Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới là yếu tố sống còn

04:01, 22/01/2021

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và sự thay đổi nhanh chóng về xu hướng của người tiêu dùng thì việc luôn luôn phải đổi mới, sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp...

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và sự thay đổi nhanh chóng về xu hướng của người tiêu dùng thì việc luôn luôn phải đổi mới, sáng tạo là yếu tố sống còn của doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, để thích nghi với thói quen mua sắm trực tuyến của người dân, DN cũng đang nỗ lực chuyển đổi.

Đầu tư vào đổi mới công nghệ và ứng dụng số là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật tại Công ty TNHH Tương Lai, H.Long Thành
Đầu tư vào đổi mới công nghệ và ứng dụng số là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật tại Công ty TNHH Tương Lai, H.Long Thành. Ảnh:V.Gia

* Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị trong DN còn chậm

Một khảo sát của Sở KH-CN cho thấy, chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 là -56,05%. Kết quả này có được khi điều tra các DN trên địa bàn tỉnh có nguồn nhân lực từ 100 lao động trở lên.

Theo Sở KH-CN, thực tế này có thể lý giải là do các DN còn gặp khó khăn trong việc ứng dụng cộng nghệ bởi nhiều nguyên do. Trong đó có vấn đề nhân lực thiếu kinh nghiệm và năng lực tiếp nhận công nghệ mới, hiện đại. Thậm chí có những DN chưa biết công nghệ nào là phù hợp với sản xuất của đơn vị mình, dẫn tới việc tiếp cận, đổi mới, ứng dụng công nghệ cho cả bên cung cấp lẫn bên sử dụng còn hạn chế.

5 năm qua, Đồng Nai cũng đã triển khai các quyết định về chương trình KH-CN hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Mục tiêu là nhằm khuyến khích, hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Cải tiến, chuyển giao công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa, sản phẩm so với sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, những nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích đó vẫn chưa mang lại nhiều kết quả. Năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của hầu hết DN nhỏ và vừa còn là vấn đề nan giải. Do vậy, đổi mới công nghệ là yêu cầu bắt buộc song cũng lại là cả một quá trình, cần làm từng bước.

Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST), đối với các DN mới, Đồng Nai đang thực hiện các chương trình hỗ trợ theo Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đến năm 2025. Theo đó, DN thuộc chương trình này được hỗ trợ một phần kinh phí để trả tiền công lao động trực tiếp; sử dụng các dịch vụ khởi nghiệp ĐMST; sử dụng không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ và tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn ở nước ngoài. Trong đó ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho các DN khởi nghiệp ĐMST có thành tích xuất sắc, đoạt thứ hạng cao tại cuộc thi cấp tỉnh, quốc gia hoặc quốc tế.

Các DN đạt tiêu chí sẽ được hỗ trợ từ kinh phí Nhà nước để marketing, quảng bá sản phẩm, dịch vụ; khai thác, thông tin công nghệ, sáng chế; thành lập DN KH-CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cung cấp không gian số, dịch vụ hỗ trợ trực tuyến; kinh phí sản xuất thử nghiệm, làm sản phẩm mẫu, hoàn thiện công nghệ…

* Chuyển đổi số để thích nghi

Cuối tháng 10-2020, Google Việt Nam công bố xu hướng tìm kiếm của người Việt trong năm qua. Theo khảo sát này, Việt Nam là một trong những nước phát triển kinh tế thông qua internet nhanh nhất khu vực châu Á. Có 68 triệu người dùng internet tại Việt Nam vào năm 2020 và dự báo sẽ tăng lên 75,7 triệu vào năm 2023. Hơn 90% người dùng kết nối internet qua điện thoại để giao tiếp, học tập, giải trí, mua sắm, theo dõi xu hướng.

Xu hướng này ngày càng được thúc đẩy do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay cả khi tình hình ổn định trở lại thì hành vi mua sắm của người dân cũng chuyển biến rất nhiều. Từ thách thức, việc chuyển đổi online đã trở thành cơ hội cho những ai muốn kinh doanh, dù là mới hay đã có chỗ đứng trên thương trường.

Không để chậm chân, các DN ở Đồng Nai cũng đang dần thích nghi, trong đó, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cũng có hoạt động để trợ giúp DN, hội viên bằng cách ký kết hợp tác với những đơn vị có tên tuổi. Cụ thể hóa sự hợp tác trên, mới đây nhất, ngày 16-1, ông Lê Nguyễn Hồng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư BIT Group đã có buổi chia sẻ về xây dựng chiến lược kinh doanh online với các hội viên, DN, doanh nhân trẻ Đồng Nai.

Theo ông Lê Nguyễn Hồng Phương, xu hướng chuyển đổi số đã hình thành từ lâu, nhưng trong bối cảnh Covid-19, dưới những thay đổi mang tính bắt buộc như giãn cách xã hội hay xu hướng làm việc tại nhà, nhiều DN đang buộc phải tìm đến các giải pháp chuyển đổi số để duy trì hoạt động của mình. Bài toán được đặt ra lúc này không còn là chuyển đổi số hay chết, mà là chuyển đổi số như thế nào để tồn tại.

Chương trình chuyển đổi số được BIT Group chủ trì, cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ 500 ngàn DN chuyển đổi số và phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn cả nước. Mục đích là cung cấp kiến thức để thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo trong bối cảnh chuyển đổi số gần như là bắt buộc. Không dừng lại ở việc thay đổi tư duy, chương trình còn cung cấp các bộ công cụ số hóa, có thể áp dụng nhanh, hiệu quả và ít tốn chi phí đầu tư con người và gần như là áp dụng cho hầu hết các DN.

Văn Gia

Tin xem nhiều