Theo BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đang diễn biến rất phức tạp. Do đó, công tác phòng dịch Covid-19 của tỉnh Đồng Nai cũng được nâng lên ở mức cao nhất.
Mặc dù không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng từ ca nhiễm Covid-19 nhập cảnh từ Nhật Bản mới đây ở Đồng Nai nhưng theo BS CKII Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh đang có những diễn biến rất phức tạp. Do đó, công tác phòng dịch Covid-19 của tỉnh Đồng Nai cũng được nâng lên ở mức cao nhất.
* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạch Thái Bình |
* Xin ông cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh hiện nay?
- Thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tương đối tốt trên địa bàn tỉnh. Sau nhiều tháng, chúng ta chưa phát hiện ca lây nhiễm trong động đồng. Những ca nhiễm Covid-19 gần đây đều là những trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, được cách ly tập trung ngay. Nhờ việc thực hiện giãn cách ngay từ đầu cộng với việc triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 sớm nên các ca bệnh đều được đưa đi điều trị sớm. Những trường hợp có tiếp xúc gần với các bệnh nhân cũng được đưa đi cách ly ở Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Do đó, nhiều tháng qua ở các khu cách ly trong tỉnh không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo giữa những người thuộc diện cách ly và giữa người thuộc diện cách ly với nhân viên y tế, nhân viên phục vụ và cộng đồng.
* Ông đánh giá như thế nào về nguy cơ dịch bệnh ở thời điểm này?
- Cùng với sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, ngành Y tế Đồng Nai đã thực hiện triệt để và duy trì tốt các biện pháp phòng, chống dịch ngay từ đầu năm 2020 đến nay. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang có những diễn biến rất phức tạp ở Hải Dương, Quảng Ninh. Cùng với đó là sự xuất hiện của những chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh, những bệnh nhân Covid-19 đã nhiều lần có kết quả âm tính nhưng lại tái dương tính, những trường hợp nhập cảnh trái phép… khiến các yếu tố nguy cơ càng thêm phức tạp. Chúng ta khó có thể khẳng định được là các ngành chức năng có thể kiểm soát được tất cả các yếu tố nguy cơ. Chính vì vậy, việc có thể xuất hiện một ổ dịch nào đó trong cộng đồng ở thời điểm này là khó tránh khỏi.
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh họp khẩn với lãnh đạo các khoa, phòng của trung tâm để bàn phương án truy vết những đối tượng về từ vùng dịch. Ảnh: Hạnh Dung |
* Công tác truy vết để quản lý các đối tượng đang cư trú trên địa bàn tỉnh có liên quan đến các ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Các lực lượng chức năng đã triển khai công tác truy vết các đối tượng liên quan đến 2 ổ dịch ở Hải Dương và Quảng Ninh tương tự như đối với ổ dịch ở Đà Nẵng và các ổ dịch khác trước đây. Tuy nhiên, các biện pháp truy vết được nâng lên ở mức cao hơn. Công tác truy vết cũng gặp nhiều khó khăn hơn bởi lẽ thời gian truy vết dài hơn. Các ổ dịch trước đây ở Đà Nẵng được xác định thời gian là 14 ngày kể từ ngày đối tượng tiếp xúc với ổ dịch, còn đối với 2 ổ dịch gần đây ở Hải Dương và Quảng Ninh, Bộ Y tế xác định nguy cơ lây nhiễm là đối tượng tiếp xúc với ổ dịch ở Hải Dương từ ngày 1-1-2021 và ổ dịch ở Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) từ ngày 5-1-2021. Như vậy, thời gian truy vết đến nay đã lên đến 30 ngày.
Để ngăn ngừa sự lây lan nhanh của virus, cơ quan chức năng cũng quyết định kéo dài thời gian cách ly tập trung, cách ly tại nhà đối với những đối tượng đi, về từ Hải Dương và Quảng Ninh từ 14 ngày như trước đây lên 21 ngày.
Ngoài ra, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế Đồng Nai cũng mở rộng các đối tượng xét nghiệm từ vùng dịch về, yêu cầu tất cả người dân trong tỉnh đã từng đi đến, về từ TP.Chí Linh, tỉnh Hải Dương trong thời gian từ ngày 1-1 và Sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh từ ngày 5-1 đến nay chủ động đến trạm y tế nơi lưu trú hoặc trung tâm y tế huyện, thành phố khai báo y tế để được hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV- 2.
* Làm sao để có thể truy vết được tất cả những người về từ vùng dịch?
- Việc có thể truy vết được hết tất cả những người trở về từ vùng dịch rất khó khăn. Do đó, chúng tôi phải dựa vào hệ thống chính quyền cơ sở, từ từng người dân đến tổ dân phố, các đoàn thể địa phương. Tất cả người dân trong tỉnh nếu phát hiện hàng xóm của mình, người thân quen trở về từ vùng dịch đề nghị nhắc nhở để các đối tượng tự giác khai báo y tế. Trường hợp những người này không tự giác khai báo y tế, đề nghị người dân phản ánh với trạm y tế, chính quyền địa phương để thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, xét nghiệm, cách ly cần thiết, tránh tình trạng nể nang, né tránh, bao che cho nhau dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân người về từ vùng dịch, người thân của họ, hàng xóm láng giềng và cả cộng đồng dân cư.
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tổ chức đo thân nhiệt, phân luồng người vào bệnh viện |
* Nâng cao tinh thần trách nhiệm đảm bảo an toàn sức khỏe nhân dân
* Việc phân cấp thực hiện nhiệm vụ của hệ thống y tế dự phòng trong tỉnh ra sao, thưa BS?
- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã và những cán bộ trực tiếp tham gia (công an, y tế, đoàn thể, ấp, khu phố) có nhiệm vụ tổ chức điều tra dịch tễ các đối tượng nguy cơ về từ vùng dịch, phân loại đối tượng và chuyển các đối tượng đi cách ly tập trung, giám sát y tế nếu đối tượng thực hiện cách ly tại nhà.
Các trung tâm y tế huyện, thành phố có nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chuyên môn cho tuyến xã; trực tiếp tổ chức công tác vận động trường hợp có tính chất dịch tễ phức tạp để cách ly; thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm và chuyển lên tuyến tỉnh để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là cơ quan tham mưu về chuyên môn cho Sở Y tế và Ban chỉ đạo tỉnh triển khai yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật; chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống phòng, chống dịch trong toàn tỉnh để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; điều phối hoạt động của các khu cách ly tập trung, các phòng xét nghiệm SARS-CoV-2 trong tỉnh; chỉ đạo kiểm tra việc tổ chức phòng chống lây nhiễm trong các bệnh viện; cách ly các đối tượng nguy cơ trong bệnh viện; tổ chức các hoạt động truyền thông, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan, ban quản lý các khu công nghiệp hướng dẫn, kiểm tra phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp, đơn vị.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất lấy mẫu xét nghiệm với những người thuộc diện cách ly |
* Với khối lượng công việc nhiều như vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có kế hoạch “trực chiến” như thế nào, thưa ông?
- Ban giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai công tác trực Tết đến tất cả các khoa, phòng. Năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên ngoài danh sách cán bộ trực thường xuyên gồm 30 cán bộ, nhân viên y tế như mọi năm, chúng tôi còn lên phương án chuẩn bị một lực lượng “trực chiến” khác gồm 50 người. Như vậy, lực lượng của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh gồm 80 người luôn trong tư thế sẵn sàng cao, cam kết sẽ có mặt sớm nhất có thể nếu được huy động tăng cường.
Phương châm của đội ngũ cán bộ y tế dự phòng là bất kể ngày đêm, khi nào có thông tin liên quan đến dịch bệnh đều sẵn sàng lên đường đi điều tra để đưa người thuộc diện cách ly vào khu cách ly. Chúng tôi sẽ đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, giúp nhân dân đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, đầm ấm.
* Các ngành chức năng đã chuẩn bị các khu cách ly tập trung ra sao để đảm bảo trong trường hợp các đối tượng F1, F2 nhiều, thưa ông?
- Toàn tỉnh hiện có hơn 20 khu cách ly tập trung từ tỉnh đến huyện, khu cách ly của quân đội. Tùy diễn biến của dịch bệnh mà các khu cách ly sẽ được trưng dụng nhằm đảm bảo công tác cách ly phòng, chống dịch.
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 430 trường hợp đang được cách ly tập trung. Trong đó, khu cách ly tại Trường đại học An ninh nhân dân (xã An Phước, H.Long Thành) đang cách ly 289 đối tượng về từ Nhật Bản. Khu cách ly này có quy mô khoảng 800 giường nhưng với yêu cầu giãn cách đối tượng cách ly nên sẽ chỉ triển khai được 400 giường. Khu cách ly cơ sở 2 Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu ở xã Thạnh Phú thực hiện cách ly chủ yếu là các thuyền viên từ các tàu, thuyền nhập cảnh, các đối tượng vượt biên trái phép về Đồng Nai, các đối tượng đi từ vùng dịch về. Quy mô của cơ sở này là 80 giường nhưng chỉ có thể sắp xếp được 60 giường. Hiện ở đây đã có gần 50 người nên chỉ có thể tiếp nhận thêm khoảng 10 người.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 |
Khu cách ly Bệnh viện Phổi Đồng Nai dành để điều trị cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 và những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định. Quy mô là 120 giường bệnh nhưng quan điểm của ngành Y tế là sẽ không tập trung số lượng lớn các đối tượng cách ly vào đây mà sẽ sử dụng Bệnh viện Phổi để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các ca dương tính. Hiện Bệnh viện Phổi đang cách ly 28 đối tượng, gồm 1 ca bệnh xác định và 27 người có tiếp xúc gần với bệnh nhân này.
4 khách sạn, nhà khách đang tổ chức cách ly tập trung chủ yếu tiếp nhận các chuyên gia nước ngoài và những người nhập cảnh từ nước ngoài trên các chuyến bay có nhu cầu. Hiện 4 khách sạn này đang cách ly gần 100 người, công suất tối đa là hơn 200 người. Do đó, ngành Y tế quyết định kích hoạt khu cách ly Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai từ ngày 31-1. Khu cách ly này có quy mô 80 giường, đã từng tổ chức cách ly cho 62 trường hợp và tạm ngưng một thời gian. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến các ổ dịch trên cả nước và lên phương án để sẵn sàng kích hoạt thêm 1-2 khu cách ly ở tuyến huyện, trước mắt là khu cách ly ở TP.Long Khánh (khoảng 120 giường) để sẵn sàng đón tiếp các đối tượng F1, F2.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Hạnh Dung (thực hiện)