Báo Đồng Nai điện tử
En

Sản xuất theo mong muốn của thị trường

11:02, 03/02/2021

Nhiều năm qua, câu chuyện sản xuất và tiêu thụ chưa gặp nhau là một trong những bài toán khó của ngành Nông nghiệp...

Nhiều năm qua, câu chuyện sản xuất và tiêu thụ chưa gặp nhau là một trong những bài toán khó của ngành Nông nghiệp. Để tránh vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, nhiều nông dân đã chủ động điều chỉnh sản xuất từ góc nhìn về nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

Giá xoài giảm mạnh vào vụ thu hoạch Tết Trong ảnh: Vựa xoài tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu  Giây, H.Thống Nhất. Ảnh: L.QUYÊN
Giá xoài giảm mạnh vào vụ thu hoạch Tết Trong ảnh: Vựa xoài tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, H.Thống Nhất. Ảnh: L.QUYÊN

[links()]Tuy nhiên, để nông sản có đầu ra thực sự bền vững cần có những chiến lược dài hạn với nhiều giải pháp đồng bộ như: xây dựng chuỗi liên kết sản xuất an toàn đáp ứng tốt nhu cầu cả thị trường nội địa và xuất khẩu; phát triển công nghiệp chế biến nông sản...

* Chấm dứt việc chạy theo phong trào

Vụ thu hoạch Tết Nguyên đán 2021, vùng tôm Trà Cổ (H.Tân Phú) trúng mùa. Sản lượng tăng hơn, thị trường tiêu thụ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến giá tôm càng xanh có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng với mức giá bán tại ao từ 160-170 ngàn đồng/kg, người nuôi tôm vẫn đạt lợi nhuận tốt. Nông dân cũng không lo cảnh ứ hàng, dội chợ như đang xảy ra với nhiều vùng nông sản khác  vào vụ thu hoạch Tết.

Lý giải nguyên do, ông Phạm Trí Tâm, chủ đại lý thu mua tôm tại xã Trà Cổ cho biết: “Người nuôi tôm ở Trà Cổ không tập trung thu hoạch vào cao điểm Tết mà thu hoạch cuốn chiếu từ những tháng cuối của năm nay đến tháng Giêng, tháng Hai của năm sau. Chính vì vậy, giá tôm khá ổn định suốt mùa thu hoạch”.

Cùng quan điểm, anh nông dân trẻ Lê Diên Bảo ở xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) cũng không chạy theo phong trào trong sản xuất. Vườn bưởi lão trên 20 năm của gia đình anh hiện vẫn cho năng suất cao, chất lượng trái ngon được khách mua lẻ và thương lái biết tiếng là nhờ anh không chạy theo năng suất ép vườn cây cho thu hoạch rộ vào dịp Tết Nguyên đán, thời điểm thường bán được với giá tốt nhất trong năm mà kiên trì theo cách 3 năm chỉ làm 2 vụ bưởi Tết để dưỡng sức cây. Theo anh Bảo: “Vài năm trở lại đây, diện tích bưởi trong cả nước tăng rất nhanh, nhà nhà lại đua nhau làm bưởi Tết nên rất dễ rơi vào cảnh dội chợ. Gia đình tôi không ép toàn bộ diện tích 5ha bưởi cho thu hoạch hết vào vụ Tết mà rải ra các thời điểm khác trong năm. Theo quan sát của tôi, diện tích bưởi ra hoa, kết quả tự nhiên cho thu hoạch sau Tết thường có giá bán cao vì nguồn cung khan hiếm”.

Vụ Tết Nguyên đán 2021, trang trại gà thảo mộc tại xã Phú Ngọc (H.Định Quán) của bà Cao Thị Ten cũng không tăng đàn mà vẫn nuôi như ngày thường vì lo đầu ra gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước đó, nhìn từ tín hiệu thị trường, ngay từ quý II-2020, trang trại của bà Ten đã chủ động giảm quy mô đàn nuôi. “Chính nhờ dự đoán trước được sự thay đổi của thị trường tiêu thụ và chủ động giảm quy mô chăn nuôi, trang trại của tôi không gặp quá nhiều khó khăn về đầu ra cho sản phẩm” - bà Ten nói.

* Cần giải bài toán về dài hạn

Dưới góc nhìn của các chuyên gia và người quản lý, đầu ra bền vững cho nông sản là bài toán dài hạn. Theo ông Nguyễn Văn Mười, Tổng thư ký Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là xuất khẩu đều bị trì trệ. Từ khó khăn trên, nông dân cần thay đổi từ cái gốc sản xuất là phải đi từ góc nhìn và yêu cầu của thị trường. Hiện nay, yêu cầu của cả thị trường nội địa và xuất khẩu là nông sản phải đảm bảo về chất lượng, sự an toàn. Nông dân phải chủ động thay đổi tập quán sản xuất cũ, ứng dụng các giải pháp công nghệ để làm ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. 

Định hướng phát triển nông nghiệp thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi xác định, liên kết trong sản xuất nông nghiệp là hướng đi giúp nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Tỉnh rất quan tâm hỗ trợ nông dân, HTX xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn. Trong đó, tỉnh sẽ chú trọng triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân, nhất là thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết để chuyển giao các ứng dụng, công nghệ, kỹ thuật mới cho nông dân; hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà còn tham gia thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, Đồng Nai đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ thiết thực để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia.

Lê Quyên

 

Tin xem nhiều