Báo Đồng Nai điện tử
En

Khó cũng phải làm

08:02, 05/02/2021

Triển khai thực hiện một dự án hạ tầng giao thông, cụ thể ở đây là những tuyến đường, đòi hỏi một lượng vốn rất lớn. Thực tế cho thấy, khó có thể trông cậy hết vào nguồn vốn ngân sách bởi kênh cấp vốn này còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế.

Triển khai thực hiện một dự án hạ tầng giao thông, cụ thể ở đây là những tuyến đường, đòi hỏi một lượng vốn rất lớn. Thực tế cho thấy, khó có thể trông cậy hết vào nguồn vốn ngân sách bởi kênh cấp vốn này còn hạn hẹp so với nhu cầu thực tế. Còn các nguồn lực khác từ khối kinh tế tư nhân theo kiểu “bỏ vốn làm đường rồi thu lãi” thì không phải tuyến đường nào cũng thực hiện được, chưa kể nó đòi hỏi nhiều cơ chế, chính sách để cân bằng và kiểm soát lợi ích các bên. Và cách làm này hiện cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Do đó, việc quy hoạch các khu đất hai bên tuyến đường, tổ chức đấu giá để tạo vốn thực hiện các dự án giao thông cho tỉnh là rất cần thiết và cấp bách, khi các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đang ngày càng khan hiếm.

Ngoài việc tạo vốn, sự chủ động của Nhà nước trong quy hoạch quỹ đất hai bên đường nếu làm tốt cũng giúp chỉnh trang, tạo cảnh quan, điểm nhấn cho tuyến đường đó nói riêng và khu vực xung quanh nói chung, đặc biệt là khu vực đô thị. Thay vì chỉ thực hiện một con đường, rồi tất cả quỹ đất hai bên đường để cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, người dân tự mua bán sang nhượng, xây dựng tràn lan manh mún dẫn đến “xé nhỏ” không gian đô thị như lâu nay thì việc quy hoạch rõ ràng (một phần hoặc nhiều phần) quỹ đất hai bên tuyến đường với một tầm nhìn xa hơn, rộng hơn là cần thiết và tốt cho lâu dài.

Quy hoạch đất tạo vốn trên thực tế cũng đã được một số địa phương thực hiện. Ví dụ như TP.HCM từng mở rộng thêm quỹ đất hai bên đường ở một số tuyến đường mới mở, tạo ra một quỹ đất dự trữ, sau đó bán đấu giá. Số tiền bán đấu giá đất không chỉ giúp thu hồi nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư làm tuyến đường, mà còn có thể hỗ trợ, bổ sung cho các hộ dân đã bị di dời, giải tỏa trong quá trình làm dự án, thậm chí còn có dư để hỗ trợ thêm cho các dự án khó huy động nguồn lực, chẳng hạn như các dự án nhà ở xã hội… 

Ngoài TP.HCM, một số tỉnh, thành khác cũng đã tiếp cận cách làm này dựa trên tình hình thực tế của từng địa phương. Với Đồng Nai, thời gian gần đây, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã được tỉnh chọn là mục tiêu chiến lược, bởi chỉ khi hệ thống giao thông kết nối thông thoáng thì kinh tế - xã hội mới có “lực” để bật lên. Chính phủ cũng đã đánh giá Đồng Nai có vị trí chiến lược về giao thông, do đó các dự án lớn như Sân bay Long Thành, hệ thống đường cao tốc, đường vành đai có tính kết nối liên vùng đều đi qua địa phận Đồng Nai. Vậy nên tỉnh càng phải ráo riết huy động các nguồn lực trong khả năng có thể để thực hiện nhanh các tuyến đường kết nối.

“Quy hoạch đất hai bên đường rồi bán” - nghe khá đơn giản, song thực tế nó đòi hỏi cả một hệ thống chính sách đi kèm nhằm thực hiện nhanh, suôn sẻ và đúng luật. Khó khăn hiện nay là xác định tạo quỹ đất rồi bán đấu giá nên làm trước hay sau khi làm đường, và tách riêng thành dự án độc lập hay nhập chung với con đường đó, bởi nó sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả.  Song tỉnh đã xác định, có thách thức mấy cũng sẽ quyết tâm làm, vì thời điểm 5 năm tới được coi là “thời điểm vàng” trong phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, và tỉnh cần thực hiện nhanh hệ thống hạ tầng giao thông kết nối để “đón sóng” đầu tư sau khi các dự án giao thông lớn của quốc gia hoàn thành và đi vào sử dụng.             

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều