Báo Đồng Nai điện tử
En

Đừng để 'khoảng trống' trong quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản

08:03, 26/03/2021

Theo thống kê của UBND tỉnh, trong gần 500 vụ vi phạm trên lĩnh vực môi trường xảy ra năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 thì vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản chiếm hơn 60%. Đây là vấn đề các ngành chức năng cần quan tâm có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác ngăn ngừa tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Theo thống kê của UBND tỉnh, trong gần 500 vụ vi phạm trên lĩnh vực môi trường xảy ra năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 thì vi phạm về khai thác tài nguyên, khoáng sản chiếm hơn 60%. Đây là vấn đề các ngành chức năng cần quan tâm có giải pháp quyết liệt hơn nữa trong công tác ngăn ngừa tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Nhất là trong bối cảnh hiện nay nhu cầu sử dụng đất, cát trong xây dựng rất lớn.

Lợi dụng nhu cầu sử dụng tài nguyên, khoáng sản cho xây dựng tăng nhưng nguồn cung hạn chế; các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên, khoáng sản còn không ít kẽ hở nên nhiều đối tượng đã “lách luật” khai thác đất, cát dưới danh  ghĩa cải tạo mặt bằng, nạo vét dòng chảy nhằm thu lợi bất chính, gây thất thoát nguồn tài nguyên, khoáng sản, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, gây bức xúc cho người dân.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại Đồng Nai vẫn còn xảy ra dù các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp xử lý.

Hiện nay, Luật Khoáng sản năm 2010 quy định, việc cấp phép thuộc chính quyền địa phương và quản lý của ngành TN-MT, nhưng việc kiểm soát hoạt động kinh doanh, mua bán tại các bãi, bến thủy nội địa lại giao cho ngành GT-VT thực hiện. Lợi dụng quy định này, đã có đối tượng “núp bóng” bến thủy nội địa để chứa chấp, tiêu thụ khoáng sản trái phép và hợp thức hóa “hàng hóa” bằng cách mua hóa đơn khống từ các tỉnh khác để đối phó. Trong khi, để xác minh, xử lý hành vi vi  phạm này không phải dễ vì vừa mất nhiều thời gian vừa cần sự phối hợp của nhiều ngành, địa phương.

Rõ ràng, “khoảng trống” trách nhiệm lộ rõ khi có sự chồng chéo giữa các bên trong quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản. Vì vậy, Nhà nước cần thống nhất thẩm quyền cấp phép và quản lý tài nguyên, khoáng sản giống quy định của Luật  Khoáng sản năm 2010 là giao cho chính quyền địa phương và ngành TM-MT.

Đồng Nai có nhiều nguồn tài nguyên, khoáng sản lớn, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản diễn ra sôi động. Thời gian tới, nhu cầu khai thác tài nguyên, khoáng sản phục vụ xây dựng cơ bản, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội ngày càng gia tăng.

Đặc biệt, Thủ tướng cho phép tỉnh chủ động đề xuất, bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản tạo điều kiện cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án trọng điểm quốc gia. Vì vậy, câu chuyện ngăn chặn khai thác, mua bán  khoáng sản trái phép không chỉ đòi hỏi phải siết chặt quản lý, xử phạt hành chính mà cần xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng lên quan  đến quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản.

Bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp được cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản, ngành chức năng cần phải ngăn chặn các hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép ngay từ “gốc”, lúc mới manh nha. Muốn vậy phải phát huy vai trò của chính quyền cơ sở, tai mắt của nhân dân; lập ra đường dây nóng xử lý thông tin tố giác vi phạm; đặc biệt cần có quy định cụ thể “siết” chặt trách nhiệm của các ngành chức năng, chính quyền địa phương... Từ đó, làm căn cứ xử lý nghiêm người đứng đầu ở những đơn vị, địa phương để tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản diễn biến phức tạp.

Hải Dương

 

 

 

Tin xem nhiều