Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng thực hiện mục tiêu kép

08:03, 01/03/2021

Được mệnh danh là "xương sống của nền kinh tế", hoạt động ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng xấu đến hầu hết các ngành, từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa đến dịch vụ, lại càng bị đặt dưới nhiều áp lực hơn.

Được mệnh danh là “xương sống của nền kinh tế”, hoạt động ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng xấu đến hầu hết các ngành, từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa đến dịch vụ, lại càng bị đặt dưới nhiều áp lực hơn. Cũng như nhiều ngành khác, hoạt động ngân hàng được Chính phủ giao trách nhiệm vừa phải tăng trưởng tín dụng, vừa phải kiểm soát được chất lượng dòng vốn, đảm bảo dòng vốn đi đúng mục đích, đồng thời lại phải cùng chung tay với Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Mục tiêu kép “vừa tăng trưởng tín dụng vừa kiểm soát tốt dòng vốn” trong năm 2020 và định hướng năm 2021 được ngành Ngân hàng trong tỉnh cụ thể hóa bằng cách thực hiện nghiêm các chính sách về lãi suất và tỷ giá, thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và UBND tỉnh.

Trong số nhiều nhiệm vụ mà Chính phủ đặt ra cho hệ thống ngân hàng thì giai đoạn vừa qua, việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn, duy trì hoạt động, phục hồi và tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn độ vênh khá lớn giữa các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ với tác động thực sự của các chính sách đó đến doanh nghiệp và người lao động. Đơn cử, tháng 5-2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN quy định về việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16 ngàn tỷ đồng với lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm.

Tuy nhiên thực tế, cho đến gần hết năm 2020, việc triển khai chủ trương nói trên vẫn còn rất chậm, số lượng doanh nghiệp được phê duyệt vay gói tín dụng trên để trả lương cho người lao động chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nguyên nhân chung nhất khiến gói tín dụng trên chưa có kết quả giải ngân vốn cho vay là do các quy định, các điều kiện vay vốn theo chương trình này quá khắt khe, đòi hỏi nhiều thời gian, điều kiện và đa số doanh nghiệp không thể đáp ứng. Một số chính sách hỗ trợ khác tuy có “nới tay” hơn nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Song, dù có muốn hỗ trợ, ủng hộ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, các ngân hàng cũng khó lòng “bỏ qua” các bước xét duyệt, các điều kiện cho vay bởi hơn ai hết, họ phải chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chất lượng các khoản vay để không phát sinh nợ xấu. Vậy nên, câu chuyện khơi thông dòng vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp (đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19) không đơn giản, nó đòi hỏi sự chung tay thực sự của cả ngân hàng, doanh nghiệp lẫn Nhà nước trong việc tạo được một môi trường vay và cho vay thông thoáng, minh bạch và kịp thời hơn, nhất là khi doanh nghiệp đang rất cần vốn để vượt qua thách thức.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều