Trong giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Nai cần nguồn vốn rất lớn để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai cần nguồn vốn rất lớn để tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Dự tính mỗi năm, tỉnh sẽ huy động được nguồn vốn từ doanh nghiệp (DN), người dân lên đến 100-105 ngàn tỷ đồng. Với các lợi thế về hạ tầng giao thông, đất đai, có thể nguồn vốn của DN đầu tư vào tỉnh sẽ tăng cao hơn nhiều so với kế hoạch.
Huyện Long Thành được nhiều doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn lớn cho các dự án. Ảnh: Khánh Minh |
[links()]Theo UBND tỉnh, năm 2021, kế hoạch của tỉnh là sẽ huy động các nguồn lực, đóng góp xây dựng kinh tế - xã hội khoảng 100,3 ngàn tỷ đồng. Nếu dịch bệnh Covid-19 được khống chế tốt, giao thương giữa các nước trở lại bình thường, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ yên tâm triển khai các dự án, Đồng Nai sẽ đón được những nguồn vốn lớn của DN trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
* Nhiều tiềm năng phát triển
Đồng Nai được đánh giá là khu vực còn nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế với lợi thế giáp TP.HCM, là trung tâm giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kết nối với khu vực Tây nguyên, miền Tây. Bên cạnh đó, Đồng Nai là nơi có diện tích đất tự nhiên lớn với 586.362ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 463.757ha, chiếm 79,09%; diện tích đất phi nông nghiệp 122.595ha, chiếm 20,91% và đất chưa sử dụng còn 9ha.
Vì xác định Đồng Nai là tỉnh công nghiệp nên những năm qua, Chính phủ thống nhất cho tỉnh chuyển đổi hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để thực hiện các dự án trên lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật... Vào cuối năm 2020, Chính phủ đã chấp thuận cho Đồng Nai bổ sung 3 khu công nghiệp với diện tích tăng thêm gần 6,5 ngàn ha. Trong giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai đưa vào quy hoạch thêm nhiều diện tích đất công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, thương mại dịch vụ, khu dân cư, du lịch, năng lượng.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết: “Trong giai đoạn 5 năm tới, công nghiệp vẫn là lĩnh vực phát triển trọng tâm của tỉnh. Do đó, tỉnh đã yêu cầu các địa phương rà soát và có định hướng phát triển kinh tế phù hợp để tính toán đưa vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 cho phù hợp. Quy hoạch sát với nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và có tầm nhìn xa sẽ rất thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư và triển khai các dự án trên nhiều lĩnh vực”.
Hiện nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc quy hoạch sử dụng đất cho giai đoạn 10 năm tới và đang đợi phê duyệt. Hầu hết các huyện, TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh đều dành nhiều quỹ đất cho phát triển các dự án trên lĩnh vực hạ tầng giao thông, khu dân cư, công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, giáo dục, y tế...
Ông Huỳnh Tấn Thìn, Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho hay: “Cẩm Mỹ có lợi thế nằm gần cảng hàng không quốc tế Long Thành, có đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua, gần cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nên được rất nhiều DN trong và ngoài nước chú ý muốn đầu tư các dự án. Trong 5 năm tới, huyện sẽ phối hợp với tỉnh, nhà đầu tư triển khai nhanh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giao thông kết nối để phát triển kinh tế của địa phương”.
* Cần hơn 3 tỷ USD cho các dự án
Giai đoạn 2021-2025, riêng hạ tầng kỹ thuật, Đồng Nai cần nguồn vốn hơn 3 tỷ USD để đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu phát triển của các địa phương và tạo ra các đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi nguồn vốn đầu tư công cho tỉnh cả giai đoạn không nhiều chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu, số còn lại tỉnh dự tính sẽ khai thác từ các quỹ đất có lợi thế để có vốn đầu tư các công trình hạ tầng.
Giám đốc Sở KH-ĐT Hồ Văn Hà chia sẻ: “Tỉnh sẽ ưu tiên vốn triển khai các dự án về hạ tầng giao thông để kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc, đường vành đai nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế ở các địa phương. Các tuyến đường giao thông mở ra sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, nước ngoài vào thực hiện các dự án ở nhiều lĩnh vực”.
Một số DN cho hay, trong năm 2021 và những năm tới, những lĩnh vực ở Đồng Nai được nhà đầu tư chú ý và sẵn sàng bỏ ra từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu USD để thực hiện các dự án là công nghiệp, bất động sản, logistics. Ví dụ như, cuối năm 2020, Công ty CP Bất động sản STC Golden Land (Hà Nội) đã bỏ ra hơn 1.626 tỷ đồng mua khu đất hơn 23ha tại xã Bình Sơn (H.Long Thành), Công ty CP Bất động sản Mỹ (Hà Nội) chi 1.229 tỷ đồng để sở hữu khu đất 21,3ha ở P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) để đầu tư khu phức hợp gồm thương mại, căn hộ. Dự tính các công ty trên sẽ đầu tư cả ngàn tỷ đồng để xây dựng khu dân cư, căn hộ cao tầng.
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn lớn như: Novaland, Kim Oanh, Đất Xanh, Tuấn Lộc, Amata, Hưng Thịnh... đang đầu tư từ vài trăm đến hàng ngàn tỷ đồng vào các dự án khu dân cư, khu đô thị. Hiện nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị đang được khởi động. Trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021 đã được UBND tỉnh phê duyệt thì Đồng Nai có 344 dự án khu dân, khu đô thị với diện tích gần 9,2 ngàn ha.
Theo ông Yu Hie Min, Tổng giám đốc Công ty TNHH Platel Vina, công ty thuộc tập đoàn Intops của Hàn Quốc, sau khi đầu tư vào TP.HCM một thời gian, Tập đoàn Intops thấy địa bàn Đồng Nai rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp nên đầu tháng 1-2021 đã đầu tư dự án khoảng 30 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện, điện tử cung ứng cho Tập đoàn Samsung.
Vừa qua, cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được khởi công, các tuyến đường cao tốc như: Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái... đang được ưu tiên nguồn vốn, nhân lực để triển khai nhanh trong giai đoạn 2021-2025. Đó sẽ là ưu thế tăng sức hút cho Đồng Nai với các DN trong nước, FDI. Vấn đề còn lại là tỉnh sẽ chuẩn bị các điều kiện đủ để nhà đầu tư đưa vốn vào thực hiện nhanh các dự án. Môi trường đầu tư tốt, việc huy động các nguồn lực đầu tư vốn cho phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Nai sẽ thuận lợi hơn và có thể vượt xa so với kế hoạch.
Khánh Minh