Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuẩn bị đà cho kinh tế tăng tốc

03:01, 19/01/2021

Năm 2020, Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép thành công, giúp nước ta tăng được vị thế, uy tín với thế giới. Mục tiêu năm 2021 của Chính phủ là sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng khoảng 6,5%...

Năm 2020, Việt Nam đã thực hiện mục tiêu kép thành công, giúp cho nước ta tăng được vị thế, uy tín với thế giới. Giai đoạn 2021-2025, mục tiêu của Chính phủ là  áp dụng mạnh mẽ công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.

Đồ họa thể hiện một số kết quả đạt được của Đồng Nai trong năm 2020. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)
Đồ họa thể hiện một số kết quả đạt được của Đồng Nai trong năm 2020. (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Quân)

Đại dịch Covid-19 xảy ra đã khiến nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới bị tăng trưởng âm. Việt Nam nhờ phòng, chống dịch bệnh tốt và kịp thời có những chính sách phù hợp nên vẫn giữ mức tăng trưởng dương (2,91%) trong năm 2020. Vì thế, Việt Nam trở thành một trong 10 nước dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế, vượt qua một số nền kinh tế có trình độ phát triển cao trong khu vực.

* Sức bật từ đổi mới sáng tạo

Trong năm qua, Việt Nam đã vượt qua 3 thách thức rất lớn đó là: đại dịch Covid-19, thiên tai, cạnh tranh về chính trị và bảo hộ mậu dịch ở các khu vực trên thế giới làm ảnh hưởng mạnh đến dòng chảy thương mại và kinh tế quốc tế. Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Chính phủ đã kịp thời có những giải pháp linh hoạt kiểm soát tốt dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Do đó, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sớm khôi phục và phát triển nền kinh tế. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế trong năm 2021 và giai đoạn 5 năm tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong hội nghị trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021: “Trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam sẽ tập trung vào đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành Công nghiệp theo hướng tăng tỉ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỉ trọng gia công, lắp ráp. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ... Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thúc đẩy tiến độ các dự án công nghiệp lớn, có tác động lan tỏa”.

Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa).  Ảnh: HƯƠNG GIANG
Sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa). Ảnh: HƯƠNG GIANG

Giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP và trở thành một trong những nền kinh tế lớn được thế giới đánh giá rất cao. Vì vậy, mục tiêu của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2025, sẽ tăng tốc trong phát triển kinh tế, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Muốn đạt được kết quả trên, cần có sự đóng góp lớn từ các tỉnh, thành, bộ, ngành trên cả nước.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam những năm gần đây đã không còn phụ thuộc vào riêng một thành phần kinh tế là doanh nghiệp nhà nước hay nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vai trò của kinh tế tư nhân cũng dần được khẳng định và có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế.

Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng nhận xét: “Nhờ nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết nên ngoại thương của Việt Nam đã không quá tập trung vào một vài thị trường truyền thống, đồng thời chú trọng hơn nữa thị trường trong nước. Vì vậy, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và mạnh mẽ hơn khi dịch bệnh Covid-19 lắng xuống. Năm 2021, Việt Nam sẽ cố gắng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng khoảng 6,5% để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho giai đoạn 5 năm tới”.

Năm nay, Chính phủ xác định phương châm hành động là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, khát vọng phát triển”. Mục tiêu của Chính phủ là tạo nền tảng vững chắc cho định hướng phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới và phấn đấu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

* Đồng Nai góp sức cùng cả nước

Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế trong nhiều năm qua, đặc biệt là thu ngân sách nhà nước, phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu... Tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong năm 2020, GRDP của tỉnh tăng 4,44%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,2%, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.952 USD, thu ngân sách nhà nước hơn 54,2 ngàn tỷ đồng, đạt 102% dự toán, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt kế hoạch 30%, thu hút đầu tư trong nước tăng gấp gần 3 lần so với kế hoạch năm...

Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho hay: “Năm 2020, Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tỉnh làm tốt công tác phòng, chống dịch và có giải pháp kịp thời trong khôi phục kinh tế nên vẫn giữ mức tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Kế hoạch của tỉnh là đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 8 ngàn USD, 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, duy trì tỉ trọng ngành Công nghiệp, dịch vụ trong GRDP trên 90%”.

Sản xuất dệt may xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang
Sản xuất dệt may xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Tiến ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.Giang

Đồng Nai đã đưa ra 9 giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021-2025, cùng góp sức cả nước hoàn thành các mục tiêu quan trọng. Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế. Phát triển công nghiệp - xây dựng có hàm lượng khoa học công nghệ cao, bằng cách tái cơ cấu công nghiệp theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao sẽ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại để khai thác như: logistics, tài chính, ngân hàng… Nông nghiệp của tỉnh sẽ phát triển theo hướng sinh thái, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao sản xuất hàng hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Trong giai đoạn tới, tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn vốn cho các công trình có tính kết nối vùng, có sự tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hiệu quả nhất”.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và cơ chế khuyến khích người dân tích lũy (vốn, kinh nghiệm, tri thức, công nghệ) để đầu tư, khởi nghiệp, đặc biệt là đối với những người lao động có kinh nghiệm làm việc tại các tổng công ty và các doanh nghiệp nước ngoài tại Đồng Nai.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Đồng Nai sẽ là nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong 5,10 năm tới, nếu tận dụng tốt các lợi thế sẵn có về hạ tầng giao thông, khí hậu, đất đai...; phát triển đa dạng các loại thị trường gồm: thị trường hàng hóa, tài chính tiền tệ, bất động sản, khoa học và công nghệ, lao động. Các nhân tố trên được phân bổ hiệu quả sẽ tạo động lực góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển năng động, bền vững. Đồng thời, Đồng Nai cũng cần chú trọng đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng và quốc tế.

Cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm gồm: Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là 1,89% so với năm 2019 và xếp thứ ba sau Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (tăng 5,12%) và Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (tăng 1,97%). Riêng Đồng Nai tăng trưởng kinh tế 4,44%, cao gấp hơn 2 lần so với bình quân của vùng, đồng thời đứng thứ ba trong vùng chỉ sau Bình Dương và Bình Phước.

Khánh Minh

Tin xem nhiều