Với mục tiêu phát triển nông nghiệp quy mô hàng hóa, bền vững, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu về cây trồng, vật nuôi chủ lực, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và có lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp quy mô hàng hóa, bền vững, Đồng Nai tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu về cây trồng, vật nuôi chủ lực không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước mà còn có lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Người dân xã Sông Thao (H.Trảng Bom) chuyển đổi trồng chuối xuất khẩu cho thu nhập cao. Ảnh:L.Quyên |
Trong đó, cây ăn trái, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, con heo, con gà vẫn là những cây, con chủ lực được tỉnh tập trung phát triển thành lợi thế cạnh tranh bằng cách sản xuất theo chuỗi liên kết.
* Phát triển chăn nuôi công nghiệp
Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025, mặt hàng heo, gà vẫn nằm trong danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Đồng Nai vẫn là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước khi thuộc tốp đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm. Đồng Nai còn có lợi thế là gần vùng tiêu thụ lớn TP.HCM. Tuy nhiên, để sản phẩm chăn nuôi đủ điều kiện tiêu thụ vào thị trường TP.HCM và vào được các kênh tiêu thụ hiện đại, nhất là hệ thống siêu thị lớn cần xây dựng được chuỗi từ chăn nuôi đến giết mổ, phân phối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lợi thế của Đồng Nai là có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành Chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đồng Nai tiếp tục định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào sân chơi quốc tế. Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, với mục tiêu phát triển bền vững và cơ cấu lại ngành Chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng phát triển đến năm 2030, Chi cục Chăn nuôi - thú y sẽ tham mưu cho Sở NN-PTNT tập trung vào các giải pháp để phát triển bền vững như: phát triển về con giống cho năng suất cao; tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAHP, an toàn dịch bệnh, sinh học; kiểm soát được khâu giết mổ; tổ chức tốt về công tác thông tin thị trường... Ngoài ra, còn có các giải pháp như: áp dụng các công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi, các khâu sản xuất để giảm công lao động, giảm giá thành, nâng cao năng suất, giá trị thương phẩm; đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung, chế biến đáp ứng các điều kiện về xuất khẩu sản phẩm sau sơ chế, chế biến...
* Chuyển hướng sản xuất sạch
Trong lĩnh vực trồng trọt, Đồng Nai tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh địa phương. Ngoài ra, Đồng Nai sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản với mục tiêu trở thành trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của vùng và cả nước.
Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 sẽ tiếp thu có chọn lọc những công nghệ cao của Israel và thế giới ứng dụng vào thực tế sản xuất như: công nghệ nhà lưới, công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ bón phân tự động, công nghệ điều khiển tự động, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, tự động hóa trong bảo quản. Đề án sẽ thực hiện các mô hình thí điểm do Nhà nước đầu tư có hiệu quả sẽ chuyển giao cho nông dân, HTX. |
Trong đó, Đề án nghiên cứu khả thi về phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 được cho là một trong những dự án đột phá góp phần thay đổi về “chất” trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu chung của đề án trên nhằm chọn những nông sản thế mạnh của Đồng Nai; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao của Israel vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị khép kín, tạo thương hiệu sản phẩm. Trong đó, mô hình đột phá được ưu tiên triển khai sớm là nhóm các nông sản được thị trường xuất khẩu ưa chuộng.
Bà Mai Thị Hải Hương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ giáo dục 3A (TP.HCM), đơn vị tư vấn đề án cho biết mục tiêu trước mắt của đề án ở giai đoạn 2020-2025 là giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 4,5%/năm, bình quân sản xuất nông nghiệp 1ha đạt khoảng 300 triệu đồng với trên 53,3% là giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2030, 100% diện tích cây trồng được ứng dụng công nghệ cao một phần hoặc đồng bộ; 100% các trang trại được ứng dụng công nghệ cao; tỷ trọng sản phẩm truy xuất được nguồn gốc đạt 50% với cây trồng và thủy sản, 98% với sản phẩm chăn nuôi…
“Quan điểm phát triển của đề án là khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nước, đặc biệt là lợi thế riêng biệt của Đồng Nai. Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của cư dân vùng nông thôn; nâng cao vị thế của người dân nông thôn, giúp người dân vươn lên làm giàu” - bà Hải nói.
Lê Quyên