Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, Đồng Nai sẽ chuyển đổi hơn 20 ngàn ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để làm dự án trên các lĩnh vực.
Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó, Đồng Nai sẽ chuyển đổi hơn 20 ngàn ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để làm dự án trên các lĩnh vực. Những địa phương cần nhiều đất cho dự án là các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc và TP.Biên Hòa.
TP.Biên Hòa là nơi có nhiều dự án được triển khai trong năm 2021. Trong ảnh: Một góc của TP.Biên Hòa. Ảnh: Hương Giang |
Theo UBND tỉnh, năm 2021, trên địa bàn tỉnh có gần 1,9 ngàn dự án được thực hiện với tổng diện tích đất gần 26 ngàn ha. Trong đó, có nhiều dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua.
* Bổ sung hàng trăm dự án
Năm nay, hầu hết các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa đều đề xuất tỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất cho nhiều dự án mới để triển khai. Trong gần 1,9 ngàn dự án được tỉnh phê duyệt thì có khoảng 250 dự án mới với diện tích 1,3 ngàn ha. Địa phương bổ sung nhiều diện tích đất cho các dự án mới là Nhơn Trạch với 15 dự án, có tổng diện tích 430ha; Vĩnh Cửu 31 dự án mới với tổng diện tích 165ha; Định Quán 15 dự án, mới với 154ha; Tân Phú 26 dự án với 140ha...
Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho biết: “Trước khi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng đất năm 2021, Sở đã phối hợp với các địa phương rà soát lại tất cả các dự án đã được quy hoạch trên địa bàn và bổ sung những dự án mới phù hợp với phát triển của từng địa phương. Các dự án mới phải đảm bảo đủ điều kiện được chấp thuận đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021 để triển khai, còn những dự án quá thời gian quy định không thực hiện thì bị thu hồi”.
Các dự án bổ sung mới trong năm nay thuộc nhiều lĩnh vực như: hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, khu dân cư, trạm xăng dầu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công trình điện... Đơn cử, năm nay, H.Nhơn Trạch có thêm dự án mới trong kế hoạch sử dụng đất là khu dân cư Phú Hữu thuộc xã Phú Hữu rộng 201ha; khu dân cư Điền Phước tại xã Long Tân 92ha; khu dân cư theo quy hoạch xã Phước Thiền khoảng 53 ha; khu đô thị ASIA ở xã Phước An 29ha. H.Vĩnh Cửu cũng có thêm các dự án mới như Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng với diện tích tạm sử dụng 92ha. TP.Biên Hòa có dự án hạ tầng khu tái định cư ở P.Bửu Long hơn 11ha; Khu dân cư cao cấp Đại Phong tại P.Tân Vạn rộng gần 9ha...
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh nên nhu cầu thực hiện các dự án ngày càng nhiều. Hằng năm, có nhiều doanh nghiệp (DN) đề xuất UBND tỉnh cấp phép thực hiện các dự án tại các huyện, thành phố. Những khu vực có công nghiệp phát triển, giao thông kết nối thuận lợi thường thu hút các DN đầu tư dự án, công trình. UBND tỉnh đã quy hoạch sẵn đất đai, xây dựng từng vùng để đón nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm và tài chính để triển khai nhanh các dự án, sớm đưa vào khai thác.
Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Nguyễn Thế Phong cho hay: “Địa bàn H.Nhơn Trạch là nơi được nhiều DN chú ý và muốn đầu tư các dự án lớn nhỏ trên lĩnh vực bất động sản, thương mại dịch vụ và hạ tầng kỹ thuật. Năm 2021, huyện dành nhiều quỹ đất để mời gọi DN trong và ngoài nước rót vốn cho những dự án, công trình. Huyện cũng ưu tiên nhân lực cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng những dự án quan trọng của quốc gia, tỉnh, huyện đảm bảo tiến độ thi công để tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế của huyện”.
* Công bố hiện trạng đất cho từng dự án
Năm nay, tất cả các dự án có tên trong kế hoạch sử dụng đất đều được công bố chi tiết diện tích đất và kế hoạch, diện tích cần thu hồi cho từng công trình. Các địa phương, chủ đầu tư căn cứ vào kế hoạch trên để tiến hành thực hiện các bước đầu tư theo quy định của pháp luật. Tùy theo từng địa phương, các dự án sẽ chia thành 10-16 lĩnh vực khác nhau như: khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, sản xuất phi nông nghiệp, vui chơi giải trí, đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị, di tích lịch sử văn hóa, trụ sở cơ quan, an ninh, quốc phòng...
H.Xuân Lộc chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp sang đất giao thông để triển khai các dự án hạ tầng giao thông. Ảnh: Hương Giang |
Hiện Đồng Nai chưa phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 nên kế hoạch sử dụng đất năm 2021 sẽ giúp các DN tiếp tục triển khai dự án được thuận lợi. Các dự án có trong kế hoạch sử dụng đất năm nay được cập nhật đầy đủ vào quy hoạch sử dụng đất trong 10 năm tới.
Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh cho biết: “Có kế hoạch sử dụng đất năm 2021, các dự án trên địa bàn huyện triển khai rất thuận lợi. Trong đó, nhiều dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua, còn các dự án mới bổ sung năm nay phần lớn đang hoàn tất thủ tục để đầu tư nên không gặp trở ngại gì”. H.Xuân Lộc được phê duyệt thực hiện 130 dự án trên các lĩnh vực với tổng diện tích gần 1.260ha. Riêng năm 2021, huyện dự tính sẽ thu hồi khoảng 1,1 ngàn ha cho 76 dự án.
Trong các huyện, thành phố thì Long Thành là nơi dành nhiều diện tích đất nhất để làm dự án với hơn 9,8 ngàn ha cho 174 dự án. Do có nhiều dự án hạ tầng cấp quốc gia, cấp tỉnh, huyện, xã nên H.Long Thành bố trí gần 5.480 ha để triển khai. Khu vực này sẽ trở thành đầu mối giao thông của tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
H.Nhơn Trạch là nơi xếp thứ hai về số dự án cũng như diện tích đất để thi công các dự án. Cụ thể năm 2021, H.Nhơn Trạch có 209 dự án, tổng diện tích hơn 6 ngàn ha. Các dự án đa số được thực hiện trên đất nông nghiệp nên các nhà đầu tư sẽ căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để hoàn thiện hồ sơ, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khởi công dự án.
Theo kết quả thống kê hiện trạng sử dụng đất của tỉnh, Đồng Nai có nhiều chỉ tiêu quy hoạch về đất đai đã được Chính phủ phê duyệt chưa đạt. Cụ thể quy hoạch đến hết năm 2020, đất phi nông nghiệp của tỉnh có diện tích gần 153,8 ngàn ha, nhưng đến nay được 122,6 ngàn ha, thấp hơn chỉ tiêu quy hoạch được duyệt hơn 31 ngàn ha. Chính phủ chấp thuận cho chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp là để tỉnh cấp phép các dự án, công trình trên nhiều lĩnh vực khác nhau, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân khiến chuyển đổi đất đai chưa đạt yêu cầu là do có nhiều dự án chưa thực hiện phải hủy bỏ hoặc chuyển sang giai đoạn sau. Ví dụ như, đất quy hoạch dành cho các dự án thương mại dịch vụ đến cuối năm 2020 là 2.650 ha, song thực hiện được 1,2 ngàn ha, thấp hơn quy hoạch 1.450ha. Đất phát triển hạ tầng kỹ thuật chỉ tiêu quy hoạch đến năm 2020 là gần 32,2 ngàn ha, thực hiện đến nay đạt 20,6 ngàn ha, thấp hơn 11,6 ngàn ha. Đất ở khu vực nông thôn thấp hơn quy hoạch gần 9 ngàn ha...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết: “Đồng Nai triển khai nhiều dự án của trung ương, tỉnh, huyện, xã nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là gánh nặng cho nhiều địa phương. Trong thời gian tới, tỉnh phối hợp với các địa phương có giải pháp thực hiện nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng để các chủ đầu tư thi công đúng thời hạn, đưa công trình, dự án vào hoạt động. Các dự án triển khai đúng tiến độ góp phần rất lớn cho phát triển của địa phương, tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. |
Khánh Minh