Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng cháy ngay từ cơ sở

09:03, 12/03/2021

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng và ý thức của người dân, doanh nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ngày càng nâng cao nên trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh cả về số vụ cháy và thiệt hại do cháy.

Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành chức năng và ý thức của người dân, doanh nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ngày càng nâng cao nên trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh cả về số vụ cháy và thiệt hại do cháy.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, mới vào giai đoạn đầu mùa khô nhưng số vụ cháy trên địa bàn tỉnh đã tăng cao so với cùng kỳ năm 2020. Các vụ cháy chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư. Trong khi đó, số cơ sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư tại Đồng Nai rất lớn, với nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm dễ cháy như: gỗ, sơn, nhựa tái chế, phế liệu... Đây là thực trạng cần quan tâm trong công tác PCCC năm 2021, nhất là khi thời tiết đang bước vào cao điểm mùa khô, dự báo sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng diện rộng, kéo dài, nguy cơ cháy, nổ rất cao.

Thực tế, trong thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh cũng chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn PCCC của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư nhưng việc xử phạt vẫn còn hạn chế, chủ yếu chỉ nhắc nhở chủ các cơ sở khắc phục tồn tại trong công tác đảm bảo an toàn PCCC. Một trong những nguyên nhân là có sự “thông cảm” với tình hình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở này đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngoài ra, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên công tác kiểm tra và hậu kiểm của ngành chức năng đối với các doanh nghiệp, trong đó có cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư cũng hạn chế. Chính vì vậy, không ít chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn chủ quan, lơ là, chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế ngành chức năng đã chỉ ra trong công tác PCCC. Đến khi có cháy, nổ xảy ra, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh không kịp trở tay dẫn đến thiệt hại nặng nề cho chính mình, có trường hợp còn ảnh hưởng đến các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh lân cận.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến an toàn PCCC sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ dân trên địa bàn, thì ngành chức năng cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về an toàn PCCC, đặc biệt là cần chú trọng công tác hậu kiểm và xử lý mạnh tay với các trường hợp tái phạm.

Song song đó, chính quyền các địa phương cần phát huy vai trò trong quản lý  PCCC đối với các cơ sở nhỏ, lẻ (nhà trọ dưới 1 ngàn m3 và các hộ vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh có diện tích dưới 300m2) theo tinh thần của Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Theo đó, công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về an toàn PCCC phải thực hiện nghiêm từ cơ sở. Có như vậy mới sớm phát hiện những “lỗ hổng” trong công tác PCCC để yêu cầu cơ sở có giải pháp khắc phục; tránh được nguy cơ cháy, nổ, vì khi có cháy, nổ xảy ra hậu quả sẽ khó lường, ảnh hưởng lớn đến tính mạng, tài sản cũng như môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.     

Đặng Ngọc

Tin xem nhiều