Trong giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai đã huy động các nguồn lực hơn 10 tỷ USD để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn trên đã giúp cho kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Trong giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai đã huy động các nguồn lực hơn 10 tỷ USD để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nguồn vốn trên đã giúp cho kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng khá, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giúp cho giao thông của Đồng Nai thuận lợi hơn, do đó nhiều dự án đầu tư vào các huyện: Long thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất và TP.Long Khánh. Ảnh: Hương Giang |
Theo UBND tỉnh, huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 5 năm qua tiếp tục đạt kết quả khá so với giai đoạn trước, tăng bình quân 5,3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết 53,4 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 28,4% GRDP cả giai đoạn.
* Ba lĩnh vực có đóng góp lớn
Thời gian qua, nhiều thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đã tham gia đóng góp để thực hiện nhiều dự án, công trình về kinh tế - xã hội. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước gần 53 ngàn tỷ đồng, chiếm 11,1%; khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là hơn 140,8 ngàn tỷ đồng, chiếm gần 88% tổng vốn đầu tư. Còn lại là vốn đầu tư thuộc khu vực ngoài quốc doanh và vốn ODA.
Toàn tỉnh đã tập trung huy động nguồn vốn đầu tư trong nước và các nguồn vốn khác của DN nhà nước, của dân cư, của DN ngoài quốc doanh để thực hiện các công trình, dự án cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh như: hệ thống giao thông, cầu, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... Đầu tư lắp đặt máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất và đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho DN. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh đã huy động nguồn vốn 2 tỷ USD.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, ở giai đoạn 2016-2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt mục tiêu kế hoạch đề ra và góp phần vào mức tăng trưởng của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng hơn 8%. Có được kết quả trên là do Đảng, chính quyền các cấp đã luôn đồng hành cùng DN, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để DN hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, các DN và cộng đồng dân cư trong tỉnh cũng đã có nhiều nỗ lực, cùng góp sức đầu tư, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 5 năm qua, lãnh đạo tỉnh, huyện, thành phố thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư nên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có năng lực, có thương hiệu trong và ngoài nước đầu tư mới vào tỉnh hoặc tăng vốn mở rộng sản xuất như: Vingroup, Hòa Phát, Masan, Bosch, Hyosung, Changshin, Fujitsu, Meggitt, Kenda, Hansol Technics, Oji Paper, Intops... Tỉnh liên tục có những cải thiện để giảm bớt thời gian, đơn giản thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho DN, người dân trong thực hiện các công trình, dự án phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, việc giải ngân vốn đầu tư được thực hiện nhanh, sớm đưa dự án vào hoạt động, nhất là các dự án trong khu công nghiệp. Từ đó góp phần tăng giá trị GRDP và tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Hằng năm, vào dịp cuối năm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đều về làm việc với tỉnh và đánh giá: “Đồng Nai là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu ngân sách nhà nước. Do đó, nguồn thu của tỉnh đạt và vượt dự toán năm sẽ góp phần rất lớn cho ngân sách của trung ương’’.
Nguồn vốn huy động từ các nguồn lực trên địa bàn tỉnh được đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn, thương mại dịch vụ đã giúp Đồng Nai vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và giảm nông nghiệp. Đến cuối năm 2020, công nghiệp xây dựng của tỉnh chiếm 61,72%, dịch vụ 29,98%, nông lâm thủy sản 8,3%. Tuy là tỉnh công nghiệp, nhưng Đồng Nai vẫn dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người của Đồng Nai cao gấp gần 2 lần so với cả nước. Đời sống của người dân trên địa bàn được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.
* Tạo sức mạnh, vượt khó khăn
Đồng Nai đã biết khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các DN trong nước, nước ngoài. Đơn cử năm 2020, tình hình kinh tế Việt Nam cũng như thế giới gặp nhiều khó khăn do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành đã tăng trưởng âm, nhưng Đồng Nai vẫn giữ mức tăng 4,4%, xếp thứ ba trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (sau Bình Dương và Bình Phước).
Công ty CP Đồng Tiến đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà xưởng sản xuất tại Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: Hương Giang |
Nguồn vốn FDI đầu tư vào tỉnh cũng đạt 1,3 tỷ USD, tăng 30% so với kế hoạch năm. Vốn trong nước rót vào tỉnh khoảng 29 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với kế hoạch. Nhiều chuyên gia kinh tế, DN đánh giá Đồng Nai là nơi rất hấp dẫn các nhà đầu tư trên các lĩnh vực.
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam cho biết: “Đồng Nai là nơi có nhiều DN trong CLB muốn đầu tư vào. Năm 2020, CLB đã tổ chức hội thảo lớn tại tỉnh nhằm hỗ trợ các DN tìm hiểu môi trường đầu tư ở 5 lĩnh vực bất động sản là công nghiệp, thương mại dịch vụ, logistics, năng lượng, khu dân cư. Hiện đã có những DN bỏ ra cả ngàn tỷ đồng để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh”.
Trong năm 2020, dù dịch bệnh khiến việc đi lại, giao thương và đầu tư giữa các nước bị hạn chế, nhưng Đồng Nai vẫn là điểm đến được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn. Phía tỉnh phối hợp với các hiệp hội DN nước ngoài tại Đồng Nai, lãnh sự quán các nước hỗ trợ các DN FDI đầu tư vào tỉnh. Vì thế, nguồn vốn FDI vào tỉnh vẫn tiếp tục tăng cao.
Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM chia sẻ: “Đại dịch Covid-19 khiến nhiều DN Nhật Bản muốn thực hiện dự án mới và mở rộng sản xuất vào Đồng Nai bị chậm lại. Thế nhưng, nhờ có sự kết nối, hỗ trợ của lãnh sự quán, tỉnh, đặc biệt là bàn Kansai một số DN Nhật Bản vẫn mở rộng được đầu tư vào tỉnh”.
Trong 5 năm qua, nguồn vốn huy động từ toàn xã hội đã góp phần giúp cho kinh tế của Đồng Nai tiếp tục phát triển toàn diện, quy mô và sức cạnh tranh được nâng lên rõ rệt. Kinh tế tăng trưởng đạt mức cao so với bình quân cả nước. Kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách được tăng cường, đảm bảo cân đối vững chắc thu - chi. Các dự án, công trình trọng điểm được tập trung đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Tỉnh đã tập trung nguồn lực cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực và triển khai thực hiện Trung tâm Hành chính công. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tăng niềm tin của nhà đầu tư. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được tăng cường, tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, phúc lợi xã hội và đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Đồng Nai là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm và công tác đối ngoại đạt kết quả tích cực.
Hương Giang