Với trách nhiệm quản lý ngành, Sở GD-ĐT nhận thấy rõ trách nhiệm cần chủ động rà soát, thay đổi hình thức thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ để phù hợp với tình hình thực tế...
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh |
Với trách nhiệm là đơn vị quản lý ngành Giáo dục, Sở GD-ĐT nhận thấy rõ trách nhiệm cần chủ động rà soát, thay đổi hình thức thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và sự thay đổi của thời đại.
Đó là chia sẻ của Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh.
Việc tạm ngưng phong trào Kế hoạch nhỏ đã nhận được phản hồi tích cực của phụ huynh học sinh. Vậy đến khi nào thì phong trào sẽ tiếp tục được thực hiện, thưa ông?
- Năm nay, để đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, Sở GD-ĐT đã ra văn bản về việc tạm dừng thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ ở các đơn vị trường học. Ngoài ra, việc tạm ngưng phong trào này cũng là bước đi cần thiết để rà soát, tìm ra hướng đi mới để triển khai phong trào phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Kế hoạch nhỏ là một phong trào của hội đồng Đội được thực hiện trong trường học, nơi mà ngành GD-ĐT quản lý. Vì vậy, chúng tôi rất quan tâm đến dư luận xã hội xung quanh phong trào này. Chúng tôi biết rằng có rất nhiều phụ huynh không đồng tình với cách thức thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ, thậm chí nhiều người có phản ứng khá gay gắt.
Cần công khai, minh bạch về tài chính Nguồn thu kế hoạch nhỏ tại Đồng Nai là rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Do vậy, việc công khai tài chính, quản lý, minh bạch trong thu - chi cũng là vấn đề được dư luận xã hội và lãnh đạo Hội đồng Đội tỉnh, Sở GD-ĐT đặt ra. Để tiếp tục thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ, ngoài thay đổi hình thức thực hiện, quản lý tài chính cũng là vấn đề cần phải được giải thuyết thấu đáo. |
Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì từ chỗ tự nguyện, các đơn vị thực hiện đã ra chỉ tiêu cho từng học sinh… Như vậy, học sinh phải chạy theo chỉ tiêu, thậm chí là chạy số lượng để đạt thành tích “dũng sĩ kế hoạch nhỏ”. Chỉ tiêu để đạt dũng sĩ kế hoạch nhỏ là 70kg thì không có học sinh nào tự thu gom được.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng như các phòng ban trong Sở đều nhận thấy phong trào Kế hoạch nhỏ đang có nhiều điểm hạn chế, không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và sự thay đổi của thời đại. Như chúng ta đều biết, phong trào Kế hoạch nhỏ được thực hiện từ năm 1958, đến nay đã hơn 60 năm nhưng vẫn giữ cách làm cũ trong khi thực tế xã hội đã thay đổi rất nhiều.
Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như: TP.HCM, Đà Nẵng, An Giang về cơ bản đã thay đổi về hình thức hoạt động phong trào Kế hoạch nhỏ. Với tư cách là đơn vị quản lý các trường học, Sở GD-ĐT thấy rõ trách nhiệm cần phải chủ động để đổi mới. Chúng ta cần thay đổi để có những hình thức khác phù hợp với học sinh hơn.
Chính vì vậy, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã ngồi lại, cùng bàn bạc nhằm đi đến thống nhất về cách làm sao cho phù hợp; tránh gây ra ý kiến trái chiều từ phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.
Quan điểm chung là chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch nhỏ vì mục đích tốt đẹp và ý nghĩa lịch sử của phong trào. Tuy nhiên, cần phải có sự thay đổi lớn trong triển khai, thực hiện. Các mô hình mới, cách làm hay cần phải được lan tỏa thay vì chủ yếu là thu gom giấy vụn như từ trước đến nay.
Học sinh toàn tỉnh tạm ngưng thu gom giấy vụn, riêng TP.Biên Hòa vẫn tổ chức hội thu đã tạo ra dư luận không tốt trong phụ huynh về công tác quản lý của ngành. Ông lý giải điều này như thế nào?
- Sau khi Sở GD-ĐT ra văn bản tạm ngưng thực hiện phong trào Kế hoạch nhỏ đã nhận được những phản hồi tích cực của phụ huynh. Tuy nhiên, riêng tại TP.Biên Hòa, các trường vẫn tiếp tục yêu cầu học sinh nộp giấy vụn. Lý do là Hội đồng Đội TP.Biên Hòa thực hiện công trình măng non theo ký kết liên tịch giữa Phòng GD-ĐT và Hội đồng Đội thành phố. Điều này tạo nên một dư luận không hay là “trên bảo dưới không nghe”.
Thực tế này đặt ra vấn đề là cần có sự phối hợp tốt, chặt chẽ giữa Sở GD-ĐT, Hội đồng Đội tỉnh và hội đồng Đội các địa phương. Muốn làm được điều này, các bên liên quan cần phải trao đổi thẳng thắn, bàn bạc để đi đến thống nhất nhằm có sự chỉ đạo phù hợp. Đồng thời, khi thực hiện phong trào, các đơn vị cũng cần xem lại văn bản chỉ đạo của cấp trên, trong đó có kế hoạch của Hội đồng Đội Trung ương để làm cho đúng.
Cùng với đó, khâu xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, cách thức phổ biến, tuyên truyền thực hiện kế hoạch nhỏ cũng phải được thực hiện kỹ càng. Như vậy mới tạo được sự đồng thuận của phụ huynh, có tác dụng giáo dục đối với học sinh.
Chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể, tìm hướng đi phù hợp, mời các bên liên quan để đối thoại, đi đến thống nhất rồi mới triển khai. Chúng ta có nhiều cách để thực hiện kế hoạch nhỏ như: hội chợ ẩm thực, lễ hội âm nhạc, phiên chợ tình bạn, phân loại rác thải tại nguồn, kết hợp giáo dục STEM (trồng rau, làm sản phẩm thủ công để bán)… Cách làm này sẽ kích thích được sự năng động, sáng tạo của học trò; vừa phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay.
Phong trào nếu chính đáng, thực hiện tốt thì tôi tin là học sinh, phụ huynh, dư luận xã hội sẽ ủng hộ rất nhiệt tình.
Xin cảm ơn ông!
Tường Vi (thực hiện)