Tăng trưởng kinh tế đạt hơn 2,9% (thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới), xuất siêu đạt 20 tỷ USD..., là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2020, giữa lúc kinh tế nhiều nước trong khu vực và trên thế giới tăng trưởng âm do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có sự đóng góp lớn lao của ngành Nông nghiệp.
Tăng trưởng kinh tế đạt hơn 2,9% (thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế giới), xuất siêu đạt 20 tỷ USD..., là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong năm 2020, giữa lúc kinh tế nhiều nước trong khu vực và trên thế giới tăng trưởng âm do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. Trong đó, có sự đóng góp lớn lao của ngành Nông nghiệp.
2020 cũng là năm đầy khó khăn với nông nghiệp Việt Nam với tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ” liên miên, dịch bệnh trên gia súc và cây trồng diễn ra trên diện rộng, xuất khẩu nông sản cũng gặp nhiều khó khăn như nhiều ngành nghề khác.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chính phủ, năm 2020 là một năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện. Trong hội nghị trực tuyến tổng kết ngành NN-PTNT năm 2020 diễn ra vào cuối năm 2020 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá, nông nghiệp Việt Nam cho thấy vai trò mang tính sống còn của mình trong nền kinh tế, là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế quốc gia, giúp nước ta tăng trưởng dương. Ngành Nông nghiệp đã phần nào cho thấy sự thích ứng linh hoạt với đại dịch, thiên tai. Trong khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên phạm vi thế giới, nông nghiệp Việt Nam đã bảo đảm an ninh lương thực trong nước, thậm chí hỗ trợ tích cực cho nhiều quốc gia.
Bước sang năm 2021, cùng với những lo ngại, những nguy cơ do dịch bệnh Covid-19 mang lại, nhiều vận hội mới cho ngành Nông nghiệp cũng được mở ra. Trong đó, lớn nhất vẫn là những cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại. Bất chấp diễn biến khó lường của đại dịch, trong vài năm qua, nhiều FTA lớn đã được ký kết, thông qua, tiêu biểu là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Tất cả những hiệp định này đã và đang “biến” thị trường thế giới thành “một ngôi chợ” chung với những luật chơi chung cho nông sản các nước thành viên.
Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng đang đứng trước cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ vào nông nghiệp với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Vốn, nhân lực, công nghệ… đang “đổ” vào nông nghiệp rất nhiều. Chính vì vậy, những điểm “nghẽn” lâu nay của ngành Nông nghiệp cũng đang chịu nhiều áp lực phải “khơi thông”. Trong đó, ngoài những điểm yếu cố hữu như: trình độ, vốn, kinh nghiệp quản lý, khoa học công nghệ… thì có lẽ, điểm “nghẽn” cần thay đổi đầu tiên vẫn là tư duy sản xuất. Bao lâu nay, tư duy làm nông nghiệp kiểu “xu thời”, manh mún, nhỏ lẻ… là một trong những điểm yếu lớn nhất cản trở sự phát triển chung của toàn ngành Nông nghiệp. Hiện tại, cùng với sự hình thành các chuỗi sản xuất lớn, các vùng nông nghiệp công nghệ cao... thì tính liên kết và tư duy sản xuất lớn về nông nghiệp cũng đã được hình thành, song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao hiện nay. Vậy nên, trước thách thức, trước vận hội mới mở ra, cần phải chuẩn bị sẵn sàng tư duy mới để đón nhận: chuyên nghiệp hơn, linh hoạt hơn và nhất là cần biết “nắm tay” để tạo nên những thương hiệu chung cho nông sản Việt Nam, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Vi Lâm