Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dân mong có chính sách gỡ khó trong cấp sổ hồng

04:03, 08/03/2021

Đồng Nai có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về đất ở ngày một tăng. Do đó, tỉnh đã tăng quy hoạch diện tích đất ở để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, nhiều người dân mong có chính sách hỗ trợ để họ có thể chuyển mục đích sử dụng đất,...

Đồng Nai có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu về đất ở của người dân ngày một tăng. Do đó, tỉnh tăng quy hoạch diện tích đất ở để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, nhiều người dân mong có chính sách hỗ trợ để họ có thể chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở hợp pháp trên diện tích đất của mình.

Theo Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, tuyến đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) có đoạn giá đất lên đến 20 triệu đồng/m2
Theo Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, tuyến đường Nguyễn Ái Quốc (TP.Biên Hòa) có đoạn giá đất lên đến 20 triệu đồng/m2. Ảnh: H.GIANG

Theo Sở TN-MT, hiện diện tích đất ở trên địa bàn tỉnh khoảng 19.423ha, chiếm gần 16% trong tổng diện tích đất phi nông nghiệp. Trong đó, đất ở khu vực nông thôn là 12.910ha, đất ở đô thị 6.513ha. Diện tích đất ở của tỉnh so với năm 2014 đã tăng hơn 2 ngàn ha, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Vì thế, tỉnh đã quy hoạch thêm gần 9,2 ngàn ha đất ở cho những năm tới.

* Mong tiếp tục được ghi nợ tiền sử dụng đất

Hiện nay, trong Bảng giá đất của tỉnh quy định khu vực đô thị có 510 tuyến đường chia thành 715 đoạn để tính giá đất khi chuyển mục đích sử dụng, cho thuê, tính hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng... Khu vực đất ở nông thôn có 543 tuyến đường, chia thành 1.008 đoạn. Đất khi chuyển mục đích sử dụng sẽ tính theo 4 vị trí, cao nhất là vị trí 1 và thấp nhất là vị trí 4.

Đầu năm 2021, khi vào làm việc với Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cũng cho rằng, hiện nay, có những chính sách quy định đất đai đã không còn phù hợp cần sớm điều chỉnh. Bộ TN-MT ghi nhận những khó khăn liên quan đến chính sách về đất đai của Đồng Nai kiến nghị Chính phủ có biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Đất ở khu vực đô thị nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh từ vài triệu đồng/m2 đến hơn 20 triệu đồng/m2. Căn cứ giá đất trên, hộ gia đình, cá nhân khi chuyển đất nông nghiệp sang đất ở có thể phải đóng hơn 2 tỷ đồng/100m2 đất. Với số tiền trên sẽ là khó khăn chung cho nhiều hộ gia đình, cá nhân khi muốn chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư để làm nhà ở. Do đó, nhiều người dân mong Chính phủ tiếp tục có chính sách ghi nợ tiền sử dụng đất để người dân có khả năng thanh toán, hợp thức hóa, xây dựng nhà ở theo đúng quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Thị Hoa, TT.Hiệp Phước (H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Theo quy hoạch, khu đất của gia đình tôi được chuyển thành đất ở, nhưng khi tôi đến Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh H.Nhơn Trạch hỏi thủ tục và số tiền phải nộp thấy lên đến hơn 600 triệu đồng nên đành phải thôi. Vì vợ chồng tôi đều làm công nhân, kiếm đâu ra số tiền lớn như vậy để chuyển mục đích sử dụng đất. Giá như Nhà nước có chính sách cho ghi nợ như những năm trước, gia đình tôi cố gắng chuyển đổi để xin cấp phép xây dựng nhà ở”.

Trường hợp như gia đình bà Hoa không hiếm tại các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh. Có những người dân khi làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng), thấy số tiền phải đóng quá lớn, không có khả năng trả được đã xin hủy sổ hồng để tránh bị bên thuế phạt tiền nộp chậm.

Ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh H.Nhơn Trạch cho biết: “Hiện nay, giá đất H.Nhơn Trạch tăng khá cao, nhiều hộ dân, cá nhân gặp khó khăn khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Do đó, nếu Chính phủ có chính sách cho ghi nợ để người dân nhận sổ hồng sẽ tạo điều kiện cho người dân hợp thức hóa thửa đất để xây dựng nhà ở, việc cấp  sổ hồng cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ thu được một khoản lớn cho ngân sách”. Ngoài ra, việc cấp sổ hồng được nhiều sẽ giảm được tình trạng xây dựng trái phép ở các địa phương.

* Dựa vào khung giá đất của Chính phủ

Không chỉ hộ gia đình, cá nhân bất ngờ với Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 của tỉnh tăng cao mà các doanh nghiệp khi có nhu cầu chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh cũng “than thở” giá đất tại Đồng Nai tăng quá cao, khiến cho các dự án bị đội vốn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, nhất là trong khoảng hơn 1 năm qua, sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.

TP.Biên Hòa là nơi còn nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất người dân chưa nhận vì nghĩa vụ tài chính cao
TP.Biên Hòa là nơi còn nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất người dân chưa nhận vì nghĩa vụ tài chính cao

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT cho rằng, Bảng giá đất của Đồng Nai giai đoạn 2020-2024 tăng cao kéo theo tiền chuyển mục đích sử dụng đất tăng nhiều lần là do căn cứ vào Khung giá của Chính phủ để xây dựng. Quy định của Chính phủ xây dựng giá đất gần với giá thị trường, hơn 3 năm trở lại đây, giá đất chuyển nhượng ngoài thị trường tại Đồng Nai tăng khá cao nên tỉnh buộc điều chỉnh bảng giá đất tăng. “Bảng giá đất giai đoạn 2020-2024, những hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở cho là quá cao và nhiều hộ gặp khó khăn vì không đủ điều kiện để thanh toán nghĩa vụ tài chính. Nhưng những hộ bị thu hồi đất cho các dự án lại cho rằng giá đất của tỉnh vẫn còn thấp, vì căn cứ vào bảng giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ. Đây là mâu thuẫn trong thời gian qua tỉnh chưa tháo gỡ được vì liên quan đến quy định trong luật, nghị định về đất đai”- Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho biết.

Địa phương có giá đất tăng cao trong giai đoạn 2020-2024 là TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom, TP.Long Khánh. Đặc biệt là những khu vực có những tuyến đường được mở mới hoặc nâng cấp, mở rộng.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh TP.Biên Hòa cho hay: “Hiện nay, TP.Biên Hòa còn khoảng 1,3 ngàn sổ hồng người dân chưa nhận là do số tiền phải nộp khá lớn. Những sổ này không ghi nợ nên khi người dân muốn lấy sổ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính và giá đất tính tại thời điểm nhận sổ nên có thể tăng gấp nhiều lần. Như vậy những hộ gia đình, cá nhân điều kiện khó khăn sẽ rất khó đủ khả năng đóng nghĩa vụ tài chính để nhận sổ”. Cũng theo ông Tuấn, nhiều người dân phản ánh tiền chuyển mục đích sử dụng sang đất ở cao, nhưng thành phố chỉ ghi nhận. Vì thuế đất đều phải căn cứ vào Luật đất đai, Nghị định của Chính phủ để thực hiện.

Theo quy định của Chính phủ, tiền chuyển mục đích sử dụng đất tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành, nhân với hệ số giá đất từng năm. Hệ số giá đất mỗi năm đều tăng, nên sổ hồng người dân càng để lâu không nhận thì thuế phải đóng sẽ tăng theo từng năm. Với những gia đình có thu nhập trung bình, muốn chuyển từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư để xây dựng nhà ở sẽ đóng từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/100m2 sẽ là gánh nặng không phải gia đình nào cũng đủ tiềm lực để thực hiện. Do đó, nhiều hộ gia đình chấp nhận không lấy sổ hồng vì không đủ tiền để đóng. Với hệ số giá đất tăng từng năm, các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh sẽ “từ chối” nhận sổ hồng thửa đất của mình nhiều hơn.

Hương Giang

Tin xem nhiều