Báo Đồng Nai điện tử
En

Dành ưu tiên về nguồn lực cho hạ tầng

10:01, 27/01/2021

Được xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược, những năm tới, Đồng Nai tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để tạo ra động lực phát triển kinh tế mới.

Được xác định là nhiệm vụ đột phá chiến lược, những năm tới, Đồng Nai tiếp tục ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để tạo ra động lực phát triển kinh tế mới.

Công nhân thi công trên công trường dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt. Ảnh: Q.Nhi
Công nhân thi công trên công trường dự án Xây dựng cầu Vàm Cái Sứt. Ảnh: Q.Nhi

* Hạ tầng thúc đẩy kinh tế

Năm 2015, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được thông xe toàn tuyến. Hơn 5 năm qua, tuyến đường này đã trở thành trục giao thông kết nối quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là giữa các địa phương trong vùng với trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại TP.HCM.

Đối với các dự án của địa phương, trong 5 năm qua, Đồng Nai cũng đã thực hiện hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình mang tính đột phá, “tháo gỡ” điểm yếu về kết nối giao thông để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Theo UBND tỉnh, tổng vốn huy động được để đầu tư thực hiện các công trình, dự án trên các lĩnh vực tại Đồng Nai trong giai đoạn 2015-2020 đã vượt mục tiêu nghị quyết. Từ nguồn vốn trên đã giúp cho kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại, du lịch, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo, hạ tầng thông tin truyền thông... được hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Tháng 4-2017, cầu An Hảo bắc qua sông Cái (một nhánh của sông Đồng Nai) nối liền P.Hiệp Hòa với P.An Bình được khánh thành đưa vào sử dụng. Đây là dự án hạ tầng quan trọng kết nối quốc lộ 51, quốc lộ 1 với nội ô TP.Biên Hòa và quốc lộ 1K. Từ khi được đưa vào khai thác, cầu An Hảo đã giúp giảm tải một lượng lớn các phương tiện lưu thông trên các tuyến đường nội ô TP.Biên Hòa như Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi. Đồng thời, rút ngắn thời gian lưu thông từ nội ô TP.Biên Hòa ra các khu công nghiệp Biên Hòa 1, Biên Hòa 2 và khu vực ngã tư Vũng Tàu.

Cùng với cầu An Hảo, nhiều dự án hạ tầng giao thông khác cũng đã được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác trong 5 năm qua như: hầm chui Tân Phong
(TP.Biên Hòa), đường 319 (H.Nhơn Trạch), đường Sông Nhạn - Dầu Giây (H.Thống Nhất và H.Cẩm Mỹ)…

Hạ tầng thúc đẩy sự phát triển kinh tế nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung. Với phương châm đó, nhiều năm qua, Đồng Nai luôn xác định, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện là đầu tư cho phát triển. Do đó, tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để đầu tư thực hiện các dự án hạ tầng.

Trong giai đoạn từ 2015-2020, Đồng Nai đã huy động các nguồn lực được hơn 440 ngàn tỷ đồng để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Tức trung bình mỗi năm tỉnh huy động gần 90 ngàn tỷ đồng từ các nguồn để đầu tư các công trình, dự án trên các lĩnh vực, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh đã được triển khai xây dựng và hoàn thành đưa vào khai thác giúp Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, sản xuất công nghiệp...

* Chuẩn bị sẵn sàng

Đối với các dự án giao thông quốc gia do Trung ương triển khai thực hiện trên địa bàn, Đồng Nai chỉ thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đối với các dự án do tỉnh triển khai, ngoài thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Đồng Nai còn phải chuẩn bị nguồn lực để thực hiện đầu tư xây dựng. Với hàng loạt dự án hạ tầng sẽ được triển khai thực hiện trong 5 năm tới, Đồng Nai cần một nguồn lực rất lớn để thực hiện.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách gặp hạn chế, để có nguồn lực đầu tư các dự án, Đồng Nai đã đề ra các giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, tỉnh đang hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, trong đó sẽ dự báo và quy hoạch sẵn đất đai cho các lĩnh vực để huy động các nguồn lực đầu tư vào. Cụ thể, Đồng Nai sẽ quy hoạch thêm các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, các khu phức hợp kết hợp công nghiệp, dịch vụ, dân cư. “Hiện có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã ngỏ ý muốn đầu tư vào Đồng Nai” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư, người dân, các sở, ngành đang phối hợp với các địa phương hoàn thành quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai cho thống nhất để tạo thuận lợi khi đầu tư thực hiện các dự án. Đồng Nai cũng tiếp tục thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Chính sách “đồng hành cùng doanh nghiệp” sẽ giúp cho các doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án, đồng nghĩa với việc nguồn vốn huy động được sẽ cao hơn và cũng sớm phát huy hiệu quả hơn.

Quỳnh Nhi

Tin xem nhiều