Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, để có nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông, Đồng Nai đã có chủ trương quy hoạch các khu đất lợi thế dọc các dự án, bán đấu giá tạo nguồn vốn tái đầu tư.
Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, để có nguồn lực đầu tư cho các dự án hạ tầng giao thông, Đồng Nai đã có chủ trương quy hoạch các khu đất lợi thế dọc các dự án, bán đấu giá tạo nguồn vốn tái đầu tư.
Dự án Đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu) thực hiện điều chỉnh khoảng 25ha đất sang đất dự án, thương mại dịch vụ để thực hiện đấu giá tạo vốn. Ảnh: P.Tùng |
[links()]Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách này lại đang phát sinh nhiều khó khăn.
* Gộp dự án, chậm tiến độ
Để có nguồn vốn tái đầu tư, hiện nay, hàng loạt dự án giao thông trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chủ trương quy hoạch quỹ đất hai bên đường, thực hiện bán đấu giá. Đây được xem là giải pháp hướng đến mục tiêu “kép”: vừa tạo ra nguồn vốn tái đầu tư, vừa thực hiện chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương này lại đang gặp phải nhiều khó khăn, nhất là trong khâu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Điều này khiến phần lớn các dự án giao thông có thực hiện quy hoạch quỹ đất tạo vốn đều đang bị chậm tiến độ.
Ông Lê Quang Bình, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, tháng 6-2020, đơn vị được UBND tỉnh giao lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và chủ trương đầu tư một số dự án giao thông như: nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 770 (Suối Tre - Bình Lộc); đường tỉnh 772 (Trảng Bom - Xuân Lộc); nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773 (Long Thành - Cẩm Mỹ - Xuân Lộc); đầu tư tuyến đường tỉnh 768B. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị rà soát điều chỉnh quy hoạch quỹ đất hai bên đường để thu hồi đấu giá tạo nguồn thu ngân sách.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương có tuyến đường đi qua phải báo cáo về Sở GT-VT trong tháng 9-2020 để tổng hợp. Đến nay, một số địa phương đã báo cáo về quỹ đất tạo vốn dọc các tuyến đường này nhưng các vị trí này chưa được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. “Việc điều chỉnh, bổ sung quỹ đất vào quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng sẽ gặp rất nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian. Do đó đến nay, Sở GT-VT chưa thể trình thẩm định các hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ đề xuất chủ trương các dự án này” - ông Lê Quang Bình cho biết.
Cũng theo ông Lê Quang Bình, không chỉ các dự án nói trên mà phần lớn các dự án giao thông có thực hiện quy hoạch quỹ đất tạo vốn hai bên các tuyến đường đều đang gặp khó khăn khi triển khai thực hiện. “Quy hoạch quỹ đất hai bên các tuyến đường phải cụ thể, quy hoạch phải được thông qua mới thực hiện được nên các địa phương gặp nhiều khó khăn và mất thời gian vì phải thuê tư vấn thực hiện. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu ưu tiên phát triển hệ thống giao thông nhưng nếu kết hợp khai thác quỹ đất, thời gian thực hiện sẽ rất lâu”.
Dự án Xây dựng đường trục trung tâm TP.Biên Hòa là một trong những dự án sẽ thực hiện quy hoạch quỹ đất lợi thế hai bên tuyến đường để bán đấu giá tạo vốn tái đầu tư |
Đối với việc khai thác quỹ đất trong các dự án giao thông, công tác rà soát, quy hoạch quỹ đất tạo vốn được giao cho các địa phương thực hiện. Hiện nay, phần lớn các địa phương cũng đang “than khó” khi bắt tay triển khai. Ông Lê Khắc Sơn, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho hay, nhiều dự án giao thông trên địa bàn huyện cũng đã được UBND tỉnh cho thực hiện chủ trương khai thác quỹ đất tạo vốn. Tuy nhiên, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn vì từ trước đến nay, địa phương chưa từng làm công tác này.
Tương tự, ông Nguyễn Phong An, Phó chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết, về giao thông, trên địa bàn huyện hiện nay chỉ có quốc lộ 51 là tuyến giao thông chính mà chưa có các tuyến đường song song chia sẻ lưu lượng phương tiện lưu thông. Do đó, UBND tỉnh có chủ trương cho địa phương đầu tư xây dựng tuyến đường Long Phước - Phước Thái (song song phía Tây của quốc lộ 51) và tuyến đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường (song song phía Đông quốc lộ 51).
Đối với 2 dự án này, hiện nay H.Long Thành đang lập hồ sơ quy hoạch đề xuất chủ trương đầu tư, trong đó có thực hiện quy hoạch quỹ đất để khai thác dọc hai tuyến đường. Tuy nhiên, việc lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư hiện đang gặp khó. “Dọc hai tuyến đường không có diện tích đất công, tuyến đường Long Phước- Phước Thái chủ yếu đi qua đất người dân, đường Phước Bình - Bàu Cạn - Cẩm Đường chủ yếu đi qua đất cao su nhưng hiện đã được quy hoạch là đất công nghiệp nên không còn quỹ đất để khai thác” - ông Nguyễn Phong An cho biết.
* Tách dự án, giảm hiệu quả
Trước những khó khăn gặp phải trong việc triển khai các dự án giao thông có thực hiện quy hoạch quỹ đất tạo vốn, đặc biệt là thực trạng chậm tiến độ, Sở GT-VT cũng đã có kiến nghị UBND tỉnh thực hiện việc tách riêng dự án để thực hiện.
Theo lãnh đạo Sở GT-VT, để đẩy nhanh tiến độ, Sở đã có kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho phép tách phần quy hoạch quỹ đất hai bên đường để thu hồi, đấu giá tạo nguồn thu ngân sách ra khỏi hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư các dự án giao thông làm cơ sở để trình thẩm định, phê duyệt. “Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh giao cho các địa phương căn cứ quy định để lập đề án khai thác quỹ đất riêng trình UBND tỉnh phê duyệt” - ông Lê Quang Bình cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế, phương án tách dự án riêng đối với việc lập quy hoạch quỹ đất tạo vốn cũng tồn tại nhiều bất cập.
Ông Phan Trung Hưng Hà, Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư, Sở KH-ĐT cho rằng, nếu thực hiện việc tách riêng phần quy hoạch quỹ đất tạo vốn ra khỏi dự án thì có thể đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông nhưng hiệu quả khai thác quỹ đất mang lại không cao. “Tách ra rồi làm đường trước thì sau này việc thu hồi đất làm quỹ đất tạo vốn khó thực hiện, giá bồi thường để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tăng cao. Lúc đó, có thực hiện bán đấu giá đất thì không chắc chắn mang lại hiệu quả” - ông Phan Trung Hưng Hà cho biết.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Khắc Sơn cho rằng, nếu thực hiện tách dự án với các dự án giao thông có thực hiện quy hoạch quỹ đất tạo vốn để thực hiện phần xây dựng tuyến đường trước thì lợi ích đưa lại từ việc đấu giá đất là không cao. Bởi, sau khi tuyến đường được xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng cho phần quỹ đất tạo vốn cũng tăng theo. Do đó, việc thực hiện đấu giá đất tạo vốn là không mang lại nhiều lợi ích. “Sau khi làm đường thì chi phí bồi thường khi thu hồi đất hai bên đường để đấu giá tăng. Thay vì bỏ ra 5 đồng khi chưa làm đường thì phải bỏ ra đến 8 đồng khi đã làm đường nên lợi ích khi đấu giá đất mang lại thấp” - ông Lê Khắc Sơn nhận định.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, nếu thực hiện việc tách phần quy hoạch quỹ đất tạo vốn ra khỏi các dự án giao thông thì có thể đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng việc khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường bị hạn chế vì chi phí giải phóng mặt bằng tăng. Không những vậy, việc tách riêng còn có thể khiến chủ trương quy hoạch quỹ đất tạo vốn, bán đấu giá để tạo nguồn vốn tái đầu tư không thể thực hiện được.
Theo Giám đốc Sở GT-VT Lê Quang Bình, việc thực hiện quy hoạch quỹ đất tạo vốn đối với các tuyến đường giao thông đô thị thuận lợi hơn, bởi đối với đường giao thông đô thị hiện được quản lý bằng chỉ giới xây dựng (ngoài chỉ giới nhà đầu tư có thể thực hiện xây dựng công trình). Tuy nhiên, đối với các tuyến đường huyện thì rất khó khăn, bởi các tuyến đường huyện được quản lý bằng chỉ giới đường đỏ. “Như đường cấp 3 có chiều rộng 9m thì chỉ giới đường đỏ, tính từ mép đường vào mỗi bên thêm 47m. Do đó, nếu quy hoạch quỹ đất tạo vốn thì trong khu vực 47m này không được xây dựng công trình. Không tiếp cận được mặt đường để kinh doanh thì cũng khó thu hút được nhà đầu tư tham gia đấu giá đất đối với diện tích đất quy hoạch tạo vốn”. |
Phạm Tùng