Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó khăn khi thực hiện nghĩa vụ tài chính

04:03, 08/03/2021

Từ năm 2020 đến nay, theo Bảng giá đất mới của UBND tỉnh, người dân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở phải đóng thuế khá cao, tăng từ 2-10 lần so với giai đoạn 2015-2019.

Từ năm 2020 đến nay, theo Bảng giá đất mới của UBND tỉnh giai đoạn 2020-2024, người dân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở phải đóng thuế khá cao, tăng từ 2-10 lần so với giai đoạn 2015-2019. Với mức thuế tăng cao, không còn chính sách cho ghi nợ tiền thuế sử dụng đất, nhiều hộ không đủ khả năng chuyển mục đích sử dụng đất.

Chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở là gánh nặng của nhiều hộ gia đình cá nhân. Ảnh minh họa: Đất sản xuất nông nghiệp tại H.Nhơn Trạch chuyển sang đất ở đóng thuế khá cao. Ảnh: K.MINH
Chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở là gánh nặng của nhiều hộ gia đình cá nhân. Ảnh minh họa: Đất sản xuất nông nghiệp tại H.Nhơn Trạch chuyển sang đất ở đóng thuế khá cao. Ảnh: K.MINH

Đồng Nai có hơn 3 triệu dân sinh sống, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở khá cao. Tuy nhiên với giá đất hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã “từ chối” nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) vì số tiền phải nộp từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

* Vay nợ để nhận sổ hồng

Theo Nghị định 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ, các hộ gia đình, cá nhân có ghi nợ tiền sử dụng đất trước ngày 1-3-2016, sẽ phải thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp sổ hồng đến hết ngày 28-2-2021. Kể từ ngày 1-3-2021 trở về sau thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ. Với giá đất năm 2021, số tiền hộ gia đình, cá nhân ghi nợ trước ngày 1-3-2016, có thể đóng tăng gấp nhiều lần.

Đối với hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ tiền sử dụng đất từ ngày 1-3-2016 đến trước ngày Nghị định 79/2019/NĐ-CP có hiệu lực thì tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận đã được xác định theo đúng quy định tại Nghị định số 45/2014/NĐ-CP trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất. Quá thời hạn 5 năm kể từ ngày ghi nợ tiền sử dụng đất, thì hộ gia đình, cá nhân phải thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Đầu năm 2016, gia đình tôi chuyển khoảng 110m2 đất lên thổ cư phải nộp khoảng 350 triệu đồng. Vì không có đủ tiền đóng thuế nên tôi phải ghi nợ. Vào tháng 1-2021, tôi nhận được thông báo nếu không thanh toán số tiền nợ trên trong tháng 2-2021, khi lấy sổ hồng sẽ tính theo giá đất thời điểm hiện tại, có thể lên đến hơn 1 tỷ đồng. Do đó, tôi phải vay mượn nhiều nơi để nhận sổ về”.

Tại Đồng Nai, có hàng ngàn hộ gia đình, cá nhân rơi vào tình cảnh như gia đình ông Minh là phải dốc hết tiền tích lũy trong gia đình và vay mượn tiền nhiều nơi để nhận sổ hồng về. Theo Văn bản số 1761/STNMT-CCQLĐĐ vào ngày 18-3-2020, trên địa bàn tỉnh có gần 8,6 ngàn hồ sơ ghi nợ nghĩa vụ tài chính với số tiền gần 1,5 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tập trung ở khu vực TP.Biên Hòa khoảng 3,3 ngàn hồ sơ, H.Định Quán gần 1,5 ngàn hồ sơ, TP.Long Khánh hơn 1,1 ngàn hồ sơ, H.Vĩnh Cửu 822 hồ sơ, H.Cẩm Mỹ gần 779 hồ sơ...

Vào ngày 24-12-2020, Phó cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai Nguyễn Toàn Thắng đã ký Văn bản số 13153/CT-QLHKDCN về việc đôn đốc thu tiền sử dụng đất ghi nợ nghĩa vụ tài chính gửi chi cục thuế các khu vực và Chi cục Thuế H.Xuân Lộc theo Nghị định 79/2019/NĐ-CP. Khi nhận được thông báo trên các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh có ghi nợ tiền sử dụng đất đã phải đôn đáo để lo tiền nhận sổ hồng.

Theo tổng hợp của Cục Thuế Đồng Nai, đến đầu tháng 3-2021, trên địa bàn tỉnh chỉ còn hơn 150 sổ hồng ghi nợ trước ngày 1-3-2016 và số tiền nợ bình quân từ 250-300 triệu đồng/sổ hồng. Những sổ hồng này khi người dân nhận sẽ tính tiền sử dụng đất theo giá đất thời điểm hiện tại và số tiền có thể tăng từ 2-10 lần so với số ghi nợ trước đây. Theo đó, có những sổ hồng nếu lấy trước ngày 1-3-2021 số tiền hơn 300 triệu đồng, nhưng để sau ngày 1-3-2021, số tiền tăng lên 1-1,5 tỷ đồng tùy theo từng vị trí, tuyến đường.    

* Những “điểm nghẽn” trong cấp sổ hồng

Trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn một số bất cập liên quan đến chính sách, người dân mong muốn Quốc hội, Chính phủ kịp thời điều chỉnh và tháo gỡ. Cụ thể, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt theo yêu cầu của Nhà nước. Thế nhưng, khi ra giấy, người dân muốn nhận giấy phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính. Nhiều hộ dân, cá nhân nhận được thông báo của ngành thuế thấy số tiền phải nộp khá lớn đã không nhận sổ hồng. Tuy nhiên, theo quy định của ngành Thuế, quá thời hạn quy định không nộp đủ số tiền để nhận sổ hồng sẽ bị phạt và mức phạt tính theo từng ngày tương đối cao. Một vài năm sau, khi có đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ tài chính để nhận sổ hồng, người dân mới phát hiện khoản tiền phạt chậm nộp thuế của mình lên đến vài trăm triệu đồng. Việc này khiến nhiều người dân trong tỉnh, đặc biệt ở TP.Biên Hòa khá bức xúc vì cho rằng, họ chưa có nhu cầu làm sổ hồng, nhưng do Nhà nước yêu cầu làm đồng loạt và khi họ chưa có đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính để nhận sổ lại bị phạt là không thỏa đáng.

Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó giám đốc Sở TN-MT đánh giá: “Một số chính sách về đất đai, trong đó có chuyển mục đích sử dụng đất, cấp sổ hồng cho người dân còn những bất cập. Do đó, trong dự án Luật Đất đai sửa đổi tới đây, tỉnh sẽ kiến nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội thay đổi, điều chỉnh một số quy định cho phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền lợi về đất đai của mình”.

Khánh Minh

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích