Mục đích, ý nghĩa của phong trào Kế hoạch nhỏ rất tốt đẹp. Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào này trong thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập...
Mục đích, ý nghĩa của phong trào Kế hoạch nhỏ rất tốt đẹp. Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Trước thực tế đó, phong trào cần tìm ra hướng đi, cách làm mới để tạo sự đồng thuận của học sinh, phụ huynh và dư luận xã hội.
Học sinh Trường THCS Trường Sa (TP.Biên Hòa) trong Ngày hội Thu giấy vụn cho công trình măng non. Ảnh:H. Yến |
Ngày 4-1, Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản về việc tạm ngưng phát động phong trào và hội thu Kế hoạch nhỏ. Việc tạm ngưng phong trào nhằm rà soát và triển khai mô hình phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học trên địa bàn tỉnh. Công văn này của Sở lập tức nhận được sự phản hồi tích cực của đông đảo phụ huynh học sinh.
* Bộc lộ nhiều hạn chế
Từ nhiều năm nay, việc thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ bằng hình thức thu gom giấy vụn, vỏ lon bia, lon nước ngọt đã bị nhiều phụ huynh ta thán. Chị Hoàng Thị Hiền (ngụ P.Trảng Dài,TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Mỗi năm, con phải nộp 2 lần giấy vụn. Cứ đến đợt hội thu tôi lại phải chạy khắp xóm để xin giấy vụn cho con. Tôi không thấy ý nghĩa phong trào ở đâu, chỉ thấy phiền phức cho phụ huynh”.
Cùng chung tâm trạng với chị Hiền, chị Nguyễn Thị Trang (P.Thống Nhất,TP.Biên Hòa) cho biết, nhà trường áp đặt chỉ tiêu, cô giáo chỉ thông báo ngắn gọn ngày nộp giấy vụn, số lượng giấy phải nộp chứ không thấy tuyên truyền về ý nghĩa của việc thực hiện kế hoạch nhỏ. Hơn nữa, việc đưa ra chỉ tiêu dũng sĩ kế hoạch nhỏ 70kg giấy là rất vô lý. “Làm gì có học sinh nào mà gom được 70kg giấy vụn. Trừ khi là con nhà vựa ve chai hoặc là phụ huynh ra vựa ve chai mua giấy rồi đem nộp cho con thì có. Mà như vậy là phụ huynh làm kế hoạch nhỏ chứ đâu phải học sinh làm nữa. Chưa kể, tiền mua giấy ngoài vựa ve chai chắc chắn là mắc hơn tiền mà nhà trường bán giấy rồi. Tôi thấy lãng phí và hình thức quá” - chị Trang nói.
Chỉ đạo chung của Hội đồng Đội Trung ương là việc thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ phải dựa trên sự tự nguyện của học sinh và phải phù hợp với điều kiện của bản thân, gia đình; không bắt buộc thiếu nhi đóng góp nếu các em không có điều kiện tham gia… Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện, hội đồng Đội ở địa phương đã đặt ra chỉ tiêu cụ thể cho mỗi học sinh, chỉ tiêu “dũng sĩ kế hoạch nhỏ”. Có trường, vì để được tuyên dương nên đã nâng chỉ tiêu cao hơn so với chỉ tiêu ở trên giao. Thậm chí, có trường quy đổi số lượng giấy thành tiền và yêu cầu học sinh nếu không nộp giấy thì nộp tiền. |
Để thực hiện kế hoạch nhỏ, hằng năm, hội đồng Đội các cấp đều phát động phong trào, ấn định ngày hội thu. Trong kế hoạch tổ chức đều nêu rõ ý nghĩa, mục đích, cách thức thực hiện… Tuy nhiên, khi về đến cơ sở, vì đã quá quen với hình thức thu gom giấy vụn nên hầu hết các trường đều chỉ thông báo về ngày hội thu và chỉ tiêu số lượng giấy vụn. Dần dà, chính học sinh cũng quên mất ý nghĩa của phong trào này là gì.
Em Nguyễn Công Đại, lớp 7/11 của một trường trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết, mỗi lần hội thu, các thành viên sẽ nộp giấy tại lớp, sau đó gom thành bao rồi đem lên nộp cho trường. Các thầy cô phụ trách sẽ ghi lại số lượng giấy của mỗi lớp. Ngoài thông báo trực tiếp trên trường, cô giáo còn gửi thông tin qua nhóm Zalo của lớp nên cả phụ huynh và học sinh đều đọc được. Thông báo ngắn gọn chỉ có tên phong trào, thời gian, địa điểm và chỉ tiêu số lượng giấy/học sinh.
Hỏi về ý nghĩa của phong trào, Đại trả lời: “Theo con thì nộp giấy vụn là để thu tiền giúp cho bạn nghèo. Từ hồi tiểu học, các cô giáo đã nói như vậy. Năm nay, cô không nói gom giấy để làm gì nhưng con biết từ những năm trước rồi”.
Mỗi năm, Hội đồng Đội tỉnh chỉ phát động phong trào và hội thu Kế hoạch nhỏ một lần, thời gian thường sau Tết Nguyên đán. Riêng TP.Biên Hòa thực hiện thu gom giấy vụn 2 lần trong năm. Trong đó, ngoài phong trào Kế hoạch nhỏ thực hiện chung với toàn tỉnh, TP.Biên Hòa còn thu gom giấy vụn vào cuối học kỳ I để làm công trình măng non. Tên gọi phong trào khác nhau nhưng hình thức thực hiện thì như nhau. Vì thế, không chỉ học sinh, phụ huynh mà chính giáo viên tổng phụ trách Đội và ban giám hiệu của nhiều trường đều không phân biệt được đâu là kế hoạch nhỏ, đâu là công trình măng non.
Do đó, khi Sở GD-ĐT ra văn bản về việc tạm ngưng phong trào Kế hoạch nhỏ nhưng các trường tiểu học, THCS ở TP.Biên Hòa vẫn thu gom giấy vụn cho thực hiện công trình măng non. Điều này tạo ra dư luận không tốt trong xã hội. Nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao “trên bảo dưới không nghe”. Chưa kể, tại các trường liên cấp, trong khi ban giám hiệu thực hiện theo chỉ đạo của Sở nên yêu cầu không phát động phong trào thì giáo viên tổng phụ trách Đội, thực hiện theo chỉ đạo của Hội đồng Đội thành phố lại nhất quyết hội thu…
* Cần “làn gió mới”
Không phải đến nay, Hội đồng Đội tỉnh, Sở GD-ĐT, các trường học… mới nhận thấy những bất cập trong việc triển khai, thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ. Từ năm 2018, khi phong trào Kế hoạch nhỏ tròn 60 tuổi, Hội đồng Đội tỉnh đã thấy rõ sự cần thiết phải tổ chức hội nghị để bàn và đề ra các giải pháp nhằm đổi mới phong trào, để phong trào đi vào thực chất hơn. Tuy nhiên, trên thực tế sự thay đổi này còn rất khiêm tốn.
Cần bỏ ngay danh hiệu “dũng sĩ kế hoạch nhỏ” Cô Nguyễn Thị Xuân Viên, giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Trường Sa (TP.Biên Hòa) cho biết: “Muốn duy trì tốt phong trào Kế hoạch nhỏ và đảm bảo được mục đích, ý nghĩa giáo dục của công trình, tôi cho rằng cấp trên cần phải xóa ngay hình thức khen thưởng “dũng sĩ kế hoạch nhỏ”. Ngoài ra, việc khen thưởng cấp cơ sở dựa trên chỉ tiêu cũng không cần thiết. Bởi vì khi đặt ra chỉ tiêu, thành tích thì sẽ có đơn vị, học sinh, phụ huynh vì chạy theo thành tích mà đi ra vựa ve chai mua giấy về nộp như tình trạng đã xảy ra nhiều năm nay. Thay vào đó, Hội đồng Đội tỉnh, thành phố chỉ cần có thư ngỏ cảm ơn các liên đội, các học sinh đã chung tay thực hiện kế hoạch nhỏ. Thư cảm ơn này sẽ được liên đội dán ở bảng thông báo của nhà trường và đăng trên fanpage để mọi học sinh, phụ huynh đều đọc được”. |
Sau công văn về việc tạm ngưng phong trào Kế hoạch nhỏ của Sở GD-ĐT, ngày 12-1, lãnh đạo Sở GD-ĐT và Hội đồng Đội tỉnh đã có buổi làm việc với nhau để cùng trao đổi thẳng thắn về những bất cập cũng như tìm hướng đi mới cho phong trào.
Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Hồ Hồng Nguyên cho biết, bản thân chị rất đồng tình với chỉ đạo của Sở GD-ĐT. “Phong trào Kế hoạch nhỏ có giá trị về mặt lịch sử, mục đích, ý nghĩa là rất tốt đẹp nhưng đến thời điểm này đã có nhiều vấn đề trong cách thực hiện. Hội đồng Đội tỉnh cũng rất mong muốn thay đổi và có thể thực hiện được những mô hình mới” - chị Hồng Nguyên cho hay.
Cũng theo chị Nguyên, nhận thấy những hạn chế nêu trên, từ năm 2019, Hội đồng Đội tỉnh không còn khen thưởng dựa trên số lượng, không áp đặt về chỉ tiêu, không tạo cơ chế để học sinh chạy theo thành tích nữa. Hội đồng Đội tỉnh cũng không ủng hộ và yêu cầu các liên đội tuyệt đối không thu tiền mặt của học sinh khi thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ.
Mặc dù Hội đồng Đội tỉnh đã khuyến khích các đơn vị đổi mới hình thức thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ, thay thế cách thu gom giấy vụn nhưng đến nay số lượng các liên đội chủ động đổi mới còn rất khiêm tốn. Chị Nguyên cho rằng: “Giá trị cao nhất của phong trào Kế hoạch nhỏ là dạy cho học sinh biết tiết kiệm, biết bảo vệ môi trường, yêu lao động… Tôi rất mong các đơn vị có thể tìm được các hình thức thực hiện mới để đảm bảo được các yếu tố đó, sau mới tính đến nguồn quỹ thu được từ phong trào”.
Ông Đỗ Huy Khánh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định, Sở GD-ĐT sẵn sàng tạo điều kiện và phối hợp cùng Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh để thực hiện các phong trào của thanh, thiếu niên trong trường học nói chung và phong trào Kế hoạch nhỏ nói riêng. Tuy nhiên, để thực hiện phong trào trong thời gian tới, Sở GD-ĐT, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh cần tiếp tục trao đổi, tìm ra cách làm mới phù hợp hơn. Một “làn gió mới” cho phong trào cũ là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
* Những mô hình hay
Để thay đổi hình thức thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ là điều không khó. Điều kiện tiên quyết là giáo viên tổng phụ trách Đội phải năng động, sáng tạo, chịu đổi mới. Trên thực tế, hiện có rất ít các trường chủ động thay đổi. Tuy nhiên, tại những nơi đã thực hiện mô hình mới, học sinh tham gia rất nhiệt tình, hào hứng, tạo sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Ngày hội Sắc màu tuổi thơ tại Trường tiểu học Nguyễn An Ninh |
Lễ hội ẩm thực là mô hình được nhiều liên đội lựa chọn để thực hiện kế hoạch nhỏ. Theo đó, mỗi chi đội có một gian hàng ẩm thực (đồ ăn hoặc nước uống). Các đội viên tự chuẩn bị nấu ăn, pha chế và bán cho thực khách. Số tiền lời thu được sẽ đóng góp cho kế hoạch nhỏ. Lễ hội là dịp để học sinh trải nghiệm, tự lao động, tự phục vụ và học được nhiều kỹ năng khác. Các em cũng có dịp để trổ tài trước bạn bè, thầy cô: chế biến 1 món ăn ngon, trang trí đẹp; khéo léo trong tiếp thị, bán hàng; nhanh nhẹn trong giao tiếp, phục vụ…
Quá trình thực hiện tùy vào điều kiện của từng lớp mà tận dụng vật liệu tự nhiên sẵn có từ gia đình. Đồng thời bằng sức lao động, sáng tạo, khéo tay cũng như sự đoàn kết của lớp mình mà các em tạo ra sản phẩm có thể thu hút nhiều học sinh tham gia, ủng hộ đạt hiệu quả. Ngoài ra, trong lễ hội, nhà trường còn lồng ghép chương trình văn nghệ, nhiều trò chơi dân gian để học sinh tham gia miễn phí. Hầu hết học sinh đều rất hào hứng tham gia lễ hội như thế này.
Tại Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), dịp Tết Nguyên đán 2020, nhà trường đã tổ chức lễ hội ẩm thực để gây quỹ, đóng góp cho công trình măng non cấp thành phố. Tại hội chợ, học sinh được tập gói bánh chưng, các gian hàng ẩm thực, văn nghệ, trò chơi; vẽ tranh, thư pháp… Không khí rất rộn ràng, tấp nập. Học sinh thực sự cảm nhận được niềm vui khi được trải nghiệm, vui chơi. Do đó, hoạt động này đã thực sự cuốn hút được học sinh tham gia. “Năm nay, rất nhiều học sinh hỏi tôi xem khi nào thì nhà trường tổ chức hội chợ ẩm thực nữa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà trường không thể tổ chức được” - cô Nguyễn Thị Xuân Viên, giáo viên Tổng phụ trách Đội cho hay.
Ngoài tổ chức lễ hội ẩm thực mùa xuân để thực hiện công trình măng non cấp thành phố, năm học 2019-2020, Trường THCS Trường Sa cũng đã được chấp thuận chủ trương thực hiện công trình măng non cấp trường là xây dựng sa bàn cột mốc Trường Sa trong sân trường. Theo đó, cũng bằng hình thức hội chợ ẩm thực do chính học sinh thực hiện, nhà trường đã mời phụ huynh đến tham gia. Hiểu được ý nghĩa giáo dục của công trình măng non này, phụ huynh vừa mua đồ ăn, vừa ủng hộ thêm cho trường. Kết quả, hội chợ ẩm thực thu được số tiền gần 100 triệu đồng. Số tiền này trao cho hội phụ huynh trực tiếp quản lý và xây dựng công trình. Tiếp đó, các mạnh thường quân còn đóng góp thêm nên đến tháng 6-2020, mô hình sa bàn Trường Sa đã được hoàn thành với tổng số tiền xây dựng hơn 130 triệu đồng.
Ở cấp tiểu học, Liên đội Trường Nguyễn An Ninh và Trường tiểu học Hà Huy Giáp (TP.Biên Hòa) lại thực hiện chương trình Sắc màu tuổi thơ. Theo đó, thay vì thu gom giấy vụn, nhà trường tổ chức cho học sinh tô tượng, tô heo đất, tranh cát… Giá mỗi bức tượng, bức tranh mà học sinh mua tại trường rẻ hơn so với ở các khu vui chơi, siêu thị…
Cô Hoàng Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh vui vẻ cho hay: “Các con vừa được chơi vui, vừa có tranh đẹp, tượng đẹp để đem về nhà mà vẫn có tiền cho hội thu kế hoạch nhỏ. Các bạn học sinh nghèo thì được chơi miễn phí. Vì vậy, Ngày hội Sắc màu tuổi thơ của trường rất được phụ huynh ủng hộ”.
Ngoài các mô hình nêu trên, một số trường THCS ở các huyện lại thực hiện mô hình vườn rau của em. Theo đó, học sinh các lớp tự trồng, chăm sóc, thu hoạch và bán rau. Số tiền lời thu được sẽ đóng góp vào quỹ kế hoạch nhỏ…
Hải Yến