Trước những tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng dịch vụ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch Covid-19 và chủ động trong trạng thái bình thường mới.
Trước những tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phương án phòng, chống dịch Covid-19 và chủ động trong trạng thái bình thường mới.
Đồ họa thể hiện tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong quý I-2021 (Nguồn: Cục Thống kê Đồng Nai - Đồ họa: Hải Quân) |
* Chủ động thích nghi
Các đợt dịch Covid-19 bùng phát, nhất là đợt bùng phát dịch trước Tết Nguyên đán vừa qua đã gây tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, nhất là các dịch vụ về ăn uống, du lịch, vận tải, giải trí... Nhiều chuỗi cửa hàng đã dần thích nghi, chủ động hơn trước những biến động của đại dịch.
Ông Đỗ Ngọc Tuấn, giám sát rạp phim CGV Biên Hòa cho hay: “Để khuyến khích lượng khách đến rạp trở lại, CGV thường xuyên có những chương trình ưu đãi đặc biệt dành cho học sinh, sinh viên, khách hàng thân thiết. Bên cạnh đó, dù dịch bệnh đã được kiểm soát tốt nhưng rạp vẫn luôn bố trí các banner, bảng hướng dẫn ở khắp sảnh để khách rửa tay sát khuẩn, khuyến khích đeo khẩu trang, đặt vé online, thanh toán không dùng tiền mặt... Mùa phim Tết năm nay bắt đầu muộn nhưng vẫn thắng lớn bởi hiện tại lượng khách đến rạp tăng khoảng 80% so với trước Tết Nguyên đán vừa qua”.
Ông Hà Vũ Bảo Giang, Giám đốc Công ty TNHH Nhượng quyền cà phê GT (TP.Biên Hòa) - doanh nghiệp quản lý chuỗi hệ thống Z! Cafe cho hay: “Dù vẫn có những ảnh hưởng nhất định như bị giới hạn lượng khách nhưng sau khi trải qua biến động, chuỗi hệ thống của Z! Cafe đã có những kinh nghiệm ứng phó, thích nghi với tình hình mới so với giai đoạn dịch bùng phát năm ngoái; cũng như chủ động áp dụng những chiến lược kinh doanh riêng tùy theo đặc thù, vị trí của từng cửa hàng. Trong đó, chú trọng các phương án tăng cường kết nối với các ứng dụng giao hàng trực tuyến…
Nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ trong tỉnh cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chủ động thích nghi, có phương án phù hợp trong tình hình mới để tận dụng nhu cầu ăn uống, sử dụng các dịch vụ của người dân tăng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, cũng như đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, chủ động.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, đại diện Trung tâm Thương mại Vincom Biên Hòa chia sẻ, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, bố trí khu vực rửa tay sát khuẩn tại lối vào siêu thị; tiến hành vệ sinh khử khuẩn thường xuyên tại các khu dịch vụ; tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19...
* Doanh thu từ bán lẻ, dịch vụ trên đà hồi phục
Trong thời gian qua, Đồng Nai kiểm soát khá tốt dịch Covid-19 nên nhu cầu đi du lịch, ăn uống và các dịch vụ phục vụ cá nhân, vui chơi giải trí… của người dân tăng. Doanh thu từ hoạt động bán lẻ, dịch vụ trong những tháng đầu năm cũng có nhiều dấu hiệu khởi sắc.
Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, trong quý I-2021 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 49 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nếu loại trừ yếu tố giá tăng khoảng 5,7%.
Theo nhiều đơn vị, cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ: vận tải, quán ăn, nhà hàng, du lịch, rạp chiếu phim… trên địa bàn TP.Biên Hòa, tình hình kinh doanh đã có nhiều khả quan sau khi dịch bệnh được kiểm soát khá tốt ở địa phương. Doanh thu của nhiều cơ sở, đơn vị đã phục hồi khoảng 60-80% so với khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ông Nguyễn Cao Tuấn, quản lý rạp phim Beta Biên Hòa cho biết, trước Tết thị trường phim trên thế giới lẫn trong nước có phần ảm đạm, dịch Covid-19 khiến các rạp phim phải đóng cửa ngay mùa cao điểm Tết. Sau khi các rạp phim được mở cửa trở lại từ đầu tháng 3, những phim Việt như Bố già, Gái già lắm chiêu (phần 5) khi công chiếu trở lại đã “giải tỏa cơn khát” về dịch vụ giải trí của khán giả cũng như tạo nên cú hích quan trọng đối với ngành dịch vụ giải trí.
Hiện tại, trung bình rạp đón từ 2-3 ngàn khách/ngày, cuối tuần có thể lên đến hơn 3,5 ngàn khách, tăng 70-80% so với thời điểm trước Tết. Thị trường dịch vụ sôi động trở lại là điều đáng phấn khởi, nhân sự của rạp có được công việc ổn định.
Ông Nguyễn Xuân Cử, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải đường bộ Phú Cường A (TP.Biên Hòa) cho biết, hiện công ty đang vận hành hơn 80 đầu xe tải. Thời gian qua, hoạt động vận tải ổn định hơn so với trước do dịch bệnh được kiểm soát tốt. Công ty cũng chủ động các phương án cân đối chi phí phát sinh do giá nhiên liệu tăng để đảm bảo không tăng giá đầu ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, giá xăng dầu liên tục tăng trong thời gian qua…
* Đẩy mạnh các hình thức bán hàng trực tuyến
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi khá nhiều thói quen, thị hiếu mua sắm của khách hàng. Trong đó có việc đẩy mạnh các hình thức đặt hàng, thanh toán trực tuyến thông qua các ứng dụng di động, sàn thương mại điện tử, dịch vụ “đi chợ online”…
Sau khi được phép mở cửa trở lại từ đầu tháng 3 vừa qua, các rạp chiếu phim khá đông khách do có nhiều phim Việt thu hút người xem. Trong ảnh: Khách hàng mua vé xem phim tại một rạp chiếu phim ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Hải Quân |
Nắm bắt xu hướng này, nhiều công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... trên địa bàn tỉnh đã mở rộng thêm nhiều hình thức thanh toán như: hỗ trợ thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng, áp dụng các ứng dụng thanh toán tiêu dùng thông qua các ứng dụng tích hợp trong điện thoại thông minh...
Ông Nguyễn Lê Cao Tuấn, Giám đốc Lotte Mart Đồng Nai cho biết, hiện siêu thị vẫn chủ động các phương án đảm bảo lượng hàng hóa từ sau Tết Nguyên đán, cũng như các phương án về phòng, chống dịch Covid-19, các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng. Trong đó, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh các loại hình mua sắm thông qua các kênh trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại...
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ thêm, trong bối cảnh “bình thường mới” như hiện nay, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống tại trung tâm thương mại, đơn vị đảm bảo thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định, đồng thời tăng cường hình thức giao hàng tại nhà, mua đem về…
Chị Xuân Hương (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Thời gian gần đây, gia đình thường xuyên lựa chọn các hình thức mua sắm online, đặt hàng qua mạng, đặt đồ ăn qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Điều này vừa giúp tiết kiệm thời gian, tránh cập rập, vừa nhận được nhiều mã ưu đãi, khuyến mãi. Hơn thế nữa, việc mua sắm online cũng hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong giai đoạn dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay”.
Hải Quân