Sau hơn 1 năm có hiệu lực, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100) đã thực sự đi vào cuộc sống.
Sau hơn 1 năm có hiệu lực, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100) đã thực sự đi vào cuộc sống. Nghị định 100 đã nổi lên như một điển hình trong xây dựng và thực thi pháp luật, có hiệu quả tức thời, tác động trực tiếp, nhanh chóng đến ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân; góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT), nhất là TNGT do người điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia gây ra.
Điều đáng mừng, chỉ trong thời gian ngắn (hơn 1 năm) triển khai Nghị định 100 đã hình thành một nét văn hóa giao thông là đã uống rượu, bia thì không lái xe. Nhiều người đã lựa chọn các phương tiện khác (taxi, xe Grab, xe ôm...) sau khi đã sử dụng rượu, bia.
Theo phân tích của cơ quan chức năng, sở dĩ Nghị định 100 nhanh chóng đi vào cuộc sống, trước hết là do các quy định trong nghị định xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, khi tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam khá cao; số vụ TNGT, nhất là các vụ TNGT nghiêm trọng do người lái xe sử dụng rượu, bia gây ra còn nhiều, gây hậu quả nặng nề cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Do đó, Nghị định 100 ra đời đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận.
Ở góc độ khác, cũng phải nhìn nhận chính sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định 100 từ Chính phủ đến các ngành chức năng, chính quyền địa phương; công tác tuần tra, kiểm soát được tăng cường; việc xử phạt nghiêm đối với các lỗi vi phạm nồng độ cồn cũng giúp nghị định nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đặc biệt, Nghị định 100 quy định mức xử phạt tăng cao đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông, nhất là tăng mức xử phạt tối đa đối với các vi phạm quy định về nồng độ cồn nên đủ sức đe. Điều này có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia giao thông, giúp họ nhanh chóng thay đổi hành vi cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông.
Để Nghị định 100 tiếp tục là một trong những điểm sáng về giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, trong thời gian tới các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần duy trì và phát huy hơn nữa kết quả đã đạt được. Trước hết là duy trì thường xuyên công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm giao thông, nhất là các lỗi vi phạm nghiêm trọng dẫn đến nguy cơ gây ra TNGT cao như: chạy quá tốc độ, sử dụng chất kích thích (rượu, bia, ma túy) khi lái xe, chạy sai làn đường, vượt sai quy định...
Đặc biệt, công tác tuyên truyền cũng cần tiếp tục được chú trọng. Trong đó, bên cạnh tuyên truyền các quy định của Nghị định 100 thì cần tập trung tuyên truyền về những thay đổi tích cực từ việc thực hiện Nghị định 100; những mô hình mới, cách làm hay trong việc đưa nghị định đi vào cuộc sống hướng đến mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho toàn xã hội, hình thành một thói quen tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.
Chủ đề của Năm An toàn giao thông 2021 là Nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Do đó, việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi Nghị định 100 trên địa bàn tỉnh cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện chủ đề Năm An toàn giao thông 2021 do Chính phủ đề ra nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn trong thời gian tới.
Ngọc Thư