Việc các dự án thực hiện bằng vốn đầu tư công bị chậm tiến độ do vướng mắc mặt bằng không chỉ gây ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác…
Việc các dự án được thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công bị chậm tiến độ do những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng không chỉ gây ảnh hưởng đến hiệu quả nguồn vốn đầu tư mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác như đội vốn, khiếu kiện vì “một dự án nhưng có hai chính sách bồi thường”…
Các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ các dự án trọng điểm trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện bị chậm tiến độ vì chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Trong ảnh: Một phần khu đất được quy hoạch để xây dựng khu đô thị tái định cư tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa |
* Đội vốn vì chậm tiến độ
Các dự án được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công đều có mục tiêu chung là phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Do đó, các dự án này khi rơi vào tình trạng chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của địa phương mà còn làm giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ còn gây nên tình trạng đội vốn, tăng tổng mức đầu tư, nhất là chi phí đền bù, hỗ trợ.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà cho biết, các dự án làm công tác bồi thường chậm thì tổng mức đầu tư tăng lên rất nhiều lần. Đặc biệt, đối với các dự án giao thông, việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng thường tăng rất cao, có dự án tổng mức đầu tư tăng thêm 300%. “Dự án Đường song hành phía Đông quốc lộ 20 do UBND H.Thống Nhất làm chủ đầu do chậm tiến độ nên tổng mức đầu tư tăng, trong đó giá trị xây lắp tăng ít nhưng kinh phí bồi thường, hỗ trợ thì tăng nhiều” - ông Hồ Văn Hà nêu dẫn chứng.
Tình trạng chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng khiến tổng mức đầu tư các dự án phải điều chỉnh tăng thêm còn xảy ra ở hàng loạt dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công khác trên địa bàn tỉnh.
Tại TP.Biên Hòa, một số dự án thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công cũng xảy ra tình trạng đội vốn vì giải phóng mặt bằng chậm. Đơn cử như dự án Kè gia cố bờ sông Đồng Nai (đoạn từ khu dân cư Rạch Cát, P.Thống Nhất đến Nhà máy xử lý nước thải số 2, P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa). Theo tổng mức đầu tư ban đầu, kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với công tác giải phóng mặt bằng của dự án được phê duyệt khoảng 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, do quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chậm nên đến nay, phần kinh phí bồi thường, hỗ trợ đã tăng lên hơn 67 tỷ đồng.
* Phát sinh phức tạp vì “một dự án, hai chính sách đền bù”
Không chỉ giảm hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, tình trạng chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án đầu tư công còn dẫn đến các khiếu kiện phức tạp do chênh lệch giá đền bù. Tình trạng “một dự án, hai chính sách đền bù” khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn, kéo dài dẫn đến ảnh hưởng tiến độ dự án cũng như việc giải ngân nguồn vốn đầu tư.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN-MT) Nguyễn Hồng Quế cho rằng, khi thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là các địa phương giáp ranh với TP.Biên Hòa có tình trạng thực hiện không trọn vẹn từ đầu đến cuối, nhất là các dự án giao thông. Các tuyến đường giao thông “làm năm nay một đoạn, năm sau một đoạn” dẫn đến tình trạng trong cùng một dự án giá đất cụ thể phải điều chỉnh, phê duyệt nhiều lần với mức giá khác nhau. Điều này dẫn đến tình trạng hộ nhận tiền bồi thường, hỗ trợ cao hơn hộ nhận tiền trước làm phát sinh khiếu kiện, dự án kéo dài, chậm tiến độ ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn. Tình trạng “một dự án, hai chính sách đền bù” còn xảy ra tại nhiều dự án trên địa bàn các địa phương như: Thống Nhất, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán.
Từ thực tế trên, để hạn chế phát sinh tình trạng “một dự án, hai chính sách đền bù” làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, gây khó khăn trong xử lý, ông Nguyễn Hồng Quế cho rằng, đối với công tác kiểm kê, xác định giá đất cụ thể, phê duyệt giá đất cụ thể của các dự án phải làm từ đầu năm và không chia nhỏ. “Khi thực hiện chính sách phải đồng bộ” - ông Nguyễn Hồng Quế nhấn mạnh.
Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc chấn chỉnh, tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do UBND tỉnh ban hành ngày 19-9-2019 có yêu cầu, chủ tịch UBND các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, thời gian đối với các khâu trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đất đai, quy định của UBND tỉnh và tiến độ đầu tư của dự án; việc lập phương án bồi thường, thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường không được tự ý chia ra nhiều lần để tạo nên sự so bì của các đối tượng cùng dự án nhưng phê duyệt khác thời điểm và hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khác nhau và việc bàn giao mặt bằng manh mún cũng sẽ gây khó khăn cho việc thi công dự án. |
Quỳnh Nhi