tiềm năng sẵn có.
Vùng Đông Nam bộ có hạt nhân là TP.HCM, lâu nay vẫn được xem là một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục quan trọng nhất của Việt Nam với vai trò đầu tàu kinh tế, tỷ lệ đóng góp của vùng chiếm khoảng 34% GDP cả nước và các địa phương trong vùng như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thường xuyên dẫn đầu về đóng góp hằng năm cho ngân sách.
Theo đánh giá, tiềm năng và dư địa phát triển của vùng Đông Nam bộ còn rất lớn nếu những vướng mắc về hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng sớm được khơi thông. Vùng còn là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics lớn nhất của cả nước, đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Hiện nay, tổng khối lượng hành khách vận chuyển trong vùng khoảng 1.258 triệu lượt, vận chuyển hàng hóa đạt 860,7 triệu tấn.
Và thực tế mà vùng Đông Nam bộ đang đối mặt là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quá tải, thiếu kết nối đồng bộ trong khi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đạt được khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong vùng.
Do đó, việc nghiên cứu đề xuất các dự án, tập trung huy động nguồn lực thực hiện nhằm tăng cường kết nối giao thông của vùng là hết sức quan trọng và cấp thiết để tạo ra sự kết nối đa phương thức, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, cơ hội mới, động lực mới cho tăng trưởng, không chỉ cho riêng các địa phương trong vùng mà còn tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các vùng và địa phương lân cận.
Vi Lâm