Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đúng dịp Tết Nguyên đán 2021 khiến nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) trên địa bàn Đồng Nai thêm kiệt quệ. Khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn...
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đúng dịp Tết Nguyên đán 2021 khiến nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) trên địa bàn Đồng Nai thêm kiệt quệ. Khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Doanh thu ít khiến DNVT rơi vào cảnh càng chạy càng lỗ nếu không có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Đồ họa thể hiện thông tin sụt giảm nghiêm trọng trong vận tải hành khách và vận tải hàng hóa năm 2020 so với năm 2019. (Thông tin: Sở GT-VT - Đồ họa: Dương Ngọc) |
[links()]Trong bối cảnh DNVT đang gặp khó khăn thì hoạt động vận tải hành khách là lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất.
* Kinh doanh thất thu mùa cao điểm
Trải qua 1 năm kinh doanh chật vật, ông Nguyễn Văn Tài, chủ một DNVT ở H.Nhơn Trạch cho biết, năm 2020 dịch Covid-19 bùng phát vào khoảng tháng 3 là thời điểm sau Tết Nguyên đán, ít nhất doanh nghiệp cũng đã có doanh thu vào dịp Tết. Năm 2021, dịch bùng phát đúng thời điểm trước Tết đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của công ty, doanh thu giảm 60-70%.
Ông Tài chia sẻ, tuyến vận tải khách liên tỉnh của doanh nghiệp đang có 10 xe khách đường dài chạy các tỉnh phía Bắc, 5 xe vận chuyển khách từ Đồng Nai đi miền Tây Nam bộ. Dịp Tết vừa qua, lượng khách đăng ký vé khá đông, các chuyến gần như được lấp kín, nhưng dịch Covid-19 bùng phát ngay cận Tết khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Khách lần lượt trả vé dù đã đặt cọc tiền, những khách chưa đi thì hủy chuyến gần hết.
Các bến xe cũng kêu khó vì dịch Covid-19 Không chỉ các DNVT gặp khó khăn mà các bến xe, kho bãi cũng đang phải hứng chịu ảnh hưởng nặng nề do mối quan hệ cộng sinh giữa dịch vụ vận tải và các bến bãi. Trong năm 2020 vừa qua, lượt xe qua bến đạt hơn 600 ngàn lượt, đạt 75% so với năm 2019. Lượt khách qua bến khoảng 14 triệu lượt, đạt gần 60%, thấp hơn rất nhiều so với năm 2019. |
“Có những chuyến xe chỉ có 15 người đi, chi phí bỏ ra rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn chạy vì đã nhận khách từ trước. Tàu hỏa, máy bay có thể dồn chuyến nhưng xe ô tô rất khó vì người đi đến các tỉnh rải rác với thời gian khác nhau. Nhiều xe sau khi chạy ra Bắc buộc phải gửi xe lại không dám quay về vì phải chạy xe không, tốn thêm chi phí” - ông Tài nói.
Nhiều DNVT lớn vốn nhanh nhạy trên thị trường cũng chấp nhận cảnh thất thu nặng nề. Đại diện Công ty CP Xe khách Phương Trang cho hay, doanh nghiệp có hơn 2 ngàn chuyến xe khách hoạt động nhiều tuyến trên cả nước. Dịp Tết cũng là giai đoạn cao điểm trong năm để doanh nghiệp có thể bù đắp doanh thu cho những giai đoạn thấp điểm trong năm.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát vào thời điểm cận Tết rất nhiều khách hàng đặt vé từ trước hủy vé dẫn tới số chuyến giảm mạnh. Không những vậy, trên mỗi chuyến xe lượng khách cũng chỉ còn 40-50% so với cùng kỳ. Với tình trạng dịch bệnh kéo dài, hoạt động du lịch bị đình trệ sẽ khiến công ty thiệt hại rất lớn.
Theo Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở GT-VT), trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị vận tải đã thực hiện hơn 16 ngàn chuyến, vận chuyển gần 350 ngàn lượt hành khách, lượng khách bình quân đạt 20 người/chuyến. Lượng hành khách đi xe buýt giảm đến 50% so với ngày thường và đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong các đợt thực hiện vận chuyển khách dịp Tết Nguyên đán trước đây. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân có tâm lý e ngại di chuyển trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xe buýt giảm mạnh so với trước đây. Trong ảnh: Xe buýt chuẩn bị xuất phát tại Bến xe Biên Hòa với số lượng khách rất ít |
Hiện có 2 tuyến xe buýt xin tạm dừng hoạt động do tác động của dịch Covid-19 gồm: tuyến xe buýt số 18 (lộ trình Khu du lịch Vườn Xoài, Đồng Nai đến Khu du lịch Đại Nam, Bình Dương) và tuyến xe buýt 601 (lộ trình Bến xe TP.Biên Hòa, Đồng Nai đến Bến xe Miền Tây, TP.HCM). Ngoài ra, các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh (cả nội tỉnh và liên tỉnh) đã trở lại hoạt động bình thường.
Giám đốc HTX Dịch vụ - vận tải Thống Nhất Nguyễn Xuân Thiện cho biết, dù hoạt động trở lại nhưng tần suất xe chạy đã được giãn cách so với trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, số khách trung bình trên mỗi chuyến xe buýt chỉ lác đác từ 5-7 khách. Doanh thu ít ỏi khiến các xã viên rơi vào cảnh khó khăn. Bởi thực tế đây là các tuyến xe buýt không được trợ giá, nếu khách đi lại ít thì thu sẽ không đủ chi.
* Dự báo sẽ còn nhiều khó khăn
Theo Sở GT-VT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng, sản lượng sụt giảm sâu do hành khách trả lại vé khiến DNVT rất khó khăn. Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, vé xe ô tô do các DNVT đi miền Bắc, miền Trung đăng ký tổ chức bán vé tại Bến xe Đồng Nai, Bến xe Biên Hòa là 850 vé, hành khách đã trả lại 300 vé. Trong số đó, chính thức đi xe chỉ có 550 hành khách, so với cùng kỳ Tết năm 2020, giảm hơn 1,7 ngàn vé (giảm 76%).
Không riêng đường bộ, vận tải đường sắt cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo Ga Biên Hòa, số vé bán ra dịp này thấp so với cùng kỳ (với khoảng 27 ngàn vé); lượng hành khách trả lại vé cũng chiếm tỷ lệ rất cao (tương đương gần 15 ngàn vé). Thực tế thì khách đi lại còn thấp hơn với gần 12.500 người. Điều này khiến doanh thu dịp Tết của ngành Đường sắt chỉ bằng khoảng 30% so với năm ngoái.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán mà trong suốt năm 2020 hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh chịu nhiều ảnh hưởng.
Thống kê của Sở GT-VT cho thấy, năm 2020 lĩnh vực vận tải hành khách đã vận chuyển hơn 35 triệu lượt người, đạt hơn 64% so với kế hoạch. Trong đó, cả vận tải hành khách cố định, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và vận tải hành khách theo hợp đồng đều giảm mạnh. Tương tự, vận tải hàng hóa với khối lượng vận chuyển gần 13 triệu tấn, đạt hơn 86% theo kế hoạch.
Giám đốc Công ty TNHH Quang Phát (TP.Biên Hòa) Bùi Ngọc Quang dự báo, khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Điều mà doanh nghiệp mong mỏi nhất là Bộ GT-VT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét giảm một số loại phí đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa để hỗ trợ các DNVT tồn tại, duy trì hoạt động.
Theo tính toán của ông Quang, giá cước vận chuyển hiện tại vẫn khá cao trong khi các chi phí đều tăng so với trước. Doanh thu mỗi chuyến hàng của đơn vị chỉ đủ trang trải chi phí vận hành, nhân lực… Theo hợp đồng hằng tháng, công ty sẽ phải thanh toán một phần tiền gốc cộng với lãi, doanh nghiệp gặp khó khăn chồng chất khó khăn. Doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn doanh nghiệp lớn, buộc phải giảm bớt phương tiện do nhu cầu ít.
“Khi thu hẹp sản xuất, đơn vị phải giảm lao động bằng cách thực hiện biện pháp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ giãn cách, luân phiên. Dù biết rằng đây là giải pháp không mong muốn vì đối với một doanh nghiệp, người lao động là nguồn lực lớn. Điều đáng lo là nếu người lao động xin nghỉ hẳn, khi vận tải phục hồi sẽ không có nhân lực để sản xuất. Từ đó khó khăn sẽ chồng khó khăn” - ông Quang nói.
Với những khó khăn đang gặp phải, các DNVT đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục trước mắt như: cắt giảm mọi chi phí không cần thiết, nâng cao chất lượng vận tải, điều chỉnh lại luồng tuyến… Từ đó, giúp các doanh nghiệp giữ chân người lao động, giảm bớt các chi phí phát sinh, sớm ổn định hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, ngoài việc các doanh nghiệp tự tìm giải pháp vượt khó phù hợp với tình hình cụ thể của từng đơn vị thì để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn được giãn nợ, lùi thời hạn trả nợ gốc, lãi vay các khoản đầu tư của doanh nghiệp như các gói hỗ trợ mà năm 2020 Chính phủ đã triển khai.
Thanh Hải