Từ đầu năm 2021 đến nay, số vụ cháy trên địa bàn Đồng Nai đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay đang bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng, hanh khô là điều kiện dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao...
Từ đầu năm 2021 đến nay, số vụ cháy trên địa bàn Đồng Nai đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Hiện nay đang bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng, hanh khô là điều kiện dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao.
Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy dập tắt vụ cháy tại một hộ kinh doanh ở P.Tân Biên, TP.Biên Hòa ngày 16-1. Ảnh: CTV |
[links()]Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều phương án, kế hoạch chủ động phòng ngừa cháy, nổ cao điểm mùa khô, kéo giảm số vụ cháy trong thời gian tới.
* Gia tăng số vụ cháy
Theo Công an tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2021 (tính từ ngày 15-12-2020 đến nay), toàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy (làm 1 người bị thương), tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, chỉ riêng tháng 1-2021 khi mới vào đầu mùa khô, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy, trong đó TP.Biên Hòa có 7 vụ cháy, H.Trảng Bom có 3 vụ cháy...
Đặc biệt, nhiều vụ cháy các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư liên tiếp xảy ra, đe dọa cháy lan trong khu dân cư và các cơ sở sản xuất, kinh doanh lân cận. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có đến 12 vụ cháy xảy tại các công ty, cơ sở kinh doanh, sản xuất.
Cụ thể như vụ cháy cơ sở chế biến gỗ của ông Nguyễn Hữu Khương tại P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) vào chiều 24-12-2020 khiến hơn 500m2 nhà xưởng của cơ sở này bị cháy rụi. Trước đó, vào chiều
27-12-2020, trên địa bàn P.Phước Tân tiếp tục xảy ra cháy tại hộ kinh doanh Nhựt Minh (diện tích đám cháy 280m2). Hay chỉ trong buổi sáng 16-1, tại TP.Biên Hòa xảy ra cháy tại hộ kinh doanh Triệu Vy (P.Tân Biên) và cháy tại kho phế liệu Công ty TNHH Đại Ngọc Dũng (P.Hố Nai)... Các vụ cháy nêu trên đều kéo dài nhiều giờ và phải huy động nhiều đơn vị chữa cháy cùng xử lý mới hạn chế được thiệt hại do cháy lan, cháy lớn.
Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh tổ chức diễn tập chữa cháy phối hợp nhiều lực lượng tại tòa nhà Sonadezi (P.An Bình, TP.Biên Hòa) ngày 24-9-2020. Ảnh: Đăng Tùng |
Theo nhận định của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, hầu hết các vụ cháy trong 3 tháng qua đều ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư (chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất gỗ, kinh doanh phế liệu). Nhiều cơ sở sản xuất được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, kéo theo đó là việc tự ý câu kéo điện, mở rộng khu vực sản xuất, sắp xếp hàng hóa chồng chất nhưng không có biện pháp ngăn cháy. Do đó, khi xảy ra sự cố chập điện hoặc cháy nhỏ dễ dẫn tới cháy lan, cháy lớn, vượt quá sự kiểm soát ban đầu.
Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết: “Các vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu dân cư ngoài nguy cơ dễ cháy lan còn luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy kéo dài, dẫn tới thiệt hại gia tăng nếu không dập tắt đám cháy kịp thời. Lý do của tình trạng này là lượng hàng hóa, vật tư tại các cơ sở luôn chứa nhiều, nguồn tiếp nước chữa cháy tại các khu dân cư lâu đời rất hạn chế do ít các trụ nước được lắp đặt. Bên cạnh đó, lối ra vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, hẹp, các hộ dân vây kín xung quanh nên việc tiếp cận chữa cháy rất khó khăn, mất nhiều thời gian di chuyển”.
Để bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình sản xuất kinh doanh gỗ, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh khuyến cáo các cơ sở cần thường xuyên tổng vệ sinh thiết bị máy móc, nhà xưởng, hệ thống hút bụi để loại trừ khả năng tự cháy và chống cháy lan, bảo dưỡng định kỳ các quạt hút; sắp xếp gỗ phơi ngoài bãi, trong kho gọn gàng với mật độ vừa phải và khoảng cách giữa các đống với nhau vừa đủ lớn để ngăn ngừa cháy lan khi có cháy xảy ra. Đồng thời, phải có kế hoạch tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội PCCC cơ sở, tận dụng tối ưu lực lượng tại chỗ của các phân xưởng; kiểm tra, bổ sung, bảo dưỡng các phương tiện chữa cháy tại chỗ; sẵn sàng cả về lực lượng và phương tiện chữa cháy để sử dụng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
* Nguy cơ cháy, nổ vẫn còn cao
Cùng với những nguy cơ cháy thường xuyên hiện hữu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư, hiện nay, nguy cơ cháy, nổ trong các khu công nghiệp vẫn còn tiềm ẩn.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay chưa xảy ra vụ cháy nào trong các khu công nghiệp (giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2020). Tuy nhiên, không vì vậy mà các doanh nghiệp đang hoạt động được phép lơ là. Do đó, ngay từ đầu tháng 1-2021, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh lập nhiều đoàn kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động các khu công nghiệp trong toàn tỉnh.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số hạn chế trong công tác PCCC trong các khu công nghiệp như: hệ thống điện chưa đảm bảo an toàn PCCC; việc bố trí hàng hóa lấn đường đi, lối thoát hiểm; phương tiện chữa cháy không được bảo dưỡng định kỳ... Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và yêu cầu chủ các doanh nghiệp có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, chấp hành đúng các quy định về an toàn PCCC.
Công an TP.Biên Hòa kiểm tra an toàn phòng cháy tại chung cư Nguyễn Ái Quốc (P.Quang Vinh). Ảnh: Đ.Tùng |
Vào cao điểm mùa khô, tại Đồng Nai còn đối diện với nguy cơ cháy rừng rất cao. Tại các địa phương có diện tích rừng lớn như: H.Vĩnh Cửu (Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai) và H.Xuân Lộc (rừng đặc dụng núi Chứa Chan) luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy từ việc người dân, du khách sử dụng nguồn nhiệt nhưng thiếu kiểm soát như: đốt rẫy khu vực gần rừng, hút thuốc...
Trước nguy cơ trên, để chủ động phòng, chống cháy rừng, theo lãnh đạo Công an H.Xuân Lộc, từ đầu năm 2021 đến nay, Ban chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ H.Xuân Lộc thường xuyên tổ chức kiểm tra việc bảo vệ và phòng, chống cháy rừng tại các địa phương trong huyện. Trong đó, tập trung thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong PCCC (phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ) bằng cách nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng phương án chữa cháy và tổ chức các lực lượng tuần tra, ứng trực PCCC rừng.
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc phụ trách Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho biết, bước vào cao điểm mùa khô nguy cơ cháy rừng rất cao, đe dọa đến sự bảo tồn đa dạng sinh học rừng. Hiện nay, diện tích rừng và đất lâm nghiệp khu bảo tồn quản lý rất lớn, lên đến trên 100 ngàn ha, trải dài gần 120km, tiếp giáp với nhiều địa phương, khu dân cư sinh sống nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy rừng như: nấu nướng, hút thuốc, đốt dọn vườn rẫy thiếu kiểm soát dễ dẫn đến nguy cơ cháy lan, cháy lớn... Đó là những khó khăn chính trong công tác phòng, chống cháy rừng vào mùa khô, khi nắng nóng ngày càng khắc nghiệt.
Theo Sở NN-PTNT, trong những năm qua, Đồng Nai rất quan tâm đến công tác phòng, chống cháy rừng bằng nhiều biện pháp nhằm hạn chế và không để xảy ra thiệt hại do cháy rừng. Cụ thể như: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng cho người dân; xây dựng các tổ bảo vệ rừng cơ sở; củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống cháy rừng ở 3 cấp tỉnh, huyện, xã; tổ chức theo dõi, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức diễn tập phòng, chống cháy rừng theo quy mô cấp huyện nhằm nâng cao khả năng chỉ huy và phối hợp giữa các lực lượng tham gia chữa cháy.
Để đảm bảo an toàn PCCC mùa khô, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an khuyến cáo, các địa phương, cơ sở cần tiếp tục duy trì PCCC tại chỗ kết hợp với tuyên truyền kiến thức về PCCC. Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh (không phụ thuộc quy mô) cần thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện, khắc phục kịp thời nguy cơ cháy. Với các cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư cần phải có lực lượng tuần tra, bảo vệ, nhất là ban đêm, ngày nghỉ để kịp thời phát hiện và dập tắt các đám cháy khi vừa phát sinh. |
Đăng Tùng