Báo Đồng Nai điện tử
En

Phân cấp để quản lý hiệu quả

04:01, 13/01/2021

Phó trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) NGUYỄN DUY VĂN cho hay, Sở Y tế vừa ban hành một số văn bản gửi các đơn vị liên quan nhằm tăng cường hoạt động công tác dược tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

ông Nguyễn Duy Văn
ông Nguyễn Duy Văn

Phó trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) NGUYỄN DUY VĂN cho hay, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đối với lĩnh vực dược, Sở Y tế vừa ban hành một số văn bản gửi các đơn vị liên quan nhằm tăng cường hoạt động công tác dược tại các cơ sở khám, chữa bệnh; duy trì thực hiện thực hành tốt phân phối thuốc (GDP), thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP), kết nối và chuyển dữ liệu về cơ sở dữ liệu dược quốc gia, đảm bảo chất lượng thuốc; duy trì thực hành tốt trong sản xuất thuốc, mỹ phẩm.

Khó đạt chỉ tiêu thanh, kiểm tra các nhà thuốc, quầy thuốc

 Việc phân cấp quản lý các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?

- Sở Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về dược trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị, các văn bản khác trong lĩnh vực dược theo quy định của Luật Dược, các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về hành nghề dược. Thực hiện việc cấp chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành cho các đơn vị trực thuộc, các phòng y tế và các thành phần có liên quan. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Phòng Y tế là cơ quan quản lý nhà nước về dược trên địa bàn huyện/thành phố. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ có liên quan đến dược cho các tổ chức, cá nhân hành nghề dược trên địa bàn quản lý. Phối hợp với Sở Y tế trong việc thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, thanh tra, kiểm tra. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở hành nghề dược trên địa bàn.

 Xin ông cho biết chỉ tiêu số lượng các nhà thuốc, quầy thuốc được thanh, kiểm tra hằng năm?

- Hằng năm, Sở Y tế đều có văn bản chỉ đạo các phòng y tế xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra các cơ sở hành nghề  dược  trên địa bàn, đảm bảo đạt trên 70% các cơ sở được thanh, kiểm tra. Ở một số địa phương có số cơ sở ít như H.Định Quán, TP.Long Khánh, H.Xuân Lộc, H.Cẩm Mỹ, chỉ tiêu này không khó khăn lắm, nhưng  một số địa phương khác như TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, H.Trảng Bom - những nơi có số lượng cơ sở bán lẻ thuốc tương đối nhiều thì tỷ lệ 70% số cơ sở bán lẻ thuốc được thanh, kiểm tra rất khó đạt. Tính cả những lần kiểm tra trong quá trình đánh giá thường kỳ “thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc”, tỷ lệ chung của toàn tỉnh chỉ đạt được khoảng 60%.

 Chỉ đạo của Sở Y tế đối với các nhà thuốc, quầy thuốc là gì, thưa ông?

- Hằng năm, Sở Y tế đều có văn bản chỉ đạo công tác dược đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, các sơ sở sản xuất, bán buôn bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các cơ sở phải thực hiện đúng phạm vi được cấp phép; thực hiện tốt các quy định về “thực hành tốt sản xuất thuốc”, “thực hành tốt phân phối thuốc”, “thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc”;  kết nối và chuyển dữ liệu về “cơ sở dữ liệu dược quốc gia”. Đặc biệt, chú ý chất lượng nguồn hàng cung cấp, đảm bảo lấy hàng ở những nơi có đủ tư cách pháp nhân, có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Thực hiện kiểm tra chất lượng thuốc trước khi nhập, trong quá trình bảo quản và trước khi bán/cấp cho người bệnh; thực hiện niêm yết giá thuốc và bán không cao hơn giá niêm yết…

Một nhà thuốc niêm yết giá khẩu trang cho khách hàng được biết khi mua hàng.
Một nhà thuốc niêm yết giá khẩu trang cho khách hàng được biết khi mua hàng. Ảnh:H.Dung

Chỉ đạo các phòng y tế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kiểm tra các cơ sở hoạt động không có phép, hoạt động không đúng với phạm vi được ghi trong giấy chứng nhận đủ điêu kiện kinh doanh dược; không thực hiện kết nối và chuyển dữ liệu về “cơ sở dữ liệu dược quốc gia”, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…

Tiếp tục chấn chỉnh

 Thưa ông, mặc dù yêu cầu là thế nhưng vẫn còn khá nhiều cơ sở vi phạm?

- Trong năm 2020, cơ quan chức năng đã thanh, kiểm tra được 933 cơ sở kinh doanh dược phẩm trong tỉnh. Trong đó, Thanh tra Sở Y tế đi kiểm tra được 43 cơ sở. Nhìn chung, các lỗi của các cơ sở là: mở cửa nhưng người quản lý chuyên môn vắng mặt; chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm soát kê đơn và bán thuốc theo đơn, đôi khi có những quầy thuốc, nhà thuốc vẫn bán thuốc kháng sinh khi không có đơn thuốc của bác sĩ; một số quầy thuốc không duy trì thường xuyên chế độ vệ sinh. Nhiều cơ sở niêm yết giá chưa đầy đủ hoặc không cập nhật giá niêm yết. Qua thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 38 cơ sở và nhắc nhở 48 cơ sở.

 Sở Y tế có biện pháp gì để chấn chỉnh các quầy thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc hoạt động “chui” trên địa bàn tỉnh, thưa ông?

- Ngoài những cơ sở có giấy phép thì còn có một số cơ sở bán lẻ thuốc hoạt động không có giấy phép hoặc chưa được cấp phép, đặc biệt ở những nơi tập trung đông công nhân. Để chấn chỉnh vấn đề này, Sở Y tế đã chỉ đạo các phòng y tế địa phương nắm chắc địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề dược không có phép. Sở Y tế đang dự thảo kế hoạch phân cấp quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tỉnh, xin ý kiến các sở, ngành liên quan để trình UBND tỉnh thông qua; giao trách nhiệm cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn. Bởi trạm y tế là nơi gần dân nhất, cơ sở nào mới mở, cơ  sở nào chuyển đi đâu thì trạm y tế đều nắm rõ nhất.

 Xin cảm ơn ông!

An Yên (thực hiện)

Tin xem nhiều