Bố trí, quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật lâu nay là vấn đề được chính quyền địa phương các cấp quan tâm. Sự "linh hoạt" mang tính "truyền thống" của hoạt động này trong nhiều năm qua đã làm chính quyền vất vả không ít khi muốn đưa hoạt động này vào khuôn khổ quản lý nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh thịt động vật.
Bố trí, quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật lâu nay là vấn đề được chính quyền địa phương các cấp quan tâm. Sự “linh hoạt” mang tính “truyền thống” của hoạt động này trong nhiều năm qua đã làm chính quyền vất vả không ít khi muốn đưa hoạt động này vào khuôn khổ quản lý nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh thịt động vật.
Đặc điểm “linh hoạt, gọn nhẹ” theo kiểu giết mổ truyền thống khiến chỉ cần một con dao, một vòi nước là nhiều cá nhân, cơ sở có thể giết mổ chui mà không cần cơ quan chức năng cấp phép, cũng không mất các chi phí liên quan như phí kiểm dịch, phí kiểm soát giết mổ… Sự tồn tại tràn lan của giết mổ trái phép trước đây được xác định là một trong những nguyên nhân chính khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát khi dịch bệnh lan rộng, đồng thời làm “nản lòng” những doanh nghiệp chân chính muốn đầu tư đàng hoàng vào lĩnh vực này. Chính vì vậy, mất một thời gian dài vất vả, Đồng Nai cũng như các địa phương khác mới sắp xếp, di dời các cơ sở giết mổ vào các vùng quy hoạch tập trung, đồng thời mạnh tay hơn trong việc dẹp bỏ hoạt động giết mổ trái phép.
Ban đầu, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ đúng chuẩn tại các vùng quy hoạch tập trung cũng vấp phải không ít khó khăn do những yêu cầu đối với các cơ sở giết mổ đạt chuẩn khá khắt khe. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận bỏ vốn đầu tư lớn để xây dựng nhà máy giết mổ trong các khu quy hoạch tập trung nhằm tính chuyện lâu dài hơn cho tương lai. Tuy nhiên, hiện quy hoạch giết mổ tập trung đã không còn hiệu lực khi Luật Quy hoạch ra đời và “vô hiệu hóa” tất cả các quy hoạch chuyên ngành. Đứng trước nguy cơ “vỡ trận” về quản lý khi hoạt động đặc thù này không còn bị chi phối bởi quy hoạch cũ, Sở NN-PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành mạng lưới cơ sở giết mổ động vật tập trung cho giai đoạn 2021- 2025 và định hướng đến năm 2030.
Thực tế, mạng lưới thay cho quy hoạch cũ, song sẽ vẫn giữ lại những tiêu chí nền tảng, quan trọng nhất nhằm mục đích góp phần quản lý, sắp xếp hoạt động giết mổ có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này yên tâm hoạt động. Mạng lưới mới được kỳ vọng sẽ “sửa chữa” một số vướng mắc, bất cập đã diễn ra trên thực tế trong suốt thời gian thực hiện theo quy hoạch cũ.
Định hướng của mạng lưới giết mổ tập trung là giảm dần số lượng các cơ sở nhỏ lẻ, phát triển các cơ sở giết mổ có quy mô lớn, hiện đại theo chuỗi liên kết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường và nhất là tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Và muốn đạt được điều đó, sẽ cần minh bạch ngay từ đầu, tránh tình trạng đã “cởi trói” cho doanh nghiệp khỏi quy hoạch cũ, lại sinh ra nhiều ràng buộc hoặc đòi hỏi mới không hợp lý, không phù hợp với thực tế và tạo được động lực cho những doanh nghiệp chân chính muốn đầu tư.
Vi Lâm