Những năm qua, Đồng Nai đã tạo được tiếng vang trong ngành sản xuất gỗ cả nước với mô hình chợ đầu mối đồ gỗ, nhưng mới chỉ hình thành được đối với gỗ nhập khẩu...
Đồng Nai những năm qua đã tạo được tiếng vang trong ngành sản xuất Gỗ cả nước với mô hình chợ đầu mối đồ gỗ. Chợ đầu mối này quy tụ rất nhiều doanh nghiệp (DN) từ phân phối đến xẻ, sấy, dịch vụ logistics, hải quan… nhưng mới chỉ hình thành được đối với gỗ nhập khẩu.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Biên Hòa. Ảnh:V. Gia |
Để có thể chủ động nguồn nguyên liệu, rất cần sự chung sức của các DN cộng hưởng cùng chính quyền xây dựng thêm mô hình đầu mối cung cấp nguyên liệu gỗ trong nước hợp pháp.
* Hình thành chợ đầu mối quy mô nhất khu vực
Đặt nhiều tâm huyết cho việc hình thành nên trung tâm phân phối nguyên liệu gỗ là Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico). Ông Võ Quang Hà, Giám đốc công ty cho hay vào năm 2015, trong sự kiện kỷ niệm 10 năm của mình, Tavico đã mời các nhà cung cấp nguyên liệu gỗ uy tín trên thế giới và các khách hàng là các nhà máy chế biến gỗ Việt Nam cùng tham dự. Sự kiện này chính thức cho ra đời “Hệ thống phân phối gỗ nguyên liệu chuyên nghiệp”, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành Gỗ Việt Nam nói riêng và ngành Gỗ thế giới nói chung.
Từ năm 2016-2020, Tavico không những tiếp tục phát triển mạnh mẽ hệ thống phân phối nguyên liệu gỗ hợp pháp, là cửa ngõ đưa nguyên liệu gỗ Tây vào sản xuất mà còn xây dựng một “Siêu thị nội thất gỗ Tây” tại P.Hố Nai, TP.Biên Hòa. Nơi đây có nhiệm vụ phân phối sỉ đồ nội thất của các DN Việt vào thị trường trong nước, đem lại lợi ích cao nhất của gỗ Tây cho người Việt.
Theo ông Hà, mô hình này ở các nước phát triển đã có từ lâu và rất phổ biến. Tại đây, các DN quy tụ lại với nhau, làm cho thị trường trở nên lành mạnh hơn nhiều nhờ vào việc chia sẻ thông tin kinh doanh - sản xuất thuận lợi. Khi đó các DN phải “làm thật - bán thật” tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Điều đó lý giải tại sao ở nước ngoài đã tạo ra các sản phẩm tốt - giá tốt, thậm chí giá cao nhưng người tiêu dùng vẫn mua vì họ cảm thấy xứng đáng. Mô hình này ở Việt Nam còn mới. Chúng ta có nhiều làng nghề nhưng xu hướng là sản xuất hàng giá rẻ và chất lượng thả nổi, trong khi các doanh nghiệp sản xuất lớn tập trung vào sản xuất hàng gia công xuất khẩu, chưa mặn mà với thị trường trong nước.
“Mô hình này sẽ mang tới cái nhìn mới về chuỗi giá trị trong ngành Gỗ, tạo ra liên kết chuỗi giữa nhà cung cấp nguyên phụ liệu ngành Gỗ, nhà sản xuất nội thất và nhà phân phối nội thất, đem lại lợi ích công bằng hơn cho các bên từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành chế biến Gỗ” - ông Hà kỳ vọng.
* Cần thêm chợ đầu mối “gỗ Ta”
Đối với thói quen người Việt Nam, người tiêu dùng thích sử dụng gỗ quý hiếm tại các rừng tự nhiên, không quan tâm nguồn gốc gỗ hợp pháp nên việc đưa gỗ Tây của các nước tiên tiến, có biện pháp quản lý rừng khoa học, có nguồn gốc hợp pháp vào thị trường Việt Nam là cả một quá trình 10 năm. Mô hình này ngày càng đem lại lợi ích cho người Việt nên đón nhận được sự ủng hộ của khách hàng càng ngày càng nhiều. Nhưng điều đó cũng dẫn đến việc cạnh tranh với nguyên liệu gỗ trồng trong nước.
Theo Sở NN-PTNT, Đồng Nai có diện tích tự nhiên gần 600 ngàn ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm khoảng 1/3 với tài nguyên rừng đa dạng. Ngoài ra, tỉnh cũng có 40 ngàn ha cây cao su và cây trồng phân tán, cây vườn nhà là nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ. Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại là dù sản xuất, xuất khẩu gỗ đứng tốp đầu cả nước song việc liên kết, phối hợp giữa đơn vị quản lý rừng, người dân trồng rừng với các DN sản xuất gỗ chưa có. Hiện thị trường gỗ sử dụng gỗ từ rừng sản xuất chỉ 14%, gỗ cao su, vườn nhà, trang trại phân tán là 32%, còn lại phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi cho rằng với diện tích đất rừng trồng và nguồn cây cao su lớn, bên cạnh đẩy mạnh liên kết giữa nhà trồng rừng với nhà sản xuất thì cũng cần phải hợp tác trong khâu phân phối tiêu thụ. Chỉ có như vậy, việc quản lý, khai thác rừng trồng và chế biến gỗ mới thực sự bền vững. “Mục tiêu lớn hơn là chúng ta phải tạo được một chuỗi liên kết từ quản lý rừng bền vững trong sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu đến thương mại lâm sản đủ lớn. Từ đó từng bước hình thành nên các siêu thị, chợ đầu mối gỗ Ta bên cạnh gỗ Tây để tạo nên trung tâm kết nối mua bán, giới thiệu sản phẩm từ gỗ rừng trồng một cách thuận lợi” - ông Lê Văn Gọi kỳ vọng.
Văn Gia