Lâu nay, hai địa phương phía Bắc của Đồng Nai là H.Tân Phú và H.Định Quán được "mặc định" là những địa phương vùng xa và có những khó khăn, thách thức khá đặc thù (so với các địa phương khác trong tỉnh) về phát triển kinh tế - xã hội.
Lâu nay, hai địa phương phía Bắc của Đồng Nai là H.Tân Phú và H.Định Quán được “mặc định” là những địa phương vùng xa và có những khó khăn, thách thức khá đặc thù (so với các địa phương khác trong tỉnh) về phát triển kinh tế - xã hội. Những khó khăn có thể “điểm mặt” như: giao thông chưa thuận lợi, dân cư chủ yếu làm nông nghiệp theo quy mô nhỏ với thu nhập bấp bênh, xa các trung tâm kinh tế lớn… Chính vì vậy, nhiều năm qua, tỉnh đã dành nhiều ưu tiên về chính sách, ngân sách đầu tư nhằm thúc đẩy hai địa phương này phát triển mạnh mẽ hơn.
Đơn cử, cách đây nhiều năm, tỉnh đã cho thành lập 2 khu công nghiệp ở 2 huyện Tân Phú và Định Quán với nhiều chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư: giá thuê đất rẻ, thủ tục được đơn giản hóa… nhằm mời gọi doanh nghiệp về đầu tư dự án, góp phần tạo sức bật cho phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, phải mất một thời gian khá dài, 2 khu công nghiệp vùng xa nói trên mới thu hút được nhiều dự án bởi doanh nghiệp vẫn ngại ngần khi hạ tầng kết nối giao thông từ hai địa phương vùng xa này đến các trung tâm kinh tế lớn chưa tiện lợi và thông thoáng. Nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu rồi lại “lặng lẽ” ra đi vì 2 khu công nghiệp này quá xa trung tâm, khó vận chuyển hàng hóa đến sân bay, cảng biển hoặc các đầu mối trung chuyển lớn. Chỉ đến khi quốc lộ 20 được nâng cấp và mở rộng, việc thu hút đầu tư mới thuận lợi hơn.
Song, bên cạnh những khó khăn, cũng không thể phủ nhận, hai địa phương vùng xa phía Bắc Đồng Nai này “sở hữu” những lợi thế rất lớn. Đó là lợi thế về du lịch sinh thái; về phát triển nông nghiệp công nghệ cao đi kèm với chế biến nông sản - thực phẩm. Những địa danh nổi tiếng lâu nay về du lịch như Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu du lịch Suối Mơ, thác Hòa Bình, hồ Đa Tôn (H.Tân Phú); Thác Mai - Bàu nước nóng, thác Trời, thác Ba Giọt, danh thắng Đá Chồng, quần thể Hang Dơi cùng một số đảo trên hồ Trị An (H.Định Quán)… dự kiến sẽ là những điểm du lịch thu hút khách thập phương, nhất là khi nằm trên cung đường đi TP.Đà Lạt (Lâm Đồng). Về nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến nông sản - thực phẩm và phát triển những dịch vụ kèm theo, hai địa phương trên cũng được cho là sẽ phát huy lợi thế trong tương lai khi hạ tầng giao thông được cải thiện mạnh mẽ và mang tính kết nối liên vùng.
Như vậy, để hai địa phương vùng xa của Đồng Nai là H.Tân Phú và H.Định Quán phát triển nhanh, hiện đại, đồng bộ thì phát triển mạng lưới giao thông là chiến lược quan trọng. Sắp tới, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, các tuyến đường tỉnh kết nối 2 huyện nói trên với nhiều địa phương khác được triển khai sẽ hình thành trục giao thông kết nối với nhiều vùng, địa phương khác, từ đó giúp khai thác thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của 2 huyện vùng xa lâu nay vốn “mang tiếng” là chậm phát triển hơn so với nhiều địa phương khác của Đồng Nai.
Vi Lâm