Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh khó khăn chồng chất, đây vẫn là năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành Nông nghiệp.
Theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh khó khăn chồng chất, đây vẫn là năm thành công với nhiều điểm sáng toàn diện của ngành Nông nghiệp.
Đồ họa thể hiện một số kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp cả nước trong năm 2020. (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân) |
[links()]Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch năm 2021 ngành Nông nghiệp vào chiều 24-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp phải tiếp tục phát triển trên tinh thần “biến nguy thành cơ”. Trong đó, cần chú trọng gỡ những “điểm nghẽn” về thể chế để ngành Nông nghiệp vươn lên nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là ở việc chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.
* Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ cho nền kinh tế
Cũng theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2020, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP gần 3%, là mức cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB). Đặc biệt, nước ta đạt mức xuất siêu kỷ lục gần 20 tỷ USD. Trong đó, ngành Nông nghiệp cho thấy vai trò sống còn, là bệ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế quốc gia, giúp nước ta tăng trưởng dương. Cụ thể, ngành Nông nghiệp đã chủ động ứng phó với đại dịch, thiên tai, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm của 100 triệu dân. Tăng trưởng của ngành Nông nghiệp vẫn đạt 2,65%, đây là lần đầu tiên, tăng trưởng của nền nông nghiệp đạt mức tương đương với tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; đóng góp trên 10 tỷ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế cả nước. Cả nước có trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn hẳn so với mục tiêu đề ra…
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, doanh nghiệp, những hộ sản xuất, kinh doanh nông sản cần chú trọng hơn nữa thị trường trong nước trên tinh thần đưa hàng hóa từ nông thôn lên thành thị, dân thành thị tiêu thụ hàng nông thôn, chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản. |
Trong bối cảnh chung của cả nước, sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai cũng đối mặt nhiều khó khăn nhưng nhiều ngành hàng chủ lực trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể, so với cùng kỳ trong 11 tháng của năm, tổng sản lượng cao su đạt trên 46 ngàn tấn, tăng hơn 4%; cà phê đạt trên 10,2 ngàn tấn, tăng gần 3,5%; sản lượng xoài đạt gần 88,2 ngàn tấn, tăng hơn 6,4%; chuối đạt trên 115,6 ngàn tấn, tăng gần 7,7%; bưởi đạt trên 59 ngàn tấn, tăng gần 12,7%…Tổng đàn gia súc của tỉnh hiện có trên 1,95 triệu con, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng đàn heo đang dần khôi phục chủ yếu do các đơn vị chăn nuôi có quy mô lớn, đủ điều kiện an toàn đảm bảo công tác khôi phục đàn heo giống, tái đàn heo thịt. Về tổng đàn gia cầm hiện đạt trên 23,7 triệu con, tăng gần 5,4% so với cùng kỳ.
Theo đó, trong khó khăn, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tại Đồng Nai vẫn ngày càng tăng lên. Nổi bật là các xã đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu như Bảo Hòa, Xuân Thọ (H.Xuân Lộc), xã Bình Lộc (TP.Long Khánh), xã Xuân Quế (H.Cẩm Mỹ) thu nhập bình quân của người dân nông thôn đều đạt và vượt hơn 66 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả nước.
* Cần sớm thay đổi về tư duy
Theo đánh giá của Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành Nông nghiệp còn một số điểm hạn chế cần khắc phục như: Quá trình phát triển vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí trung gian, nâng cao giá trị gia tăng chưa trở thành phổ biến.
H.Định Quán xây dựng cánh đồng lớn cây ca cao từ sản xuất đến chế biến sâu cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: B.Nguyên |
Ngoài ra, việc đổi mới HTX và phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chưa đạt mục tiêu có 15 ngàn HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Khả năng chống chịu còn hạn chế, dễ bị tổn thất lớn khi có thiên tai. Mặt khác, tình trạng lạm dụng phân bón, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng lãng phí nước còn diễn ra, dẫn đến chi phí sản xuất cao, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện…còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đây là nguyên nhân khiến thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị; chênh lệch thu nhập giữa các hộ nông thôn có xu hướng gia tăng. Lao động nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội, chủ yếu làm thủ công nên năng suất lao động chưa cao đang là áp lực lớn trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân nông thôn...
Đóng góp cho ngành Nông nghiệp trong giai đoạn tới nhằm khắc phục những hạn chế, hướng tới sự phát triển bền vững, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, năm 2020 đã chứng kiến làn sóng đầu tư và các hoạt động của doanh nghiệp tham gia vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng đã được định hình và khẳng định. Và đây là hướng đi đúng cần tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Trên tinh thần này, về công tác triển khai mở cửa thị trường, thực thi các cam kết hội nhập cần thống nhất theo quan điểm sản xuất nông nghiệp và sản xuất nói chung phải gắn với tín hiệu của thị trường. Một trong những nội dung của công tác phối hợp giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương là chuyển tín hiệu thị trường này đến người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp.
Nông dân xã Phú Điền (H.Tân Phú) chuyển đổi sang trồng sen trên ruộng lúa để nâng cao thu nhập |
Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cần sự phối hợp toàn diện, chủ động giữa các bộ, ngành liên quan trong câu chuyện phát triển thị trường; đổi mới sản xuất nông nghiệp đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn; tăng cường năng lực cạnh tranh; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc… Để thực thi tốt các cam kết hội nhập và phát triển nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp tiếp tục tham gia xây dựng và vận hành các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng là vô cùng quan trọng. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT cần có cơ chế chính sách thay đổi tận gốc mô hình sản xuất, đảm bảo được nền kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp gắn với vai trò của doanh nghiệp để đưa công nghệ, đưa tín dụng… đảm bảo sự bền vững của chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN-PTNT với Bộ Công thương trong công tác đẩy mạnh phát triển, mở cửa thị trường; chú trọng phát triển các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp; xây dựng và gỡ vướng về mặt thể chế từ đất đai, tín dụng, thị trường… để ngành Nông nghiệp tiếp tục vươn lên, tạo nên những kỳ tích mới trong giai đoạn hội nhập. Ngoài ra, các địa phương cần tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất lớn.
Trên tinh thần khai thác mọi lợi thế, cơ hội để “biến nguy thành cơ” nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp trong giai đoạn khó khăn, chính quyền Đồng Nai đã bám sát, tích cực triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước nhằm trợ lực cho doanh nghiệp, HTX, nông dân khôi phục và phát triển sản xuất.
Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thời gian qua, Đồng Nai rất quan tâm hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Tiêu biểu như Hội Nông dân tỉnh có Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của nông dân tỉnh đặt tại trụ sở Hội nhằm hỗ trợ nông dân quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ đặc sản, nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, đặc biệt là Hội Nông dân cũng tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân, nhất là thu hút doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết để chuyển giao các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới cho nông dân, hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa mà còn tham gia thị trường xuất khẩu.
Nói về chính sách hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai Trần Lâm Sinh cho biết, tỉnh có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp ổn định sản xuất và tăng trưởng trong khó khăn như: giảm các loại phí, thuế, hỗ trợ về nguồn vốn; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi liên kết bền vững, thu hút đầu tư cho bảo quản, chế biến... Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, HTX, nông dân quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Bình Nguyên